Tài chính số

Làn sóng tích luỹ Bitcoin có kích hoạt khả năng siêu chu kỳ tăng giá?

Diễm Ngọc 04/02/2025 04:20

Nếu quỹ dự trữ Bitcoin của Hoa Kỳ thành hiện thực, có thể sẽ khởi động một chu kỳ tăng giá đối với tiền điện tử. Đây cũng là chủ đề đang được bàn luận sôi nổi trên thị trường.

Cuộc đua tích lũy Bitcoin

Trong bối cảnh thị trường tài chính ngày càng quan tâm đến Bitcoin (BTC), mặc dù trong ngày nhậm chức của Tổng thống Donald Trump, không có thông tin nào đề cập đến việc thành lập quỹ dự trữ Bitcoin, nhưng điều đó cũng không làm giảm sự quan tâm của những người đam mê tiền điện tử.

Ảnh chụp Màn hình 2024-03-06 lúc 21.23.58
Tính đến chiều ngày 3/2, Bitcoin chỉ giao dịch quanh mức 93.900 USD/BTC

Nhiều nhà đầu tư tin rằng, động thái này sẽ sớm trở thành hiện thực, không chỉ đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của tiền điện tử mà còn có thể khởi động một chu kỳ tăng giá chưa từng thấy.

Theo Coindesk, tại Mỹ, Thượng nghị sĩ Cynthia Lummis đã giới thiệu Đạo luật Dự trữ Bitcoin vào đầu năm nay, mở đường cho chính phủ Hoa Kỳ tích lũy Bitcoin như một tài sản dự trữ. Dự thảo cho thấy, chính phủ sẽ mua 200.000 Bitcoin mỗi năm trong vòng 5 năm, với tổng số lên đến 1 triệu Bitcoin. Số tài sản này sẽ được giữ lại trong kho dự trữ quốc gia trong ít nhất 20 năm, đóng vai trò như một phần của chiến lược tài chính quốc gia.

Những người ủng hộ dự luật, như nhà phân tích Iliya Kalchev của Nexo tin rằng đây có thể là một bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự công nhận Bitcoin như một công cụ tài chính toàn cầu hợp pháp.

Trước đó, Jack Mallers - nhà sáng lập Strike thậm chí còn dự đoán Tổng thống Trump có thể sử dụng sắc lệnh hành pháp ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức để xúc tiến việc này, mặc dù ông thận trọng nhấn mạnh động thái này sẽ không thể ngay lập tức đạt được mục tiêu tích lũy 1 triệu Bitcoin.

Thực tế, Hoa Kỳ không phải là quốc gia duy nhất quan tâm đến Bitcoin như một tài sản dự trữ. Nga, Đức và Thái Lan cũng đang xem xét các đề xuất tương tự. Nếu Đạo luật Dự trữ Bitcoin được thông qua, các quốc gia khác có thể cảm thấy áp lực phải hành động để không bị tụt hậu. Điều này có thể tạo nên một hiệu ứng domino, thúc đẩy sự cạnh tranh toàn cầu trong việc tích lũy Bitcoin.

Giới chuyên gia nhận định động thái này có thể thúc đẩy các quốc gia và tổ chức tư nhân tham gia, từ đó tăng cường tính thanh khoản và sự chấp nhận rộng rãi của Bitcoin trên toàn cầu. Đặc biệt, nếu Hoa Kỳ dẫn đầu, các quốc gia G20 sẽ nhanh chóng làm theo, tạo ra một môi trường cạnh tranh chưa từng có.

Tuy nhiên, phần lớn các giao dịch mua bán Bitcoin của chính phủ sẽ được thực hiện thông qua các kênh giao dịch không qua sàn (OTC), khiến tác động tức thời lên giá Bitcoin không lớn. Thay vào đó, sức ép từ nhu cầu dài hạn sẽ dần dần đẩy giá Bitcoin lên cao, định hình lại thị trường tiền điện tử.

Liệu siêu chu kỳ có xảy ra?

Lý thuyết về siêu chu kỳ Bitcoin đã xuất hiện trong các chu kỳ tăng giá trước đây, nhưng đều không đạt được kỳ vọng. Trong chu kỳ 2013-2014, Bitcoin tăng giá mạnh nhờ kỳ vọng trở thành tài sản thay thế cho tiền pháp định. Chu kỳ 2017-2018 được thúc đẩy bởi sự chấp nhận từ các tổ chức tài chính. Đến chu kỳ 2020-2021, các công ty lớn như MicroStrategy, Tesla và Square gia nhập thị trường, làm dấy lên hy vọng về một đợt tăng giá lâu dài. Nhưng cuối cùng, tất cả đều kết thúc bằng các đợt giảm giá kéo dài, khiến nhiều nhà đầu tư tổn thất.

Ảnh chụp Màn hình 2024-02-12 lúc 00.52.35
Đạo luật Dự trữ Bitcoin và khả năng siêu chu kỳ đã đặt ra một câu hỏi lớn về tương lai của Bitcoin và thị trường tiền điện tử

Vì vậy lý thuyết siêu chu kỳ vẫn chỉ là giấc mơ của những người đam mê tiền điện tử, dù có những điều kiện mới, giá Bitcoin vẫn khó tránh khỏi những biến động do bản chất của nó là phụ thuộc vào tâm lý thị trường.

Tuy nhiên, nếu các quốc gia và tổ chức lớn bắt đầu tích lũy Bitcoin, điều này có thể thay đổi hoàn toàn động lực thị trường tiền điện tử. Làn sóng nhà đầu tư tổ chức từ các trung tâm tài chính lớn sẽ mang đến chiến lược quản lý rủi ro tiên tiến hơn, với nguồn vốn khổng lồ, giúp thị trường đi vào ổn định.

Đến nay, Bitcoin chỉ mới trải qua bốn chu kỳ Halving (chia nửa phần thưởng khối) và vẫn còn gần 30 sự kiện Halving chưa diễn ra. Theo Kalchev, các chu kỳ lịch sử có thể không còn phù hợp khi Bitcoin ngày càng chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế vĩ mô và địa chính trị. Các sự kiện như chính sách của ngân hàng trung ương hay sự chấp nhận từ các tổ chức lớn sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng, thay vì các cơ chế nội tại như Halving.

Không ít người quan ngại rằng, nếu Hoa Kỳ thực sự khởi động Quỹ Dự trữ Bitcoin, có thể sẽ kích hoạt một hiệu ứng FOMO (sợ bị bỏ lỡ) giữa các quốc gia và tổ chức toàn cầu. Các chuyên gia cũng cảnh báo việc đặt cược tất cả vào lý thuyết siêu chu kỳ là rất rủi ro. Lịch sử đã chứng minh rằng, dù Bitcoin có tiềm năng to lớn, thị trường của nó vẫn chịu sự chi phối của tâm lý và biến động mạnh.

Đạo luật Dự trữ Bitcoin và khả năng siêu chu kỳ đã đặt ra một câu hỏi lớn về tương lai của Bitcoin và thị trường tiền điện tử. Dù đây là cơ hội lớn để Bitcoin khẳng định vị thế như một tài sản tài chính toàn cầu nhưng nó cũng đi kèm với những rủi ro không thể xem nhẹ.

Có thể thấy, các tài sản kỹ thuật số lớn bao gồm Bitcoin (BTC), Ether (ETH), Solana (SOL) và XRP đều đã giảm mạnh khi tuần giao dịch tại châu Á khởi động. Theo dữ liệu từ CoinDesk Indices, đến buổi chiều ngày 3/2, Bitcoin có dấu hiệu ổn định hơn khi dao động quanh mức 93.900 USD/BTC.

Trong khi đó, Ether (ETH) giảm gần 20%, xuống dưới 2.500 USD, SOL giảm 7% còn 193 USD và XRP giảm mạnh tới 23%, giao dịch ở mức 2 USD. Dự án tiền mã hóa World Liberty Financial (WLFI), được hậu thuẫn bởi gia đình Donald Trump cũng chịu ảnh hưởng mạnh từ biến động thị trường.

Nguyên nhân chính dẫn đến đợt điều chỉnh mạnh này là căng thẳng thương mại leo thang, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico. Động thái này làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại mới, khiến tâm lý thị trường trở nên hoang mang.

Các nhà đầu tư cần thận trọng trước những thay đổi tiềm tàng này, đồng thời chuẩn bị để thích nghi với một thị trường ngày càng phức tạp và liên kết chặt chẽ với các yếu tố kinh tế toàn cầu. Siêu chu kỳ có thể trở thành hiện thực nhưng cần có sự phối hợp chiến lược giữa chính phủ, tổ chức và cộng đồng tiền điện tử toàn cầu.

Diễm Ngọc