Thực hiện hóa chính sách hỗ trợ để thúc đẩy ESG
Giải quyết được những điểm nghẽn thông qua sự phối hợp giữa Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ, ESG không ở góc độ thách thức mà sẽ trở thành đòn bẩy cho doanh nghiệp.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp TS Lê Huy Huấn, Trường Kinh tế và Quản lý công, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết cần có chính sách cụ thể để hỗ trợ thực hiện ESG, hiện nay doanh nghiệp còn gặp nhiều rào cản để để triển khai kế hoạch này.
Thưa ông với điều kiện môi trường kinh doanh hiện nay thì nút thắt chính của doanh nghiệp khi thực hiện ESG là gì?
Xét ở góc độ nút thắt thì ngoài nguồn lực tài chính thì các tiêu chuẩn kỹ thuật không rõ ràng cũng là nỗi lo của doanh nghiệp. Mặc dù ESG ngày càng trở thành một yếu tố quan trọng đối với điều kiện kinh doanh, nhưng việc triển khai thực tế vẫn gặp nhiều trở ngại. Những khó khăn này không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam, mà bao gồm với các doanh nghiệp trên thế giới cũng đang phải đối mặt.
Trước tiên, tôi muốn liên hệ với CBAM – điều chúng ta vừa trao đổi. CBAM đòi hỏi các doanh nghiệp không chỉ giảm phát thải mà còn phải minh bạch trong việc báo cáo lượng phát thải carbon xuyên suốt chuỗi cung ứng. Nhưng thực tế ở Việt Nam, đa phần các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa sẵn sàng vì thiếu cả về dữ liệu lẫn năng lực kỹ thuật. Đây chính là nút thắt lớn đầu tiên: thiếu cơ sở dữ liệu và khả năng đo lường.
Ví dụ cụ thể, một doanh nghiệp sản xuất thép hay dệt may muốn chứng minh sản phẩm của mình đáp ứng tiêu chuẩn ESG sẽ cần hệ thống kiểm kê phát thải chính xác, từ nguồn nguyên liệu đến quá trình sản xuất. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa có hệ thống này, hoặc nếu có thì lại không đáp ứng được yêu cầu của các tiêu chuẩn quốc tế.
Thứ hai, nguồn vốn và chi phí thực hiện ESG là một rào cản lớn khác. Đầu tư vào công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, hay các giải pháp quản lý chuỗi cung ứng bền vững đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong khi không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Ví dụ, để đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời hoặc cải tiến dây chuyền sản xuất tiết kiệm năng lượng, chi phí ban đầu thường rất cao. Các doanh nghiệp lớn như VinFast hay Masan có thể làm tốt nhờ tiềm lực tài chính mạnh, nhưng với doanh nghiệp vừa và nhỏ, đây là một thách thức không nhỏ.
Thứ ba, thiếu nhận thức và chiến lược dài hạn về ESG. Rất nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn xem ESG như một xu hướng hoặc gánh nặng, thay vì là cơ hội để phát triển bền vững. Ví dụ, một số doanh nghiệp xuất khẩu có thể nghĩ rằng chỉ cần đáp ứng CBAM để "qua cửa" EU là đủ, mà không nhận ra rằng ESG còn mở ra cơ hội thu hút vốn đầu tư, tiếp cận khách hàng mới, và xây dựng uy tín thương hiệu.
Cuối cùng, môi trường chính sách và cơ sở hạ tầng hỗ trợ. Dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy ESG, nhưng vẫn còn thiếu các hướng dẫn cụ thể, đặc biệt là cho các ngành công nghiệp chủ lực như thép, dệt may, hay chế biến thực phẩm. Ngoài ra, sự kết nối giữa các doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ như ngân hàng, tổ chức tín dụng xanh, hay quỹ đầu tư ESG vẫn chưa thực sự mạnh mẽ.
Nhìn chung, nếu chúng ta có thể giải quyết được những điểm nghẽn trên thông qua sự phối hợp giữa Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ, tôi tin rằng ESG không chỉ là một thách thức mà sẽ trở thành một đòn bẩy để doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững và cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế.
Theo ông chúng ta cần những chính sách nào để thúc đẩy ESG tại doanh nghiệp?
Hiện nay, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện ESG. Tuy nhiên, từ góc độ cá nhân, tôi xin chia sẻ một số gợi ý mang tính định hướng, nhằm giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận ESG hiệu quả hơn, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và các yêu cầu khắt khe từ thị trường quốc tế.
Một là, Chính phủ cần tăng cường các chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Các quốc gia như Đức đã triển khai thành công các chương trình tín dụng xanh, ví dụ như chương trình KfW Development Bank, cung cấp các khoản vay với lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh và năng lượng tái tạo. Tại Việt Nam, chúng ta cũng có thể xây dựng những chương trình tương tự, chẳng hạn như Quỹ Đầu tư Phát triển Xanh, để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi quy trình sản xuất theo hướng bền vững. Những chính sách như vậy sẽ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các sáng kiến ESG.
Hai là, cần khuyến khích minh bạch hóa thông tin ESG và xây dựng các cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm môi trường. Việt Nam đã triển khai chính sách EPR (Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất), yêu cầu doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu chịu trách nhiệm tái chế và xử lý chất thải từ sản phẩm của mình. Đây là bước đi đúng hướng và cần được mở rộng hơn nữa. Chẳng hạn, Hàn Quốc đã triển khai EPR từ năm 2003, yêu cầu các doanh nghiệp trong ngành điện tử và bao bì phải báo cáo và đạt các chỉ tiêu tái chế rõ ràng. Điều này không chỉ giúp giảm gánh nặng chất thải mà còn thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường hơn.
Tại Việt Nam, việc mở rộng phạm vi EPR cần đi kèm với các hướng dẫn chi tiết và chế tài thực thi minh bạch để đảm bảo doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc. Đồng thời, Chính phủ cũng cần tạo các ưu đãi, như miễn giảm thuế hoặc hỗ trợ kỹ thuật, để khuyến khích các doanh nghiệp tiên phong áp dụng mô hình tuần hoàn trong sản xuất.
Ba là, cần có chính sách thúc đẩy hợp tác công - tư (PPP) trong việc triển khai ESG. Ví dụ, ở Singapore, Chính phủ đã hợp tác với khu vực tư nhân để phát triển các cơ sở hạ tầng xanh thông qua chương trình Green Plan 2030, bao gồm giao thông bền vững, quản lý rác thải, và năng lượng sạch. Tại Việt Nam, chúng ta cũng có thể áp dụng mô hình này để thu hút vốn đầu tư từ doanh nghiệp vào các dự án xanh và tạo điều kiện để họ tham gia sâu hơn vào các mục tiêu ESG quốc gia.
Bốn là, Chính phủ cần đẩy mạnh các hoạt động đào tạo và nâng cao nhận thức về ESG cho đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp. Đây là lĩnh vực mà Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã và đang đóng vai trò quan trọng. Với tư cách là đại diện của cộng đồng doanh nghiệp, VCCI có thể tổ chức các hội thảo, khóa đào tạo, và chương trình tư vấn nhằm giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về cách tích hợp ESG vào chiến lược kinh doanh của mình. Một ví dụ điển hình là VCCI đã phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức các hội thảo về cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), giúp các doanh nghiệp xuất khẩu nắm bắt được yêu cầu mới và điều chỉnh sản xuất kịp thời.
Cuối cùng, cần nhấn mạnh việc xây dựng tiêu chuẩn ESG rõ ràng và đồng bộ tại Việt Nam. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu khung pháp lý cụ thể để hướng dẫn thực hiện. Chúng ta có thể học hỏi từ Nhật Bản, nơi chính phủ đã ban hành Bộ quy chuẩn ESG quốc gia, áp dụng cho các doanh nghiệp thuộc mọi ngành nghề, giúp họ dễ dàng áp dụng và triển khai ESG mà không bị chồng chéo.
Nhìn chung, việc thúc đẩy ESG tại doanh nghiệp đòi hỏi không chỉ nỗ lực từ phía các doanh nghiệp mà còn cần các chính sách hỗ trợ từ chính phủ, sự đồng hành của các hiệp hội, đơn vị đại diện tiếng nói cho cộng đồng doanh nghiệp như VCCI, và cả sự hợp tác quốc tế. Khi các chính sách được triển khai một cách nhất quán và thực tiễn, tôi tin rằng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có đủ năng lực để cạnh tranh và phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Trân trọng cảm ơn ông!