“Đại gia” nuôi heo, BAF Việt Nam lãi lớn nhờ đâu?
Do chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi, cùng với giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giảm, lợi nhuận của “Đại gia” nuôi heo -BAF Việt Nam lên cao kỷ lục.
Theo Báo cáo tài chính quý IV/2024, Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HoSE: BAF) ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh với doanh thu thuần đạt 1.627 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn giảm 12% so với cùng kỳ, nên lợi nhuận gộp của “ông lớn” ngành chăn nuôi heo này ghi nhận tăng mạnh 457% so với cùng kỳ năm trước lên 230 tỷ đồng.
Trong cơ cấu doanh thu của BAF, doanh thu từ mảng heo thịt chiếm phần lớn với gần 958 tỷ đồng, tăng 185% so với cùng kỳ, tương đương với số lượng hơn 140.000 con heo được bán ra trong quý IV/2024.
Trong kỳ này, các chi phí của BAF biến động không đáng kể, trong khi lãi gộp tăng mạnh, nên sau cùng, BAF ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 109 tỷ đồng trong quý cuối cùng của năm 2024, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ gần 30 tỷ đồng.
Theo giải trình từ doanh nghiệp, nguyên nhân khiến BAF lãi lớn là do chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi từ 2 nhà máy “cám chay”. Đồng thời, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giàm 10-20%, góp phần giảm giá vốn, qua đó, giúp doanh nghiệp có quý kinh doanh khởi sắc.
Lũy kế cả năm 2024, doanh thu thuần của BAF ghi nhận tăng trưởng 7% so với năm trước, đạt 5.554 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng mạnh lên 320 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 968% so với mức lợi nhuận khiêm tốn (30 tỷ đồng) đạt được của năm 2023. Đây cũng là mức lợi nhuận cao kỷ lục của “ông lớn” ngành chăn nuôi heo này kể từ khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Trong năm 2024, BAF đẩy mạnh chiến lược thâu tóm các công ty chăn nuôi nhằm tăng sản lượng heo để hiện thực hóa mục tiêu trở thành doanh nghiệp chăn nuôi hàng đầu Việt Nam.
Để thực hiện chiến lược này, vào tháng 9/2024, BAF đã tiến hành hợp tác chiến lược với Muyuan Foods để nhận chuyển giao công nghệ và thiết bị chăn nuôi thông minh, tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào quy trình vận hành chuỗi chăn nuôi. Việc hợp tác với Muyuan Foods giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí, nâng cao năng suất, đồng thời đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn về sinh học.
Sau khi ký kết hợp tác với Muyuan Foods, chỉ trong vòng 2 tháng, từ tháng 12/2024, BAF đã tiến hành M&A 13 công ty chăn nuôi. Các công ty này sở hữu quỹ đất, chuồng trại và đang tiến hành hoàn tất thủ tục pháp lý trước khi tiến hành xây dựng. Dự kiến, các trang trại chăn nuôi này sẽ đi vào hoạt động trong giai đoạn 2025-2026, với công suất gần 63.000 heo nái và 500.000 heo thịt. Với chiến lược này, BAF có thể đạt sản lượng heo bán ra trong năm 2025 lên hơn 1 triệu con.
Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam (AHAV), trong năm 2024 giá thịt heo hơi có xu hướng tăng nhẹ nên đã tạo động lực cho người nuôi heo, nhất là doanh nghiệp duy trì và tiếp tục mở rộng sản xuất, nhìn chung đàn heo và đàn gia cầm vẫn tăng trưởng tốt. Theo đó, giá heo hơi xuất chuồng ở thời điểm đầu năm ổn định quanh mức 52-60 nghìn đồng/kg. Thời điểm giữa năm, giá heo hơi có xu hướng tăng và tăng mạnh vào tháng 6/2024, có thời điểm tăng lên đến 70.000 đồng/kg, sau đó giảm xuống quanh mức 64.000-66.000 đồng/kg. Xu hướng tăng kéo dài đến thời điểm Tết Dương lịch 2025, dao động từ 65.000-67.000 đồng/kg.
Về sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN), AHAV cho biết, lĩnh vực TACN có nhiều thuận lợi như: Quy mô chăn nuôi lớn, thị trường lớn; Thủ tục xuất nhập khẩu khá thuận lợi, thông thoáng, miễn giảm tối đa thuế suất nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu TACN; Có nhiều chính sách, chương trình đề án, dự án hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất TACN; Thể chế chính sách, thủ tục pháp lý ngày càng được cải thiện và tối ưu, mang tính hội nhập cao; Có tiềm năng về xuất khẩu TACN ra khu vực và thế giới, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực TACN.
Tính bình quân trong năm 2024, giá hầu hết nguyên liệu TACN có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Ngô giảm nhiều nhất (giảm 15,7%), khô dầu đậu tương giảm 10,6%, cám gạo chiết ly giảm 7,9%, Lysin HCL giảm 11,5%, giá TACN thành phẩm thức ăn hỗn hợp lợn thịt (vỗ béo từ 60 kg trở lên) giảm 6,9%, thức ăn hỗn hợp gà thịt (lông màu) giảm 5,0%, thức ăn hỗn hợp gà thịt (lông trắng) giảm 5,3%.
Tuy nhiên, AHAV cho rằng, tình hình chăn nuôi trên địa bàn cả nước trong năm 2024 vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đó là ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) tại các tỉnh phía Bắc và diễn biến bệnh Dịch tả heo châu Phi tại các cơ sở chăn nuôi, nhất là chăn nuôi ở khu vực nông hộ ở các tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó, nhập siêu của ngành Chăn nuôi vẫn còn lớn, nguyên liệu TACN vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu. Cùng với đó là việc áp dụng Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cũng như các văn bản có liên quan tại các tỉnh, thành phố còn chậm. Đặc biệt các hoạt động liên quan đến việc di dời các cơ sở chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi, việc quản lý giết mổ, xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, việc kiểm soát nhập động vật và sản phẩm động vật qua biên giới.