Căng thẳng thương mại toàn cầu sang giai đoạn mới
Giới doanh nghiệp toàn cầu đang lo ngại trước những dấu hiệu của một giai đoạn căng thẳng thương mại mới.
![anhbai1.jpg](https://dddn.1cdn.vn/2025/02/05/anhbai1.jpg)
Vào ngày 1/2, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố rằng chính quyền của ông sẽ áp thuế đối với Trung Quốc, Canada và Mexico để buộc các quốc gia trên phải ngăn chặn dòng chảy fentanyl và dòng người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ. Mức thuế quan này sẽ có hiệu lực vào ngày 3/2.
Tuy nhiên, ông Trump bất ngờ tuyên bố hoãn 1 tháng việc áp thuế quan đối với Canada và Mexico để đổi lấy nhượng bộ của hai nước láng giềng này trong vấn đề bảo vệ biên giới và chống tội phạm.
Tính đến ngày 4/2, tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Hoa Kỳ đều phải chịu thêm mức thuế 10%, ngoài các mức thuế và nghĩa vụ hiện hành được áp dụng từ trước. Nhiều nhà phân tích cho rằng thuế quan của ông Trump đối với Trung Quốc chỉ là một con bài mặc cả, nhằm mục đích tạo đòn bẩy để đạt được thỏa thuận cuối cùng.
Nhưng trong khi ông Trump có thói quen công bố thuế quan rồi sau đó rút lại để đáp lại những nhượng bộ từ các quốc gia khác, thì thuế quan đối với Trung Quốc của ông lại khác, các mức thuế bổ sung được đánh vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông vẫn được áp dụng cho đến ngày nay.
Ngay sau khi mức thuế được công bố, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: "Trung Quốc kiên quyết lên án và phản đối động thái này và sẽ thực hiện các biện pháp đối phó cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuyên bố cũng cáo buộc Mỹ vi phạm nghiêm trọng các quy tắc của WTO, đồng thời nói thêm rằng, chiến tranh thương mại và thuế quan không có bên nào chiến thắng.
Khi mức thuế của Hoa Kỳ có hiệu lực, Bắc Kinh đã đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt của riêng mình. Bộ Thương mại Trung Quốc đã thông báo rằng quốc gia này sẽ áp dụng mức thuế mới đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Cụ thể, than và khí đốt tự nhiên hóa lỏng sẽ phải chịu mức thuế 15%, trong khi dầu thô, máy móc nông nghiệp, ô tô lớn và xe bán tải sẽ phải chịu mức thuế 10%.
Như Reuters đã lưu ý, Trung Quốc không nhập khẩu nhiều năng lượng từ Mỹ. Năm 2024, nguồn cung từ Hoa Kỳ chỉ chiếm 1,7% tổng lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc trong năm. Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Hoa Kỳ đóng góp 5,4% tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc, mặc dù doanh số bán LNG của Mỹ sang Trung Quốc đã có xu hướng tăng. Mỹ cũng không phải là nguồn cung than quan trọng cho Trung Quốc khi chỉ chiếm khoảng 3% tổng lượng nhập khẩu của nước này.
![anh-man-hinh-2025-02-04-luc-13-46-53.png](https://dddn.1cdn.vn/2025/02/05/anh-man-hinh-2025-02-04-luc-13-46-53.png)
Ngoài việc ban hành thuế quan của riêng mình, Trung Quốc cũng tuyên bố rằng họ đang đệ đơn kiện Hoa Kỳ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đây hoàn toàn là một động thái mang tính biểu tượng tại thời điểm này, vì việc Mỹ từ chối chấp thuận các trọng tài viên mới đã khiến cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO bị tê liệt.
Các chuyên gia nhận định, Trung Quốc dường như đang thể hiện sự sẵn sàng mới trong việc sử dụng các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Mỹ theo cách thực chất, thay vì chỉ mang tính tượng trưng.
Những nỗ lực gần đây của Bắc Kinh nhằm tận dụng sự thống trị của mình trên các thị trường chính, chẳng hạn như máy bay không người lái và khoáng sản quan trọng, phản ánh sự sẵn sàng ngày càng tăng trong việc biến chuỗi cung ứng thành vũ khí. Nhưng vẫn có những giới hạn, vì Trung Quốc muốn tránh chơi quá tay và tiếp tục phá vỡ nền kinh tế vẫn đang trong trạng thái mong manh.
Tuy nhiên, nếu chiến tranh thương mại leo thang, cả các công ty Hoa Kỳ và Trung Quốc đều sẽ lo lắng. James DeSmet, Giám đốc điều hành của CRG Automation, cho biết doanh nghiệp trong ngành đang bị áp lực bởi cuộc chiến thương mại tiềm tàng khi các mức thuế quan mới được áp dụng.
Nhà máy của công ty này phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài đối với khoảng 25% các bộ phận và nguyên liệu thô như rô bốt từ Nhật Bản, bộ điều khiển điện tử từ Trung Quốc, máy móc cơ bản từ Mexico. Điều đó khiến CRG Automation phải đối mặt với chi phí tăng đáng kể khi doanh nghiệp này chưa tìm được các đối tác cung cấp tốt hơn từ nội địa hoặc từ một quốc gia không phải chịu thuế quan.
“Thuế quan mang đến rất nhiều sự thay đổi chính trị liên quan đến chúng. Rất khó để các doanh nghiệp có thể đưa ra một chiến lược dài hạn”, ông Lauritzen, CEO của CRG Automation cho biết.