Chính trị

Giải pháp đột phá cho tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025

Nguyễn Thu Hà 05/02/2025 21:19

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trả lời báo chí về các giải pháp đột phá để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên trong năm 2025.

tranquocphuong.jpg
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nêu các giải pháp cần thực hiện để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% trong năm 2025 - Ảnh: VGP/NB

Ông Trần Quốc Phương cho biết, trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, với mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7%, và phấn đấu đạt mức 7-7,5%. Tuy nhiên, Trung ương gần đây đã quyết nghị điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2025 lên 8% trở lên, đây là mục tiêu quan trọng giúp tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số trong các năm tiếp theo, đặc biệt trong bối cảnh đất nước có nhiều sự kiện quan trọng.

Để đạt mục tiêu này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chuẩn bị hồ sơ, tài liệu cần thiết để trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường sắp tới, trong đó sẽ điều chỉnh một số chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội, đặc biệt liên quan đến đầu tư, ngân sách và lạm phát. Đồng thời, Bộ cũng đã chuẩn bị một nghị quyết riêng để triển khai nhiệm vụ tăng trưởng 8%, giao chỉ tiêu tăng trưởng trung bình cho các địa phương từ 8% trở lên trong năm 2025.

Về giải pháp thực hiện, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh cần có quyết tâm cao và nỗ lực lớn, điều này được thể hiện trong Nghị quyết 01/2025. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất một số nhóm nhiệm vụ chính, trong đó ưu tiên nguồn lực cho việc hoàn thiện thể chế, pháp luật, coi đây là "đột phá của đột phá" cho phát triển. Việc tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, đặc biệt là trong các dự án đầu tư, là nhiệm vụ quan trọng để khơi thông nguồn lực bị tắc nghẽn bấy lâu nay.

Về phía cầu, ông Nguyễn Quốc Phương cho biết cần tăng cường đầu tư công. Thủ tướng đã yêu cầu giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 60% trong tổng chi ngân sách, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên trong năm 2025 để bổ sung cho đầu tư vào tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng. Ông Phương cũng cho biết việc sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước theo Nghị quyết 18 sẽ tạo không gian phát triển cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu đàn có các dự án lớn mang tính lan toả, thúc đẩy phát triển nền kinh tế.

Về thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp tư nhân trong nước, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết ngoài việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, sẽ thúc đẩy việc thành lập doanh nghiệp mới trong năm 2025 và tháo gỡ các vướng mắc để khơi thông các thị trường trái phiếu, bất động sản và chứng khoán. Đối với xuất khẩu, ông cho biết năm 2025 sẽ đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt liên quan đến chính sách bảo hộ và thuế của Mỹ. Do đó, cần phân tích kỹ tình hình và tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ông Trần Quốc Phương cũng thông tin rằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2025 đã tăng 3,63% so với cùng kỳ năm trước, nhưng giá cả hàng hóa vẫn ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến, lợi dụng khan hiếm hàng hóa giả tạo để thu lợi bất chính. Việt Nam hiện đã có vị thế rất tốt trong ngành công nghệ toàn cầu, đây là động lực dài hạn và cơ hội để đất nước có thể bứt phá.

Lien quan đến chính sách tiền tệ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh rằng muốn đạt tăng trưởng GDP 8%, cần có đầu tư, và muốn có đầu tư, phải có vốn. Chính sách tiền tệ năm 2025 sẽ tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, hỗ trợ tăng trưởng và đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế.

"Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì tính thanh khoản của nền kinh tế, đẩy mạnh huy động vốn nhàn rỗi từ dân cư và doanh nghiệp, đồng thời điều hành tín dụng và tỷ giá linh hoạt để hỗ trợ tăng trưởng và đảm bảo an toàn hệ thống". - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nói.

Nguyễn Thu Hà