Giá lúa giảm, xuất khẩu chững lại: Hướng đi nào cho hạt gạo Việt?
Năm 2025, ngành lúa gạo Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức khi xuất khẩu gạo được dự báo sẽ giảm cả về lượng lẫn giá trị.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ ngày 1 - 15/1/2025, Việt Nam đã xuất khẩu gần 270.000 tấn gạo, đạt giá trị 165 triệu USD, tăng hơn 38% về số lượng và 23% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo cả năm 2025 được dự báo đạt 7,5 triệu tấn, giảm so với mức kỷ lục hơn 9 triệu tấn trong năm 2024.
Sóng gió từ sự trở lại của Ấn Độ
Bước sang năm 2025, ngành lúa gạo Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức khi xuất khẩu gạo được dự báo sẽ giảm cả về lượng lẫn giá trị. Nguyên nhân chính không chỉ đến từ sự suy yếu của nhu cầu toàn cầu mà còn bởi sự trở lại mạnh mẽ của các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là Ấn Độ – quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Trong hai năm qua, Ấn Độ siết chặt xuất khẩu gạo, khiến nguồn cung toàn cầu bị thu hẹp và đẩy giá gạo lên cao. Nhờ đó, Việt Nam đã có cơ hội vươn lên vị trí vững chắc trong nhóm ba quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, khi quốc gia Nam Á này dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu, thị trường gạo thế giới sẽ chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt hơn bao giờ hết.
Lượng gạo tồn kho dồi dào của Ấn Độ sẽ tạo áp lực lớn lên các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam. Một thực tế đáng lo ngại là nhiều nhà nhập khẩu đang có xu hướng chuyển sang các thị trường khác để tận dụng nguồn cung giá rẻ. Điều này sẽ khiến giá gạo Việt Nam có thể giảm xuống mức thấp hơn cả năm 2022, thậm chí tiệm cận ngưỡng thấp nhất trong nhiều năm qua.
Không chỉ bị cạnh tranh về giá, gạo Việt còn gặp khó khăn khi nhiều đối tác nhập khẩu đã chủ động ký hợp đồng từ sớm với các quốc gia khác như Thái Lan, Pakistan hay Myanmar. Trong khi đó, giai đoạn trước vụ thu hoạch, giá gạo trong nước vẫn neo ở mức cao, gây bất lợi trong các cuộc đàm phán thương mại.
Nhiều doanh nghiệp dự báo dư địa cho xuất khẩu gạo trong năm 2025 không còn dư giả khi năm 2024 đã chạm đỉnh cao. Bối cảnh này đang đặt ra thách thức cho ngành lúa gạo Việt Nam trong việc giữ vững tăng trưởng. Năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 9 triệu tấn gạo, thu về 5,67 tỷ USD, giữ vững vị trí top 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, dự báo nhu cầu toàn cầu suy yếu và cạnh tranh gia tăng sẽ tác động đến ngành trong năm tới.
Tại Đồng bằng sông Cữu Long, tính đến ngày 20/1, vụ Đông Xuân 2024 - 2025 đã gieo cáy được 1,462 triệu ha trong tổng số 1,569 triệu ha kế hoạch. Khoảng 85.000 ha lúa đã bắt đầu thu hoạch. Tuy nhiên, giao dịch lúa gạo đang chậm lại. Nhiều nông dân chào bán lúa trước Tết nhưng lại ít người mua. Giá lúa giảm so với tháng trước, trong đó lúa IR 504 tươi giảm 700 đồng/kg, giao động từ 5.500 - 5.700 đồng/kg; lúa OM 5451 giảm 700 đồng/kg, dao động từ 5.800 - 6.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá gạo bán lẻ dao động từ 15.000 - 22.000 đồng/kg, tùy loại. Gạo Jasmine, Hương Lài, Nàng Hoa và các loại gạo đặc sản vẫn duy trì mức giá từ 18.000 - 22.000 đồng/kg.
Lối đi nào cho gạo Việt?
Trước sức ép từ thị trường quốc tế, bài toán đặt ra không chỉ là tìm cách duy trì sản lượng xuất khẩu mà còn phải đảm bảo giá trị của hạt gạo Việt Nam. Theo ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), việc nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu gạo đã mang lại những tín hiệu tích cực khi Việt Nam mở rộng được thị trường sang Indonesia, Philippines và nhiều quốc gia khác.
Tuy nhiên, để giữ vững lợi thế cạnh tranh, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ chính sách tài chính. Việc tiếp cận vốn vay thuận lợi, cùng với chính sách hoàn thuế nhanh chóng, sẽ giúp doanh nghiệp có đủ nguồn lực để chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, ngành lúa gạo cần tập trung vào các giải pháp mang tính bền vững, không chỉ nhằm gia tăng sản lượng mà còn hướng đến chất lượng cao hơn. Các mô hình canh tác giảm chi phí đầu vào, ứng dụng khoa học kỹ thuật và tối ưu hóa chuỗi cung ứng sẽ là những yếu tố quyết định để nâng cao năng lực cạnh tranh của gạo Việt trên thị trường quốc tế.
Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ Công Thương khẳng định sẽ đẩy mạnh các giải pháp xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới và đảm bảo đầu ra ổn định cho hạt gạo Việt. Đây sẽ là yếu tố quan trọng giúp ngành lúa gạo Việt Nam không chỉ vượt qua khó khăn trước mắt mà còn từng bước củng cố vị thế trên bản đồ xuất khẩu gạo thế giới.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, việc giảm chi phí đầu vào để tăng sức cạnh tranh trong sản xuất lúa gạo không chỉ là mong muốn của nông dân mà còn là bài toán cấp thiết đối với ngành nông nghiệp trong bối cảnh thị trường đầy biến động. Nhìn vào thực tế, sự chuyển mình của người nông dân từ canh tác truyền thống sang ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại đã mang lại những tín hiệu tích cực, giúp nâng cao năng suất, chất lượng và lợi nhuận.
Tại TP. Cần Thơ, những mô hình áp dụng kỹ thuật tiên tiến, đặc biệt là gói giải pháp thuộc Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, đã chứng minh hiệu quả rõ rệt. Không chỉ giảm hơn 50% lượng giống, 30% phân bón hóa học, mô hình này còn giúp giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường. Quan trọng hơn, bà con nông dân đã dần thay đổi tư duy sản xuất, từ việc phụ thuộc vào phân thuốc sang phương thức canh tác bền vững, tiết kiệm và hiệu quả hơn.
Thế nhưng, dù chi phí giảm, năng suất tăng, lợi nhuận cải thiện, vẫn có một thực tế không thể phủ nhận: giá lúa luôn chịu tác động của thị trường. Việc giá lúa tăng hay giảm là quy luật cung cầu, nằm ngoài tầm kiểm soát của nông dân. Chính vì vậy, điều quan trọng là phải tập trung vào yếu tố có thể chủ động điều chỉnh: cắt giảm chi phí, hạn chế thất thoát sau thu hoạch và tăng cường chuỗi liên kết với doanh nghiệp để ổn định đầu ra.
Mặc dù đứng trước những thử thách không nhỏ, song với chiến lược đúng đắn và sự đồng hành chặt chẽ giữa doanh nghiệp, nông dân và cơ quan quản lý, tin rằng gạo Việt hoàn toàn có thể giữ vững đà tăng trưởng và tạo dựng được chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế.