Thể chế - “đường băng” cho nền kinh tế cất cánh
Cải cách thể chế không chỉ là điều kiện cần mà còn là điều kiện đủ để đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khi phát biểu tại Hội nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội với Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ, ngày 6/2.
![thu tuong](https://dddn.1cdn.vn/2025/02/06/thu-tuong.jpg)
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, yêu cầu đặt ra từ Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cũng như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm là phải thực hiện nhiều nhiệm vụ trong khoảng thời gian ngắn nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc, quy trình chặt chẽ. Điều này phản ánh tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhưng không chủ quan, đảm bảo sự đồng bộ, hiệu quả trong công tác lập pháp và quản lý nhà nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định kỳ họp bất thường lần thứ 9 thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của bộ máy nhà nước: Có việc làm, có vấn đề thì phải giải quyết. Mà đã làm, giải quyết phải đến cùng, có hiệu quả.
Nhìn lại các kỳ họp bất thường trước đây, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh rằng những quyết sách đưa ra đều phù hợp với thực tiễn, giải quyết được những vấn đề cấp bách và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
Lần này, một trong những mục tiêu quan trọng được đặt ra là thực hiện tinh giản bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương. Thủ tướng Phạm Minh Chính gọi đây là "một cuộc cách mạng về bộ máy", không chỉ đơn thuần là cắt giảm số lượng mà còn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, hướng tới một hệ thống vận hành hiệu lực, hiệu quả hơn.
Việc tinh gọn bộ máy không chỉ dừng lại ở sắp xếp lại cơ cấu tổ chức mà còn đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng nhân sự, cải cách thể chế và đổi mới tư duy quản trị. Một bộ máy tinh gọn không thể chỉ là giảm số lượng đơn vị, mà quan trọng hơn, phải đảm bảo người thực thi công vụ có năng lực, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong quản lý và điều hành đất nước.
Trong bối cảnh triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, việc rà soát lại các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đặt ra là yêu cầu cấp bách. Không chỉ đánh giá kết quả sau 4 năm thực hiện, mà quan trọng hơn là đề ra các giải pháp để hoàn thành những chỉ tiêu chưa đạt, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả của những mục tiêu đã hoàn thành.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt lưu ý đến chỉ tiêu tăng trưởng - một trong những thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế. Để đạt mức tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, yếu tố quyết định chính là đột phá về thể chế. Thể chế kinh tế là nền tảng, là động lực then chốt giúp khơi thông nguồn lực, thúc đẩy đầu tư và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Trong bối cảnh chuẩn bị cho Kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ và Quốc hội để đảm bảo hiệu quả lập pháp, với tinh thần phân cấp, phân quyền tối đa nhưng không buông lỏng quản lý.
Đây không chỉ là một nguyên tắc điều hành, mà còn là một hướng đi quan trọng để nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, giải quyết những điểm nghẽn trong hệ thống hành chính và thúc đẩy sự chủ động, sáng tạo từ địa phương đến trung ương. Việc phân quyền không thể tách rời phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường giám sát, kiểm tra.
Quan điểm "biết đến đâu, quản đến đó" mà Thủ tướng đưa ra nhấn mạnh vào tính thực tiễn, linh hoạt, tạo điều kiện để các cấp chính quyền phát huy tối đa khả năng điều hành của mình.
Một điểm đáng chú ý trong kỳ họp lần này là yêu cầu của Thủ tướng về việc đơn giản hóa trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật để các chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống. Đây là một đòi hỏi hợp lý, khi thực tế cho thấy nhiều chính sách tốt nhưng chậm đi vào thực tiễn do vướng mắc từ quy trình lập pháp, sự thiếu đồng bộ giữa các cấp quản lý và các thủ tục hành chính kéo dài.
Thủ tướng nhấn mạnh mọi quyết sách phải đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, lợi ích nhân dân lên trên hết. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị, không để xảy ra tình trạng “quyền anh, quyền tôi” làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành.
Tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đã nhấn mạnh tinh thần khẩn trương trong công tác chuẩn bị cho Kỳ họp bất thường lần thứ 9. Với thời gian không còn nhiều, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan tăng cường làm thêm giờ, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật để đảm bảo hoàn thiện các nội dung trình Quốc hội.
Hình ảnh “vừa chạy, vừa xếp hàng” mà Chủ tịch Quốc hội sử dụng không chỉ thể hiện áp lực thời gian mà còn phản ánh yêu cầu phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa các cơ quan trong quá trình lập pháp. Không chỉ chạy đua với thời gian, quá trình xây dựng chính sách còn đòi hỏi sự đồng bộ, chính xác, đảm bảo chất lượng và hiệu quả.
Áp lực thời gian là rõ ràng, nhưng vấn đề quan trọng hơn là làm thế nào để vừa đảm bảo tiến độ, vừa giữ vững chất lượng lập pháp. Bởi lẽ, một dự luật ban hành vội vàng, thiếu tính toán kỹ lưỡng có thể dẫn đến những hệ lụy lâu dài, ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển của đất nước.
Vì vậy, tinh thần làm việc khẩn trương không đồng nghĩa với việc đơn giản hóa hay làm qua loa. Các dự án luật trình tại kỳ họp lần này cần được xem xét kỹ lưỡng, đánh giá tác động thực tiễn, đảm bảo tính khả thi, minh bạch và công bằng trước khi thông qua.
Có thể khẳng định, kỳ họp bất thường không chỉ mang ý nghĩa giải quyết những vấn đề cấp bách, mà còn thể hiện tinh thần chủ động thích ứng với thực tiễn của hệ thống lập pháp. Với tinh thần đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa Quốc hội và Chính phủ trong quá trình chuẩn bị kỳ họp lần này có vai trò quyết định. Khi tất cả cùng đồng lòng, cùng nỗ lực, mọi khó khăn sẽ được tháo gỡ, tạo tiền đề cho những quyết sách mang lại lợi ích thiết thực cho quốc gia, dân tộc và nhân dân.