Vai trò quan trọng của tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng
Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sẽ kết nối đường sắt quốc gia với các cảng biển, khu công nghiệp, khu du lịch.
Mới đây, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đến khảo sát thực tế dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng tại vị trí ga cảng Lạch Huyện.
Theo đó, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai- Hà Nội- Hải Phòng có tổng chiều dài toàn tuyến 388,3 km với 36 nhà ga. Trong đó, đoạn qua TP Hải Phòng gồm tuyến chính dài 46,1 km và 2 tuyến nhánh, chiều dài 20,5 km. Tốc độ thiết kế đoạn tuyến chính 160 km/giờ; đoạn tuyến nhánh 80 km/giờ. Theo thiết kế, đoạn thuộc TP Hải Phòng có 6 ga. Trong đó, Ga Nam Hải Phòng là ga hỗn hợp, lập tàu. Ga Tân Viên và Ga Nam Đình Vũ là ga kỹ thuật. Các Ga Nam Đình Vũ, Ga cảng Lạch Huyện, ga Nam Đồ Sơn, Ga Đình Vũ là ga hỗn hơp, tiền cảng.
Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sẽ góp phần nâng cao năng lực vận chuyển của tuyến đường sắt trục Đông – Tây, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải bằng đường sắt, kết nối đường sắt quốc gia với các cảng biển, các khu công nghiệp tập trung, khu du lịch, đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tại cuộc khảo sát, lãnh đạo TP Hải Phòng kiến nghị, đề xuất Đoàn khảo sát nghiên cứu, đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải, Ban quản lý Dự án đường sắt, đơn vị tư vấn xem xét điều chỉnh tiến độ đầu tư đoạn tuyến từ ga Nam Hải Phòng đến ga Nam Đồ Sơn với chiều dài hơn 12km, thực hiện trong giai đoạn 1 và hoàn thành trước năm 2030 để tạo sự đồng bộ khai thác cảng Nam Đồ Sơn cũng như tăng sức hấp dẫn của Khu Kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng.
Đồng thời, nghiên cứu về giải pháp kỹ thuật, hiện trạng sử dụng đất để tuyến chạy song song và bám sát tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện theo định hướng Quy hoạch chung TP Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo giảm thiểu tối đa quỹ đất xen kẹt giữa tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với các tuyến đường nêu trên, nhằm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả và không chồng lấn vào phạm vi ranh giới các dự án đang triển khai nghiên cứu và có phương án cụ thể xử lý các điểm giao cắt qua đường bộ (đường hiện hữu, đường quy hoạch)...
Cùng với đó, nghiên cứu, xem xét tích hợp cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2 vào hạng mục cầu đường sắt song song cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 1 trong dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nộ i- Hải Phòng để tiết kiệm chi phí đầu tư.
TP Hải Phòng cũng đề xuất vị trí ga cảng Lạch Huyện kéo dài tới khu vực bến 5, 6 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện bảo đảm sự phù hợp, đồng bộ, hiệu quả khai thác các bến cảng tại khu vực bến Lạch Huyện. Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, lãnh đạo thành phố cam kết bảo đảm bàn giao đơn vị thi công theo đúng tiến độ. Đối với đoạn tuyến từ ga Nam Hải Phòng đến ga Nam Đồ Sơn, nếu được chấp thuận, TP Hải Phòng sẵn sàng sử dụng ngân sách địa phương để triển khai đầu tư.
Với những kiến nghị, đề xuất của TP Hải Phòng, lãnh đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và đơn vị liên quan ghi nhận, tiếp thu, tổng hợp đầy đủ đề xuất, kiến nghị của thành phố Hải Phòng để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội nghiên cứu, xem xét quyết định.
Được biết, thời gian qua, TP Hải Phòng đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án. Mới đây nhất, ngày 4/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1511/ QĐ-TTg về việc thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng. Trong đó, yêu cầu lộ trình và kế hoạch phát triển: Giai đoạn đến 2025 tổ chức lập quy hoạch chung Khu kinh tế, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch phân khu khu chức năng trong Khu kinh tế; đầu tư một số công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật.
Hiện, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đang nghiên cứu lập đồ án Quy hoạch chung Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng. Trong quá trình thực hiện lập đồ án Quy hoạch, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng sẽ cập nhật hướng tuyến đường sắt này vào đồ án quy hoạch theo quy định.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, TS. Nguyễn Minh Đức – Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng cho biết, TP Hải Phòng là trung tâm cảng biển lớn của miền Bắc, sản lượng hàng hoá thông qua cảng biển liên tục tăng qua các năm. Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị cũng xác định, đến năm 2025 TP Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia; đến năm 2030 trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao... Vì vậy, phía Hiệp hội Logistics rất kỳ vọng dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sẽ sớm được triển khai, tạo động lực quan trọng trong việc kết nối hạ tầng giao thông giữa Việt Nam và Trung Quốc… Qua đó, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, thúc đẩy hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển.