DeepSeek "hé lộ" sức mạnh của Trung Quốc trong cuộc đua AI
Trung Quốc đang có lợi thế trong cuộc đua AI với Mỹ nhờ tinh thần dám nghĩ dám làm, cùng năng lực của các nhà khoa học Trung Quốc trẻ tuổi và có trình độ học vấn cao.
DeepSeek, công ty khởi nghiệp của Trung Quốc, đã trở thành chủ đề nóng trong giới đầu tư và chính trị gia trong tuần qua, đã tạo nên lịch sử khi phá vỡ quan niệm thông thường rằng vị thế dẫn đầu của Mỹ trong phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) khó có thể sánh kịp hoặc thậm chí là vượt qua.
DeepSeek đã mang đến nhiều niềm tự hào ở Trung Quốc đến nỗi một giám đốc điều hành công nghệ cho biết bước đột phá của công ty trong việc xây dựng các mô hình AI tiết kiệm chi phí tạo ra đòn bẩy để thay đổi vận mệnh quốc gia của Trung Quốc. Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Liang Wenfeng thậm chí còn được chào đón như một người hùng tại quê nhà trong dịp Tết Nguyên đán vào tuần trước.
Nhưng chỉ ba năm trước, nhà sáng lập DeepSeek và nhóm chuyên gia máy tính của công ty dường như đã có chiến lược sai lầm trong việc phát triển các hoạt động được chính phủ Trung Quốc khuyến khích.
Quỹ đầu cơ của ông Liang, High-Flyer Quant, sử dụng các thuật toán AI tinh vi để giao dịch cổ phiếu, trước đây bị cho là đáng ngờ về mặt đạo đức vì nó khuếch đại sự biến động của thị trường chứng khoán và khiến các nhà đầu tư bán lẻ rơi vào thế bất lợi.
Công ty này đã phải vật lộn để duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 2 chữ số sau khi quy mô của công ty đạt 100 tỷ nhân dân tệ (14 tỷ đô la Mỹ) trong bối cảnh thị trường chứng khoán Trung Quốc suy yếu.
Trước sự giám sát của cơ quan quản lý, các câu hỏi của công chúng và khách hàng, công ty của Liang đã đưa ra lời xin lỗi công khai vào tháng 12/2021 vì đã chịu lỗ ở một số sản phẩm của mình, nói rằng hệ thống AI của High-Flyer Quant đã không thể tính toán thời điểm giao dịch tốt trong bối cảnh những thay đổi mạnh mẽ trên thị trường.
Theo Zhou Xin, biên tập viên công nghệ của Post, thành công của Deepseek là minh chứng cho việc khi một cánh cửa đóng lại với một doanh nhân, một cánh cửa khác thường mở ra.
Khi OpenAI phát hành ChatGPT vào cuối năm 2022, gây chấn động thế giới và châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ trang AI toàn cầu, khoản đầu tư ban đầu của ông Liang vào cơ sở hạ tầng máy tính, bao gồm 10.000 đơn vị xử lý đồ họa Nvidia mà DeepSeek đã mua lại, đã được đền đáp khi ông quyết định sử dụng năng lực của công ty để nghiên cứu AI. Trên thực tế, High-Flyer Quant đã tạo ra một phòng thí nghiệm AI nội bộ từ đầu năm 2019.
DeepSeek đã được High-Flyer Quant tách ra thành một doanh nghiệp độc lập vào tháng 5/2023, vào thời điểm nhiều công ty công nghệ lớn và công ty khởi nghiệp của Trung Quốc vội vã ra mắt các mô hình ngôn ngữ lớn của riêng họ, công nghệ hỗ trợ các dịch vụ AI tạo sinh như ChatGPT.
Giữa sự hỗn loạn của "cuộc chiến hơn 100 mô hình" ở Trung Quốc, DeepSeek gặp bất lợi lớn. Công ty khởi nghiệp này không nhận được hậu thuẫn từ bất kỳ trường đại học hàng đầu, cơ quan nhà nước hoặc nhà đầu tư nào để nổi bật giữa đám đông.
Nhưng với tầm nhìn của ông Liang và văn hóa doanh nghiệp mạnh mẽ giống như một công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon, Deepseek đã tuyển dụng một nhóm các nhà khoa học trẻ và nhiệt huyết từ các trường hàng đầu của Trung Quốc để phát triển các mô hình AI tiết kiệm chi phí. Trong đó, đỉnh cao là việc phát hành mô hình V3 nguồn mở được hoan nghênh rộng rãi vào tháng 12/2024 và mô hình lý luận R1 vào tháng 1/2025.
DeepSeek đã hoàn thành mục tiêu đó mà không cần bất kỳ sự ưu ái nào từ chính phủ Trung Quốc. Theo tờ Post đưa tin, văn phòng khởi nghiệp của DeepSeek tại Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang, nằm trong một tòa nhà thương mại cao tầng, nơi có các quỹ, công ty môi giới chứng khoán và công ty cho vay.
Môi trường đó khác xa với công viên công nghệ cao điển hình, nơi các công ty khởi nghiệp thường nhận được trợ cấp và ưu đãi từ chính quyền địa phương. DeepSeek thậm chí không có trong bất kỳ danh sách "công nghệ cao" nào do chính quyền tỉnh Chiết Giang lập ra.
Thành công của DeepSeek nhờ tinh thần dám nghĩ dám làm, năng lực của một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc trẻ tuổi và có trình độ học vấn cao, cùng với một doanh nhân am hiểu công nghệ. Điều này cho thấy lợi thế thực sự của Trung Quốc trong cuộc đua AI với Mỹ.
Như Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc đã viết khá khiêm tốn vào năm 2021 rằng: “Trung Quốc vẫn còn một khoảng cách không nhỏ để thu hẹp với Hoa Kỳ trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, nhưng tốc độ tăng trưởng rất nhanh và có tiềm năng phát triển”.