Một số dự án bất động sản nghỉ dưỡng sẽ tái xuất thị trường
Với những tín hiệu khả quan từ cuối năm 2024 cùng những cải thiện về cơ sở hạ tầng sẽ là chất xúc tác thúc đẩy một số dự án nghỉ dưỡng đang ngủ đông tái xuất trong năm 2025.
Sau giai đoạn phát triển bùng nổ với mức tăng trưởng lên tới 50% mỗi năm, từ năm 2018 đến nay, thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng liên tục biến động bởi cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Chủ đầu tư "thận trọng" khi mở bán
Ảnh hưởng của đại dịch cùng các vấn đề về kinh tế đã giáng đòn nặng nề vào đà tăng trưởng của ngành bất động sản nghỉ dưỡng khiến nhiều dự án đang trong quá trình hoạch định, mở bán phải tạm ngừng kế hoạch phát triển.
Sau một thời gian dài thị trường trầm lắng, một vài chủ đầu tư đã bắt đầu giới thiệu dự án mới ra thị trường. Bên cạnh đó, một số dự án bất động sản nghỉ dưỡng vốn đã tạm ngưng việc mở bán trước đây cũng đã khởi động lại các chiến dịch truyền thông, thay đổi tên thương hiệu để mở bán lại ra thị trường.
Tuy nhiên, các chủ đầu tư hiện nay vẫn khá thận trọng khi phần lớn các dự án mở bán trở lại trong năm 2024 chủ yếu là các dự án tại mức giá tầm trung, phù hợp với ngân sách của nhiều đối tượng khách hàng.
Mức giá hợp lý, cùng với chính sách thanh toán ưu đãi và các chiến dịch marketing rộng khắp đã bước đầu thu hút được sự quan tâm của thị trường, đặc biệt là các dự án "ngôi nhà thứ hai" tại các địa điểm du lịch có hạ tầng phát triển và thu hút được nhiều du khách quốc tế như Nha Trang, Đà Nẵng.
Với khoảng 85.000 sản phẩm "ngôi nhà thứ hai" đã mở bán tại các điểm đến chính, Việt Nam được xem là một trong những thị trường ghi nhận tốc độ phát triển ấn tượng nhất về bất động sản nghỉ dưỡng với đa dạng nhiều loại hình sản phẩm. Tuy nhiên, phân khúc trên cao cấp (upper upscale) đến hạng sang (luxury) chỉ chiếm chưa đến 5% tổng nguồn cung và đối tượng khách hàng của phân khúc này cũng có yêu cầu rất cao đối với dự án.
Đối với phân khúc hạng sang, nhu cầu mua bất động sản nghỉ dưỡng không chỉ đơn thuần cho mục đích đầu tư mà bên cạnh đó còn vì mục đích nắm giữ tài sản để thể hiện giá trị của chủ sở hữu. Chính vì vậy, nhóm khách hàng này sẽ cân nhắc nhiều yếu tố trước khi đầu tư, từ vị trí, thiết kế, tiện ích của dự án đến uy tín của chủ đầu tư, thương hiệu của đơn vị quản lý vận hành và chất lượng dịch vụ.
Sẽ có những đại dự án đang "ngủ đông" tái xuất thị trường
Với những tín hiệu khả quan từ cuối năm 2024, cùng những cải thiện về cơ sở hạ tầng được kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng kết nối giữa các đô thị và các điểm đến ven đô cũng như các địa điểm ven biển. Những yếu tố này được kỳ vọng là chất xúc tác, thúc đẩy một số dự án mới được ra mắt trong năm 2025.
Bên cạnh đó, một vài dự án bất động sản nghỉ dưỡng quy mô lớn vốn bị “ngủ đông” trong thời gian qua có thể sẽ được tái cấu trúc và gia nhập lại thị trường trong thời gian tới.
Về triển vọng của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, ở góc nhìn tích cực trong thời gian tới nhờ vào sự phục hồi của ngành du lịch và nhu cầu tăng cao từ thị trường nội địa và quốc tế. Tuy nhiên, các chủ đầu tư cần chú trọng vào chiến lược phát triển bền vững, cải tiến dịch vụ và tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp lý để đảm bảo sự thành công trong dài hạn.
Bên cạnh các tiêu chí cơ bản như giá cả, chính sách bán hàng hay vị trí dự án, hồ sơ năng lực của chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án, chất lượng dịch vụ tiện ích, các yếu tố phát triển bền vững (ESG), tiện ích dành cho cộng đồng cư dân tại khu vực dự án, và các yếu tố đem đến giá trị tinh thần là những tiêu chí mà người mua sẽ tìm kiếm và lưu tâm đến nhiều hơn so với trước đây.
Các yếu tố này không chỉ đơn thuần là điểm nhấn truyền thông, marketing, mà giờ đây các yếu tố bền vững đang dần trở thành một tiêu chí quan trọng để chủ đầu tư có thể gia tăng tính cạnh tranh của dự án trên thị trường.
Người mua hiện nay có yêu cầu cao hơn và cũng có nhiều sự lựa chọn hơn, do vậy để duy trì cũng như nâng cao tính cạnh tranh các chủ đầu tư cần chú trọng yếu tố xanh, hướng đến giá trị bền vững trong quá trình hoạch định và truyền tải đúng các giá trị cam kết khi triển khai dự án.