Sửa đổi Luật Trọng tài thương mại: Bệ đỡ chính sách cho doanh nghiệp
Nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Luật Trọng tài thương mại là cần thiết, nhằm đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế trong giai đoạn phát triển mới.
Thực tế cho thấy, tiêu chí hiện nay của các nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã bắt đầu coi trọng việc giải quyết các tranh chấp ngoài tòa án, trong đó có giải quyết tranh chấp về thương mại và trọng tài thương mại là một trong những cơ chế giải quyết rất hiệu quả. Nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Luật Trọng tài thương mại trong thời gian tới là yêu cầu rất quan trọng, đặc biệt, khi giao dịch xuyên biên giới giữa các quốc gia trên 90% và các tranh chấp được xử lý thông qua phương thức trọng tài.
Chia sẻ về vấn đề này, TS Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, Việt Nam là điểm đến của các doanh nghiệp từ nhiều quốc gia đến đầu tư, hợp tác kinh doanh. Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2024 đã có 114 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Bên cạnh đó, hiện nay Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu với việc gia nhập WTO từ năm 2006 và hàng chục hiệp định thương mại tự do và đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, RCEP.
Nhận thức và thói quen của cộng đồng doanh nghiệp, của xã hội về trọng tài thương mại ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi tích cực. Điều này, được thúc đẩy và phản ánh rõ thông qua việc nhiều hãng luật, luật sư, trọng tài viên nước ngoài đã đến Việt Nam, trong đó nổi bật là việc Tòa trọng tài thường trực (PCA) đã chính thức mở Văn phòng đại diện tại Hà Nội (tháng 11/2022). Sự xuất hiện của những nhân tố tích cực này chính là nguồn động lực, cú hích để Việt Nam nỗ lực phát triển thiết chế trọng tài.
“Việc sửa đổi Luật Trọng tài thương mại lần này sẽ thực sự là bệ đỡ chính sách cho doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu thực tiễn giải quyết tranh chấp đầu tư, kinh doanh, thương mại, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, Luật mẫu UNCITRAL và thông lệ quốc tế về trọng tài thương mại. Ngoài ra, cần hướng đến xây dựng, ban hành cơ chế tăng cường sự kiểm tra, giám sát việc triển khai thi hành quy định của Luật trọng tài thương mại, đặc biệt là việc hủy phán quyết trọng tài; Xây dựng cơ chế phối hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành phán quyết trọng tài; Nâng cao năng lực của các Trung tâm trọng tài, đội ngũ trọng tài viên đáp ứng yêu cầu giải quyết tranh chấp đầu tư, kinh doanh, thương mại trong bối cảnh hội nhập quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và doanh nghiệp; Xây dựng cơ chế nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động của trọng tài thương mại...”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Cũng quan tâm đến vấn đề nêu trên, Luật gia Nguyễn Văn Kích, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý và Kinh doanh Quốc tế cho biết, từ sau khi Luật Trọng tài thương mại năm 2010 có hiệu lực đến năm 2014 tổng số vụ tranh chấp được giải quyết tại các trung tâm trọng tài tại Việt Nam là 879 vụ. Riêng với Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam là 370 vụ, gần bằng tổng số vụ kiện được giải quyết tại trung tâm 10 năm trước đó. Hoạt động trọng tài không chỉ dừng lại ở những tranh chấp từ hợp đồng mua bán hàng hóa, doanh nghiệp còn tin tưởng trọng tài giải quyết tranh chấp trên nhiều lĩnh vực khác như bảo hiểm, công nghệ thông tin, xây dựng, phân phối, đại lý, năng lượng...
Theo ông Nguyễn Văn Kích, thực trạng sử dụng trọng tài tại Việt Nam hiện nay có những tín hiệu phát triển khả quan, nhưng đồng thời cũng còn nhiều thách thức không nhỏ trong việc cải thiện niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, trong các lĩnh vực về những vướng mắc của pháp luật về trọng tài thương mại bao gồm trong tranh chấp thương mại; về thỏa thuận trọng tài; vướng mắc về thủ tục tố tụng; về căn cứ huỷ phán quyết trọng tài, vì bản chất Trọng tài là “cơ quan tài phán tư” nên trong quá trình giải quyết tranh chấp vẫn cần có sự hỗ trợ, can thiệp của Tòa án với tính chất là cơ quan giải quyết tranh chấp mang tính quyền lực nhà nước; vướng mắc về thi hành phán quyết trọng tài; về trọng tài nước ngoài hoạt động tại Việt Nam…
“Chúng tôi kỳ vọng Dự thảo Luật Trọng tài thương mại sửa đổi do Hội Luật gia chủ trì sẽ khắc phục được những vướng mắc nêu trên, đáp ứng được yêu cầu nâng cấp hoạt động trọng tài, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế trong giai đoạn phát triển mới”, Luật gia Nguyễn Văn Kích chia sẻ.