Bất cập bảo hiểm xe máy: Lãng phí, phiền hà… lợi ích “bằng 0”
“Bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy đã không phát huy được hiệu quả thì việc cần sớm sửa đổi cho sát với thực tế xã hội đang là một yêu cầu cấp thiết…”.
Đây là quan điểm của luật sư Tạ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH EMME LAW xung quanh câu chuyện về bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy luôn làm nóng dư luận suốt thời gian qua.
Tỷ lệ bồi thường chỉ khoảng 4%
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) vừa công bố số liệu cập nhật theo báo cáo nghiệp vụ của các doanh nghiệp bảo hiểm về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự. Cụ thể, trong 11 tháng của năm 2024, tổng doanh thu là 736,9 tỷ đồng; ước tính chi phí bồi thường là 28,5 tỷ đồng; tỷ lệ bồi thường chỉ khoảng 4%.
Trước đó, số liệu Bộ Tài chính công bố 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy, doanh thu phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ mô tô, xe gắn máy đạt hơn 431,78 tỷ đồng, chi bồi thường là 41,9 tỷ đồng, dự phòng bồi thường là 35,86 tỷ đồng. Các khoản chi trên chưa tính chi hoa hồng, chi quản lý, chi bán hàng... cũng như trách nhiệm bồi thường phát sinh.
Nhìn lại thực tế, từ ngày 6/9/2023, Nghị định 67/2023/NĐ-CP trong đó có quy định về bảo hiểm bắt buộc của chủ xe cơ giới có hiệu lực. Tuy nhiên, những năm qua cử tri hàng loạt địa phương trên cả nước như TP.HCM, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Nghệ An, Đồng Nai, An Giang,.. liên tục có công văn gửi Bộ Tài chính kiến nghị cần đơn giản thủ tục giải quyết bồi thường cho bảo hiểm xe máy do thủ tục phức tạp, gây bức xúc cho nhân dân.
Đặc biệt, cử tri nhiều tỉnh thành bức xúc phản ánh hầu như rất ít người dân tham gia hưởng lợi, và đề xuất cần công khai chi trả đối với loại hình bảo hiểm này, đồng thời xem xét điều chỉnh quy định mua bảo hiểm xe máy nên là "tự nguyện" thay vì "bắt buộc" như hiện nay.
Lãng phí, phiền hà, không mang lại lợi ích
Phân tích về vấn đề này, chuyên gia tài chính Nguyễn Ngọc Tú cho biết, với các loại hình bảo hiểm khác, thông thường số tiền chi trả bảo hiểm chiếm khoảng 70% tổng thu. Tuy nhiên, tỷ lệ bồi thường của bảo hiểm xe máy trên thực tế hiện nay quá thấp, gần như chính sách không phát huy tác dụng.
"Nhiều năm qua, bảo hiểm xe máy là dạng bảo hiểm bắt buộc, người dân vẫn đóng nhưng khi xảy ra va chạm, hầu như người dân tự giải quyết với nhau. Bởi thủ tục hưởng bồi thường bảo hiểm tương đối phức tạp, tốn thời gian, nhưng mức bồi thường bảo hiểm có khi chỉ vài trăm nghìn đồng", ông Tú chia sẻ.
Nhìn nhận với mỗi người, số tiền chi ra để mua bảo hiểm xe máy không lớn nhưng với hàng chục triệu xe máy, số tiền cả nước thu về rất lớn, ông Tú cho rằng nên bỏ bảo hiểm xe máy bắt buộc để giảm phiền hà cho người dân, ai thấy cần thiết thì mua.
"Trong trường hợp vẫn bắt buộc mua bảo hiểm xe máy, Bộ Tài chính phải có giải pháp cải cách thủ tục hành chính trong khâu ghi nhận và bồi thường bảo hiểm", vị chuyên gia nói.
Đồng quan điểm, luật sư Tạ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH EMME LAW cũng cho rằng, thực tế thời gian qua, chính sách này có rất nhiều bất cập. Trước hết là mức bồi thường bảo hiểm rất nhỏ, không theo kịp sự biến đổi về giá cả. Thứ 2 là thời hạn hiện nay quy định là 1 năm là quá ngắn. Thứ 3 là thủ tục để nhận được bảo hiểm quá phức tạp, rất rườm rà, nên người dân thường có tâm lý tự thỏa thuận mà không cần cơ quan bảo hiểm. Những điều này khiến loại hình bảo hiểm này không phù hợp với thực tế.
Theo luật sư Tạ Anh Tuấn, bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy đã không phát huy được hiệu quả thì việc cần sớm sửa đổi các quy định pháp luật cho sát với thực tế xã hội đang là một yêu cầu cấp thiết. Tránh việc quy định cho có, nhưng không thực chất, dẫn đến khó khăn, tốn kém cho người dân, gây lãng phí trong xã hội trong thời gian dài.
“Hãy để những tờ giấy bảo hiểm này trở thành tấm lá chắn bảo vệ người dân trước những rủi ro chứ đừng biến nó thành cái vé để được điều khiển phương tiện tham gia giao thông”, luật sư Tạ Anh Tuấn nhấn mạnh.
Cũng từng nhiều lần đề xuất bỏ bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá về tổng lợi ích cho xã hội, bảo hiểm bắt buộc với xe máy không bảo đảm nguyên tắc lợi ích lớn hơn chi phí.
Theo VCCI, việc mua bảo hiểm xe máy, bao gồm cả bảo hiểm trách nhiệm dân sự và các loại bảo hiểm khác, sẽ dựa trên sự tự nguyện thoả thuận của các bên. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí xã hội mà còn giúp các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có động lực thiết kế và cung cấp những sản phẩm bảo hiểm tốt hơn, phù hợp với nhu cầu của khách hàng và mang lại lợi ích thực sự cho xã hội.
Quy định này cũng không trái với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật do Điều 8 của Luật Kinh doanh bảo hiểm chỉ quy định tên loại hình bảo hiểm còn Nghị định được phép quy định chi tiết các nội dung liên quan, trong đó bao gồm cả phạm vi áp dụng.
VCCI lập luận rằng, bảo hiểm bắt buộc là sự can thiệp bằng quyền lực hành chính của Nhà nước vào quyền tự do thoả thuận của người dân và doanh nghiệp, một trong những quyền dân sự được bảo vệ.
Điều 14.2 của Hiến pháp và Điều 2.2 của Bộ luật Dân sự quy định rằng quyền này chỉ có thể bị hạn chế trong trường hợp cần thiết "vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ cộng đồng”. Như vậy, để hạn chế quyền này, cơ quan nhà nước phải chứng minh được rằng lợi ích công cộng thu được từ việc hạn chế quyền vượt xa chi phí phải bỏ ra.
Theo khảo sát của VCCI, trong thời gian qua, việc thực hiện các loại bảo hiểm bắt buộc đã được chứng minh là mang lại nhiều lợi ích xã hội nhưng với bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy thì không.