Để đạt được mục tiêu giải ngân đầu tư công 2025
Kế hoạch đầu tư công năm 2025 được Chính phủ dự kiến lên tới 791.000 tỷ đồng, đòi hỏi các bộ, ngành và địa phương phải đẩy mạnh tốc độ, nhằm bảo đảm kết quả tốt nhất.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, giải ngân vốn ngân sách nhà nước (NSNN) kế hoạch các năm trước kéo dài sang năm 2024 từ đầu năm đến ngày 31/12/2024 là hơn 38.605 tỷ đồng, đạt 67,38% kế hoạch; ước giải ngân vốn kế hoạch năm 2024 là hơn 529.632 tỷ đồng, đạt 70,24% kế hoạch, đạt 77,55% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt 73,5% kế hoạch và đạt 81,87% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Kết quả trong 12 tháng của năm 2024, có 16/46 bộ, cơ quan trung ương và 37 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân so với tổng kế hoạch đạt trên mức bình quân chung của cả nước.
Trong đó, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt như Đài truyền hình Việt Nam (100%), ngân hàng Chính sách xã hội (100%), Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật (98,22%), Văn phòng Trung ương Đảng (93,65%), Đài tiếng nói Việt Nam (88,34%), ngân hàng Nhà nước (84,83%), Bộ Giao thông vận tải (83,3%), Bộ Công an (81,88%); Bắc Kạn (91,32%), Bình Định (91,19%), Nghệ An (90,59%), Vĩnh Phúc (90,54%), Hòa Bình (89,47%), Hà Nam (89,25%).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn nhiều bộ, cơ quan và địa phương giải ngân còn thấp so với mức trung bình cả nước. Các nguyên nhân chủ yếu là việc nghiên cứu, vận dụng các chính sách, quy định của pháp luật có nơi làm chưa tốt; công tác quản lý dự án và năng lực chủ đầu tư còn hạn chế, khó khăn trong việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật; chậm trễ trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất. Một số bộ, ngành, địa phương chưa chủ động, chưa quyết liệt, còn lúng túng trong chỉ đạo, điều hành, từ khâu chuẩn bị dự án đến việc đôn đốc, kiểm tra trong quá trình triển khai...
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Lê Tiến Dũng, Phó Vụ trưởng Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết, thống kê qua nhiều năm có thể thấy, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thường chậm trong những tháng đầu năm rồi tăng mạnh vào giai đoạn cuối năm. Điều này ngoài lý do chủ quan là một số chủ đầu tư còn mang tâm lý “thong thả đầu năm”, nguyên nhân chính lại xuất phát từ đặc thù quy trình thực hiện và giải ngân dự án đầu tư công.
Cụ thể, đầu năm là thời điểm các chủ đầu tư thường tập trung xử lý phần tạm ứng khối lượng từ năm trước chuyển sang. Với những dự án được phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân, đầu năm cũng là lúc giải ngân nốt phần vốn cũ. Trong khi đó, để khởi công một dự án mới, phải mất khá nhiều thời gian hoàn thiện thủ tục, đặc biệt là lựa chọn nhà thầu. Thường đến cuối năm, sau khi ký kết xong hợp đồng, các chủ đầu tư mới tiến hành tạm ứng hoặc bước vào giai đoạn thi công để tạo khối lượng giải ngân.
Năm 2024, ngay sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg (ngày 15/2/2024) về việc đôn đốc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm. Dựa trên chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực thúc đẩy thực hiện và giải ngân ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù trong quy trình thực hiện dự án đầu tư công, tỷ lệ giải ngân vẫn tập trung nhiều hơn vào những tháng cuối năm.
Cũng theo ông Dũng, Chính phủ vừa trình Quốc hội Tờ trình về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, trong đó dự kiến kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương sẽ tăng khoảng 75.000 tỷ đồng so với năm 2024. Năm 2025 cũng là thời điểm then chốt để thực hiện mục tiêu 5 năm (2021-2025). Vì vậy, song song với việc xây dựng và trình dự toán, Bộ Tài chính đang soạn thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, đồng thời ban hành Thông tư hướng dẫn điều hành dự toán 2025, hướng đến việc hoàn thành tốt nhất các chỉ tiêu, trong đó có giải ngân vốn đầu tư công.
“Trong bối cảnh cần thúc đẩy tiến độ và nâng cao hiệu quả của các dự án đầu tư công từ năm 2025 trở đi, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc sửa đổi, thay thế đồng bộ các cơ chế, chính sách có liên quan, được kỳ vọng sẽ tạo cú huých mạnh mẽ, đẩy nhanh tiến độ triển khai và giải ngân vốn cho các dự án đầu tư công giai đoạn tới”, ông Lê Tiến Dũng chia sẻ.
Đồng quan điểm, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, ngay từ đầu năm 2025 cần phân bổ chi tiết cho các chương trình, dự án. Đặc biệt, phải chú trọng những công đoạn đầu tiên như chuẩn bị hồ sơ thiết kế, dự toán... Rà soát vốn đầu tư các dự án từ sớm xem có phù hợp, có cơ sở khoa học thực tiễn không để thực hiện. Vai trò của bộ, ngành, các địa phương và người đứng đầu các dự án cũng rất quan trọng.
Bên cạnh những vấn đề đã nêu, cùng với các giải pháp đốc thúc ở phía các bộ, ngành, địa phương thì Luật Đầu tư công (sửa đổi) cũng đã được Quốc hội khóa XV thông qua nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong năm tới. Theo đó, Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, gồm 7 Chương 103 Điều với rất nhiều nội dung mang tính đột phá. Trong đó, có chủ trương phân cấp, phân quyền mạnh hơn, cải cách thủ tục đầu tư, cũng như công tác chuẩn bị đầu tư... Đặc biệt, khi Luật có hiệu lực, một số vướng mắc, tồn đọng trong quá khứ cũng sẽ được giải quyết.