Lộ thông tài sẽ thông
Được ví như huyết mạch nền kinh tế, hạ tầng giao thông là lĩnh vực có tác động lan tỏa lớn nhất đối với nền kinh tế, đầu tư cho giao thông chính là mở đường cho phát triển.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng là một trong 3 đột phá chiến lược, trong đó, phát triển hạ tầng giao thông là trụ cột quan trọng.
Phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông cũng được đánh giá là một trong những đột phá rõ nét nhất của năm 2024., Theo đó, nhiều công trình giao thông quan trọng quốc gia có ý nghĩa liên kết vùng, tạo hiệu ứng lan tỏa đã được đưa vào khai thác. Chính sự đột phá về giao thông đã góp phần tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, chúng ta có thêm 109km đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc cả nước lên hơn 2.021km; khởi công tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; khởi công 2 dự án nâng cấp tuyến để khai thác theo tiêu chuẩn đường cao tốc; khởi công 2 dự án nối thông đường Hồ Chí Minh.
Đồng thời, cũng trong năm 2024 Thủ tướng Chính phủ đã phát động đợt thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc"; quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thi công, rút ngắn thời gian hoàn thành sân bay Long Thành, Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất...
Nói như ông Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: "Lộ thông thì tài thông. Nhờ giao thông được cải thiện, giao thương hàng hóa thuận lợi, kéo các vùng miền trên cả nước gần lại với nhau. Cũng nhờ hạ tầng giao thông phát triển mà các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng coi Việt Nam là điểm đến lý tưởng".
Quả thực như vậy, các chuyên gia đánh giá, đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông góp phần tạo ra nhiều động lực mới cho nền kinh tế. Chính sách này sẽ tiếp tục là trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2025.
Cũng bởi vậy mà, Chính phủ tiếp tục xác định tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại trong thời gian tới. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025; các dự án quan trọng, động lực như sân bay Long Thành, Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 TP.HCM, phấn đấu hoàn thành mục tiêu cả nước có 3.000km đường bộ cao tốc vào năm 2025.
Bên cạnh đó, phấn đấu hoàn thành thủ tục và khởi công đầu tư trong năm 2025 đối với tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt Lạng Sơn - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng và đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Để hiện thực mục tiêu này, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh nhấn mạnh, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, toàn ngành GTVT đang đứng trước thời khắc lịch sử mới của đất nước, khi toàn Đảng, toàn ngành GTVT, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ đồng tâm hiệp lực phấn đấu tăng trưởng bứt phá trong năm 2025, chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng cao 2026-2030 và hiện thực hóa tầm nhìn của Tổng Bí thư về kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.
Trong bối cảnh đó, ngành GTVT xác định tập trung giải quyết một số nhiệm vụ trọng tâm, thứ nhất, tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các cấp, địa phương trực tiếp thực hiện. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Thứ hai, tiếp tục quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công được bố trí. Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó: đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và sớm khởi công các dự án trọng điểm, có tính liên vùng như đường tuyến đường sắt sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, tuyến đường bộ cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành...; đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm nối thông tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 đưa vào khai thác 3000 km đường bộ cao tốc, cơ bản hoàn thành dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành...
Thứ ba, tăng cường quản lý hoạt động vận tải, đảm bảo an toàn giao thông. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số.
Thứ tư, khơi thông mọi nguồn lực, lấy nguồn lực nhà nước để dẫn dắt, kích hoạt nguồn lực xã hội. Phát huy hiệu quả vai trò là cơ quan thường trực, cơ quan thành viên của các Ban chỉ đạo, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, doanh nghiệp, khơi thông nguồn lực xã hội, đóng góp ngay cho tăng trưởng…
Thứ năm, đồng hành cùng doanh nghiệp, xác định khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cũng là khó khăn, vướng mắc của ngành để tháo gỡ. Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.