Doanh nghiệp tận dụng FTA thúc đẩy xuất nhập khẩu
Việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam tăng trưởng, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu.
Năm 2025 được dự báo tiếp tục là năm khó khăn trong hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và xuất khẩu hàng hoá nói riêng. Tuy nhiên, Việt Nam với hàng loạt cơ hội từ các FTA có thể bước vào giai đoạn thay đổi về chất và tăng trưởng xuất khẩu.
![vuong-quoc-anh-gia-nhap-cptpp-viet-nam-duoc-huong-loi-gi-20240625103231.jpg](https://dddn.1cdn.vn/2025/02/05/vuong-quoc-anh-gia-nhap-cptpp-viet-nam-duoc-huong-loi-gi-20240625103231.jpg)
Nói như ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, Việt Nam là một trong những nước được coi là hưởng lợi lớn nhất từ xu hướng hội nhập toàn cầu. Đặc biệt, khi chuỗi cung ứng thế giới thay đổi tạo cơ hội cho Việt Nam nắm bắt xu hướng về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Bên cạnh đó, các FTA mà Việt Nam ký kết, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã và đang phát huy hiệu quả trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu và giảm thiểu rào cản thuế quan. Những FTA này không chỉ thúc đẩy xuất khẩu mà còn tạo cơ hội cho Việt Nam gia tăng nhập khẩu công nghệ và thiết bị sản xuất hiện đại từ quốc gia đối tác.
Thống kê của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho thấy, tỷ trọng xuất khẩu hàng dệt may sang các nước thuộc hiệp định CPTPP là khoảng 16% trên tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may. Hiệp định UKVFTA cũng đóng góp khoảng 2% trên tổng kim ngạch xuất khẩu.
Đây được xem là bước đột phá với nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận các thị trường khó tính và thị trường mới, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may trên quy mô toàn cầu, hứa hẹn giúp cho toàn ngành nâng cao năng lực cạnh tranh.
![avkt1887310-det-may_5949c.jpg](https://dddn.1cdn.vn/2025/02/05/avkt1887310-det-may_5949c.jpg)
Được biết, năm 2025, Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng khoảng 12% so với năm 2024. Đây được đánh giá là mục tiêu rất thách thức.
Thế nhưng, ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đánh giá, với việc ký kết 17 FTA đã và đang mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam mở rộng thị trường, tăng trưởng thương mại, xuất nhập khẩu và đầu tư, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam duy trì mức tăng trưởng cao. Do đó, thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tối đa dư địa xuất khẩu thị trường do các FTA mang lại, nhất là các FTA thế hệ mới.
Còn theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu, mặc dù EVFTA đã mang lại những ưu đãi thuế quan đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường EU. Thế nhưng, để tận dụng lợi thế, doanh nghiệp cần hiểu rõ yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, quy định pháp lý, thị hiếu tiêu dùng để xây dựng chiến lược phù hợp.
Trong bối cảnh hàng hóa Việt Nam có nhiều cơ hội hưởng ưu đãi thuế quan tại các thị trường FTA, quy tắc xuất xứ chính là công cụ giúp hàng hóa hưởng lợi nhưng cũng có thể khiến vô hiệu hóa lợi ích thuế quan nếu hàng hóa không đáp ứng xuất xứ.
“Vì vậy, chúng tôi hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng quy định cam kết quốc tế và văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa. Hơn nữa, doanh nghiệp cần có hệ thống lưu trữ chứng từ đầy đủ để đảm bảo hiệu quả công tác xác minh xuất xứ, giúp C/O được chấp nhận và hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan”, bà Trịnh Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết.
Đồng thời khẳng định, để hỗ trợ doanh nghiệp, Cục thường xuyên phối hợp với các tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp C/O triển khai tập huấn, nâng cao năng lực nghiệp vụ, giải đáp tình huống thực tế; đồng thời kiểm tra, uốn nắn, hướng dẫn kịp thời.
Doanh nghiệp đã có nhận thức nhất định về việc sử dụng C/O ưu đãi như một công cụ hữu hiệu trong kế hoạch kinh doanh khi xuất khẩu hàng hóa đi các thị trường Việt Nam có cam kết để hưởng ưu đãi thuế quan. Với hành lang pháp lý là Nghị định 31/2018/NĐ-CP và một loạt các thông tư hướng dẫn; cũng như việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nhận thức của doanh nghiệp đã thay đổi rõ rệt.
Ngoài các giải pháp chủ yếu nêu trên, Bộ Công Thương chú trọng cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý và trả lời vướng mắc của doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa. Biện pháp này được cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh và ghi nhận.
Cùng với đó, trong bối cảnh hàng hóa Việt Nam có nhiều cơ hội hưởng ưu đãi thuế quan tại các thị trường FTA, Bộ Công Thương hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng quy định cam kết quốc tế và văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa. Hơn nữa, doanh nghiệp cần có hệ thống lưu trữ chứng từ đầy đủ để đảm bảo hiệu quả việc xác minh xuất xứ, giúp C/O được chấp nhận và hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Công Thương thường xuyên phối hợp với các tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp C/O triển khai tập huấn, nâng cao năng lực nghiệp vụ, giải đáp tình huống thực tế; đồng thời kiểm tra, uốn nắn, hướng dẫn kịp thời. Doanh nghiệp đã có nhận thức nhất định về việc sử dụng C/O ưu đãi như công cụ hữu hiệu trong kế hoạch kinh doanh khi xuất khẩu hàng hóa đi các thị trường Việt Nam có cam kết để hưởng ưu đãi thuế quan.
Ngoài ra, Bộ Công Thương chú trọng cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt nâng cao hiệu quả tiếp nhận, xử lý và trả lời vướng mắc của doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa.