Công nghệ

Đưa công nghệ số vào sản xuất để nâng tầm cho sản phẩm OCOP

Trung Thành 07/02/2025 00:05

Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ số cho sản phẩm OCOP trong tỉnh Quảng Ninh, đã trở thành động lực để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Từ đưa KHCN vào sản xuất...

Nhằm gia tăng giá trị, nâng cao chất lượng, khẳng định chỗ đứng, các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đã tích cực chuyển đổi số. Trong đó đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; từ đó, gặt hái được nhiều thành công, mở rộng thị trường tiêu thụ, từng bước hướng tới xuất khẩu.

3(2).jpg
Tỉnh Quảng Ninh hiện có 432 sản phẩm OCOP của 235 doanh nghiệp (Ảnh minh họa)

Làm chủ công nghệ sản xuất giống, duy trì dây truyền tự động từ sản xuất nấm theo công nghệ sinh học trong nhà lạnh của Nhật Bản đến đóng gói sản phẩm theo quy trình hiện đại, Công ty này đang cho ra các sản phẩm nấm chất lượng tốt, có hàm lượng vi chất cao. Cả 4 sản phẩm đạt OCOP 4 sao hiện có mặt ở nhiều trung tâm thương mại, cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh.

Ông Phạm Quang Nhuệ - Giám đốc Công ty TNHH Long Hải, TP Đông Triều, Quảng Ninh cho biết: Thời gian qua, Công ty đã đưa vào vận hành dây chuyền tự động sản xuất nấm theo công nghệ sinh học trong nhà lạnh của Nhật Bản. Ưu điểm của dây chuyền này là mọi yếu tố từ nhiệt độ, độ ẩm đến ánh sáng đều được kiểm soát chặt chẽ theo tiêu chuẩn quốc tế.

Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ sinh học trong nhà lạnh vào trồng nấm đã khắc phục tình trạng sản xuất theo mùa vụ, sản phẩm nấm được cung cấp quanh năm.

Bên cạnh việc sản xuất các loại nấm cũ là nấm kim châm và nấm đùi gà, hiện Công ty đã phát triển thêm sản phẩm mới là nấm sò và nấm trà tân, nâng sản lượng các loại nấm cung cấp cho thị trường lên 300-400 tấn/năm.

Cùng với đó, Công ty cũng đổi mới công nghệ đóng gói bằng việc sử dụng máy hút chân không và màng bọc thực phẩm được làm từ chất liệu PVDC cao cấp của Nhật Bản để sản phẩm tươi lâu hơn. Cả 4 sản phẩm của Công ty được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh, được tiêu thụ mạnh tại các siêu thị lớn.

Theo ông Nhuệ: “Chúng tôi ứng dụng công nghệ vào để tăng năng suất lên đến 20%. Thứ hai, đẩy mạnh khoa học công nghệ vào đống dịch thể nấm kim châm sớm đạt chuẩn OCOP 5 sao và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chứng nhận về giá trị và chất lượng sản phẩm trong thời gian tới”.

Toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 435 sản phẩm OCOP đạt từ 3-5 sao, trong đó 4 sản phẩm đạt 5 sao. Đây là kết quả của việc toàn tỉnh triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy hiệu quả của các cơ sở sản xuất đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ. Trong đó, đánh giá phân loại sản phẩm OCOP hàng năm tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ cơ sở tiếp cận và ứng dụng công nghệ vào sản xuất qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm hướng tới xuất khẩu.

...đến ứng dụng công nghệ số trong phát triển sản phẩm

Thời gian qua, việc ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP trong tỉnh đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, trở thành động lực để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

1(2).jpg
Chị Bùi Thị Nhàn, chủ cơ sở sản xuất ruốc tép, mắm tép chưng thịt Nguyên Nhàn thực hiện livestream bán hàng qua mạng (Ảnh Báo Quảng Ninh)

Bà Bùi Thị Nhàn - GĐ doanh nghiệp sản xuất ruốc tép, mắm tép chưng thịt Nguyên Nhàn cho biết: So với việc sản xuất truyền thống thì dùng máy móc với quy trình sản xuất hiện đại giúp ổn định chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tăng sản lượng rất nhiều. Trước đây, mỗi ngày gia đình chỉ có thể làm từ 15-20kg mắm tép chưng thịt, ruốc tép. Nhưng kể từ khi áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến đã có thể sản xuất đến 1 tạ thành phẩm.

Ngoài việc áp dụng KHCN vào sản xuất, bà Nhàn còn chú trọng ứng dụng công nghệ trong phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh bán hàng theo phương pháp truyền thống, chị đã quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua website, Facebook, Zalo, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Tiktok.

Bà Nhàn cũng cho biết thêm, để tăng lượng tiêu thụ, chị cũng tạo những gói quà để khách hàng có thể mang đi làm quà tặng biếu với giá thành hợp lý và đảm bảo về chất lượng sản phẩm. Trung bình mỗi ngày cơ sở tiêu thụ trên 2 tạ sản phẩm các loại, nhưng dịp tết lượng hàng tiêu thụ dự kiến tăng lên hơn 50%, vì vậy, chị cũng phải nhập nguồn nguyên liệu đầu vào nhiều hơn, tăng thời gian làm việc của người lao động, đảm bảo cung ứng kịp thời các sản phẩm cho khách hàng đặt hàng dịp Tết.

Được biết, tỉnh Quảng Ninh hiện có 432 sản phẩm OCOP của 235 doanh nghiệp, trong đó có 334 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên đã đưa lên sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh. Nhiều sản phẩm đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng như: Các sản phẩm nước mắm, ruốc hàu Vân Đồn, chả mực Hạ Long, nếp cái hoa vàng Đông Triều, trà hoa vàng Ba Chẽ, miến dong Bình Liêu…

Hiện các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đều bán hàng qua các trang mạng xã hội nhằm tiếp cận thêm nhiều khách hàng và tăng được khả năng tiêu thụ các sản phẩm.

Theo lãnh đạo Sở KHCN, Sở cũng tập trung chỉ đạo đối với các phòng, đơn vị trực thuộc tăng cường ứng dụng KHCN đối với các sản phẩm OCOP. Trong đó, tập trung hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân về ghi nhãn hàng hóa, đăng ký mã số, mã vạch, thực hiện các quy định để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hướng dẫn xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; phối hợp với Văn phòng Điều phối NTM tỉnh rà soát, đánh giá các sản phẩm được cấp sao.

Cùng với đó, tổ chức chương trình cà phê công nghệ với chủ đề “Ứng dụng công nghệ nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP Quảng Ninh”, trong đó có các nội dung liên quan đến công nghệ chế biến, đóng gói, bảo quản các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp, thủy sản; vai trò của thương mại điện tử đối với sự phát triển sản phẩm OCOP.

Đến nay 100% sản phẩm tham gia chương trình OCOP của tỉnh Quảng Ninh được triển khai dán tem điện tử thông minh nhằm quản lý, truy xuất nguồn gốc, giúp giám sát chất lượng sản phẩm, giúp người tiêu dùng thuận tiện hơn trong tra cứu, nhận biết thông tin, chất lượng hàng hóa.

2(2).jpg
Tỉnh Quảng Ninh có 334 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên đã đưa lên sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh (Ảnh minh họa)

Việc đẩy mạnh chuyển đổi số, đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và tổ chức các hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại đã nâng tầm cho các sản phẩm OCOP của tỉnh, tạo cơ hội để các sản phẩm OCOP tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa ở nhiều thị trường tiềm năng.

Ông Ngô Tất Thắng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thông tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: “Các sản phẩm đã 4 sao và 5 sao của tỉnh đã tăng cao, đa dạng hóa sản phẩm hơn, theo hướng tinh tế hơn, đạt chất lượng và mẫu mã đẹp hơn về hình thức để đáp ứng người tiêu dùng. Chính vì vậy, chúng ta phải tích hợp nhiều ứng dụng thiết bị, phương pháp hiện đại trong khâu chế biến chúng ta phải tiếp tục đổi mới mẫu mã bao bì, hình thức đóng gói và làm sao cho chi phí rẻ nhất”.

Để thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất OCOP nói riêng và nông nghiệp nói chung, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tập trung hỗ trợ xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đặt các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong cơ sở sản xuất trong toàn tỉnh.

Trung Thành