Chứng khoán

Cổ phiếu công nghệ mất giá do"bão" DeepSeek, còn triển vọng trong 2025?

Lê Mỹ 04/02/2025 04:06

Vốn hóa FPT và nhóm công nghệ - viễn thông "bốc hơi" ở phiên giao dịch đầu Xuân, chịu "hiệu ứng chậm" từ "bão" DeepSeek và nỗi lo cuộc chiến công nghệ mới.

Thị trường chứng khoán Việt Nam "mở bát" đầu Xuân mới trong phiên giao dịch của ngày đi làm đầu tiên sau Tết Ất Tỵ 2025 không như kỳ vọng; ngược lại đánh mất sắc xanh quen thuộc của quãng thời gian sau Tết các năm gần đây.

Kết thúc phiên giao dịch đầu năm Ất Tỵ, VN-Index giảm 12,02 điểm (0,95%) xuống 1.253,03 điểm. Khối ngoại có động thái tiêu cực khi các nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận trạng thái bán ròng tới 1.464 tỷ đồng, tập trung vào nhóm cổ phiếu công nghệ và tài chính.

Chung khoan 1

Trong các mã bị khối này bán ròng, nổi bật có FPT - CTCP FPT, mã đại diện của ngành công nghệ Việt Nam.

Cụ thể, đã có tới trên 3,59 triệu cổ phiếu FPT, chiếm 52,2% tổng khối lượng giao dịch bị bán tháo. Giá trị bán ròng đạt 316,5 tỷ đồng tương đương 36,6% tổng mức bán ròng trên HoSE. Theo lực bán, FPR kết thúc phiên mất 5,15% so với giá mở cửa, về 145.500đ/cp. Thanh khoản của FPT trong toàn phiên lên tới 1.016 tỷ đồng, chiếm khoảng 14,1% tổng giá trị khớp toàn sàn HoSE. FPT đã "bay màu" khoảng 10.000 tỷ đồng vốn hóa chỉ sau một phiên giao dịch đầu năm, trở thành cổ phiếu blue-chip dẫn đầu nhóm vốn hóa lớn gồm cả VNM, VCB, VIC, GAS, BID, VHM, TCB, MWG kéo thị trường đi xuống và "đè" VN30 mất 1,39% với 6 mã tăng/24 mã giảm.

Đi cùng FPT, nhóm cổ phiếu như CMG, FOC, ELC... hay nhóm viễn thông FOX, VGI, CTR, MFS... cũng đồng pha giảm giá. Biên độ giảm rộng kéo MFS mất hơn 10%, FOC giảm gần 6%, CTR và CMG giảm 5%, VGI giảm gần 3%, ELC giảm hơn 1%... Thanh khoản của nhiều mã thuộc nhóm này tăng cao trong phiên.

Sụt giảm của FPT, ông lớn vừa có những cú bắt tay đình đám cùng NVIDIA của Mỹ nói riêng và nhóm công nghệ viễn thông nói chung trên thị trường, phản ánh tác động từ "sóng" sụt giảm cổ phiếu công nghệ trên toàn cầu khi DeepSeek của Trung Quốc nổi lên như một hiện tượng đe dọa cạnh tranh khả năng dẫn dầu của Mỹ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). DeepSeek chỉ mới ra mắt vào tháng 12/2024, được thông tin có suất đầu tư dưới 5,6 triệu USD (tuy nhiên nhiều ước tính cho rằng con số đầu tư thực có thể lên tới 1 tỷ USD), cho thấy khả năng phát triển ứng dụng AI có thể thấp hơn rất nhiều nhưng đạt hiệu suất tương đương những ông lớn AI.

Mặc dù thời gian để đánh giá toàn diện về DeepSeek còn cần dài hơn, song làn sóng từ AI R1 đẩy hàng loạt chỉ số công nghệ lớn quốc tế đỏ lửa ở thời điểm AI từ Trung Quốc được chào đón, lần này đã lan dư âm đến thị trường chứng khoán Việt Nam, dù muộn hơn do thị trường có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 9 ngày.

Đánh giá về sự sụt giảm chóng mặt của FPT và nhóm công nghệ - viễn thông ở phiên giao dịch đầu tuần lẫn đầu năm mới, một chuyên gia cho rằng ngoài tác động từ "cơn bão" DeepSeek, lực đẩy xuống còn đến từ những quyết sách được cho có thể khơi lên mối nguy cuộc chiến thương mại quy mô lớn của Mỹ và Trung Quốc, theo chính sách thuế mới của Tổng thống Donald Trump.

Một cuộc chiến công nghệ được cho sẽ đẩy lên đỉnh điểm khi các ông lớn công nghệ Mỹ, trong đó có NVIDIA - đối tác của FPT, phải vào cuộc khẳng định vị thế trong bối cảnh Trung Quốc cũng được nhận định "sẽ không ngồi yên" để đóng thuế một chiều. Ngay trong không khí Xuân Vận trước kỳ nghỉ Tết, vào trung tuần tháng 12/2024, Cục Quản lý thị trường nhà nước Trung Quốc (SAMR) đã tuyên bố điều tra thương vụ NVIDIA mua lại Công ty thiết kế chip Mellanox Technologies hồi năm 2019 với cáo buộc vi phạm quy định về chống độc quyền, như một biện pháp được cho là trả đũa việc Mỹ siết chặt xuất khẩu chip nhớ và thiết bị chế tạo chip cho Trung Quốc vừa ban hành trước đó.

Dù cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung được dự báo có thể sẽ tái căng thẳng sau nhiều năm âm ỉ, năm 2025, tuy vậy, nhiều công ty chứng khoán Việt Nam vẫn đã và đang "đặt cửa" vào triển vọng cổ phiếu công nghệ - viễn thông.

Dựa trên quy mô tăng trưởng nhu cầu data center, Agriseco dự báo các doanh nghiệp viễn thông và xây lắp hạ tầng 5G sẽ được hưởng lợi tích cực trong tương lai nhờ tỷ lệ và số lượng thuê bao sử dụng internet gia tăng.

Tương tự, SSI Research cũng nhận định hoạt động viễn thông dự kiến tăng trưởng nhờ đẩy mạnh data certer, cùng với đó thương mại hóa 5G sẽ thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ tiên tiến như AI, IoT, dữ liệu lớn và blockchain và mang đến triển vọng mới cho các công ty về trung tâm dữ liệu đáng chú ý bao gồm Viettel IDC (dẫn đầu thị trường), VNPT, FPT Telecom (Mã: FOX) và CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC (Mã: CMG).

Theo SSI Research, xu hướng tăng trưởng của cổ phiếu công nghệ - viễn thông đã bắt đầu từ năm 2023, nhờ tâm lý tích cực về triển vọng AI (đặc biệt là AI tạo sinh hoặc generative AI), đã bùng nổ trong 2024 và sẽ tiếp tục ở 2025. Lĩnh vực phát triển hạ tầng AI, chi tiêu trung tâm dữ liệu dự kiến sẽ cao hơn trong năm 2025 (tăng 15,5%) và các doanh nghiệp dịch vụ CNTT, phần mềm, cũng có sẽ lợi khi xu hướng phục hồi chi tiêu nhờ "đòn bẩy" AI sẽ diễn ra trên toàn cầu.

cntt.jpg
Sóng cổ phiếu công nghệ - viễn thông của nhóm niêm yết từ 2024 không chỉ khiến NĐT kỳ vọng kéo dài trong năm 2025; nhà đầu tư còn có cơ sở để chờ đợi sự "đổ bộ" của các nhà mạng lớn được hưởng lợi từ cuộc "cách mạng 5G".

Chứng khoán BSC nhận định trong năm 2025, ngành công nghệ - viễn thông được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ hợp đồng ký mới, cũng như kết quả kinh doanh tốt trong nửa cuối năm 2024. Cùng với đó, nhóm ngành này còn được trợ lực từ xu hướng AI kỳ vọng tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số, mạng 5G được triển khai trên diện rộng mở ra cơ hội đầu tư trạm cho các doanh nghiệp viễn thông và các dự án ITS kỳ vọng bắt đầu triển khai trong 2025.

Trong đó, mảng xuất khẩu phần mềm đi các thị trường nước ngoài (Mỹ, Nhật Bản, APAC) của FPT trong năm 2025 được kỳ vọng sẽ duy trì được đà tăng trưởng mạnh nhờ vị thế, sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ được nâng tầm thông qua hợp tác với NVIDIA, kết hợp với lợi thế giá thành giúp doanh nghiệp tiếp tục thu hút các hợp đồng. Bên cạnh đó, doanh thu ký mới ghi nhận tăng 20% so với cùng kỳ trong 9 tháng 2024 sẽ là yếu tố đảm bảo tăng trưởng của FPT trong quý I/2025. Về lâu dài, hợp tác với NVIDIA được xem là "đòn bẩy" cho FPT ở nhiều khía cạnh bao gồm cả mảng giáo dục, nhân lực sẵn sàng cho việc chinh phục mục tiêu trung tâm công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.

CRT, ELC, ITD cũng được BSC kỳ vọng hưởng lợi và tiềm năng tăng trưởng trong chủ trương đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ số, xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư, mua, thuê các sản phẩm dịch vụ số; có chính sách đặc biệt để đào tạo, phát triển, thu hút tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực chuyển đổi số, phát triển sản phẩm công nghệ số, công nghiệp an ninh mạng; hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây của Chính Phủ. Đi cùng là xây dựng cơ chế hợp tác công tư để phát triển hạ tầng số hiện đại, trong đó nguồn lực nhà nước là chủ yếu; Phát triển hạ tầng viễn thông, internet. Tập trung số hoá toàn diện hoạt động quản lý nhà nước, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, xây dựng cơ sở dữ liệu ở tất cả các cấp...

Ở góc độ đầu tư theo quan niệm phong thủy ngũ hành, BSC khuyến nghị cổ phiếu công nghệ như lựa chọn hàng đầu của nhà đầu tư mệnh Hỏa trong năm Ất Tỵ 2025.

Lê Mỹ