Chuyên đề

Cơ hội cho doanh nghiệp khi tham gia thị trường tín chỉ carbon

Diễm Ngọc 05/02/2025 04:40

Việc tham gia vào thị trường tín chỉ carbon là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam giảm thiểu tác động đến môi trường và nâng cao hình ảnh, cũng như năng lực cạnh tranh quốc tế.

Lợi ích cho doanh nghiệp và Nhà nước

Trong bối cảnh toàn cầu đang hướng đến mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính để ứng phó với biến đổi khí hậu, việc xây dựng và vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam đang trở thành một trong những ưu tiên. Đây không chỉ là công cụ quản lý môi trường hiệu quả mà còn mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp và Chính phủ.

Ảnh màn hình 2025-02-04 lúc 16.34.19
Việc xây dựng và vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam đang trở thành một trong những ưu tiên (Ảnh minh hoạ)

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, TS. Bủi Duy Tùng, Đại học RMIT cho biết, đối với doanh nghiệp, sàn giao dịch tín chỉ carbon cung cấp một nền tảng minh bạch và hiệu quả, giúp doanh nghiệp dễ dàng mua bán tín chỉ carbon để tuân thủ các quy định về phát thải khí nhà kính. Việc tham gia tích cực vào thị trường này còn thể hiện cam kết của doanh nghiệp đối với bảo vệ môi trường, từ đó nâng cao uy tín và hình ảnh thương hiệu trong mắt khách hàng và đối tác.

Thông qua sàn giao dịch, doanh nghiệp có thể lựa chọn giữa việc đầu tư vào công nghệ sạch để giảm phát thải hoặc mua tín chỉ carbon từ các đơn vị khác. Điều này tạo động lực cho doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí và thúc đẩy đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, tham gia sàn giao dịch tín chỉ carbon giúp doanh nghiệp tiếp cận các cơ hội kinh doanh mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và công nghệ xanh. Đồng thời, việc tuân thủ các tiêu chuẩn phát thải quốc tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt trong bối cảnh nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp thuế carbon đối với sản phẩm nhập khẩu.

Đối với Nhà nước, sàn giao dịch tín chỉ carbon là công cụ quan trọng giúp Nhà nước kiểm soát và giảm thiểu lượng khí thải nhà kính, thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Việc thiết lập sàn giao dịch tạo ra một cơ chế minh bạch, giúp Nhà nước theo dõi, giám sát và quản lý hiệu quả các hoạt động mua bán tín chỉ carbon, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật và tránh gian lận.

“Bên cạnh đó, sàn giao dịch tín chỉ carbon khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ sạch và năng lượng tái tạo, góp phần chuyển đổi nền kinh tế theo hướng xanh và bền vững, tạo ra việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Những bước cần chuẩn bị

Hiện nay, việc xây dựng sàn giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức, trong đó khung pháp lý chưa hoàn thiện là một trong những trở ngại lớn nhất. Các quy định cụ thể về quản lý tín chỉ carbon và cơ chế vận hành sàn giao dịch vẫn đang trong quá trình xây dựng.

Ảnh màn hình 2025-02-04 lúc 16.36.07
Tham gia vào thị trường tín chỉ carbon là một cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt Nam giảm thiểu tác động đến môi trường (Ảnh: Itn)

Theo lộ trình, từ nay đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ tập trung xây dựng các quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon, cũng như xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch. Dự kiến, sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ được thí điểm từ năm 2025 và chính thức vận hành vào năm 2028.

Nhiều chuyên gia cùng nhìn nhận, sự thiếu hụt về khung pháp lý rõ ràng và chi tiết gây khó khăn cho việc thiết lập các tiêu chuẩn đo lường, báo cáo và thẩm định (MRV) cần thiết để xác minh và quản lý tín chỉ carbon một cách minh bạch và hiệu quả. Điều này được cho là ảnh hưởng đến việc xây dựng cơ chế tài chính và quy trình đấu giá, chuyển giao, vay mượn và nộp trả hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Do đó, việc hoàn thiện khung pháp lý là bước quan trọng để tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển và vận hành hiệu quả của sàn giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam.

Để tham gia vào thị trường này một cách thuận lợi, TS. Bùi Duy Tùng khuyến nghị phía doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cụ thể như: Thứ nhất, tìm hiểu về cơ chế hoạt động của thị trường tín chỉ carbon, bao gồm các quy định pháp luật, tiêu chuẩn và quy trình chứng nhận liên quan. Việc hiểu rõ các loại hình dự án giảm phát thải có thể tạo ra tín chỉ carbon sẽ giúp doanh nghiệp xác định hướng đi phù hợp với mình.

Có thể thấy, tham gia vào thị trường tín chỉ carbon là một cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt Nam không chỉ giảm thiểu tác động đến môi trường mà còn nâng cao hình ảnh cũng như năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Thứ hai, doanh nghiệp cần tiến hành kiểm kê lượng phát thải khí nhà kính hiện tại, từ đó xây dựng chiến lược quản lý và giảm thiểu phát thải phù hợp. Việc này không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ các quy định pháp luật mà còn tạo cơ hội tham gia tích cực vào thị trường tín chỉ carbon. Các doanh nghiệp trong các ngành như xi măng, sắt thép và nhiệt điện cần sớm xây dựng chiến lược quản lý phát thải khí nhà kính để sẵn sàng tham gia thị trường ETS.

Thứ ba, để quản lý phát thải và giao dịch tín chỉ carbon hiệu quả, doanh nghiệp cần đào tạo đội ngũ nhân sự có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực này. Đáng chú ý, việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt là chuyển đổi số, sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc theo dõi, báo cáo và xác minh lượng phát thải một cách chính xác và minh bạch. Việc chuyển đổi xanh cần đi đôi với chuyển đổi số, giúp doanh nghiệp dễ dàng thực hiện và theo dõi các quy trình liên quan đến tín chỉ carbon.

Thứ, nên xem xét triển khai các dự án giảm phát thải trong lĩnh vực hoạt động của mình, từ đó tạo ra tín chỉ carbon để giao dịch trên thị trường. Việc này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao uy tín của doanh nghiệp. Hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp triển khai thực hiện các chương trình, dự án tạo tín chỉ carbon và trao đổi tín chỉ carbon ra thế giới trên thị trường tự nguyện.

Như vậy, sàn giao dịch tín chỉ carbon không chỉ là công cụ quản lý phát thải mà còn là cơ hội thúc đẩy đổi mới công nghệ và phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam. Dù còn nhiều thách thức, nếu được triển khai và quản lý đúng cách, sàn giao dịch này sẽ mang lại lợi ích lớn cho cả doanh nghiệp và nhà nước, góp phần quan trọng vào nỗ lực bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Diễm Ngọc