Chuyên đề

Tạo đột phá tăng trưởng từ đầu tư công

Diễm Ngọc 07/02/2025 12:34

Kế hoạch đầu tư công năm 2025 được xem là bước đột phá không chỉ cho tăng trưởng kinh tế, mà còn là tiền đề cho sự phát triển trong giai đoạn mới 2026-2030.

Kỳ vọng vào đầu tư công

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2025 là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, với mức đầu tư công dự kiến đạt 791.000 tỷ đồng, tương đương 6,4% GDP đã được Quốc hội phê duyệt. Nguồn vốn này sẽ tập trung vào các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, sân bay quốc tế Long Thành và tuyến đường sắt Bắc Nam.

Ảnh màn hình 2025-02-06 lúc 19.47.38
Kế hoạch đầu tư công mà Quốc hội và Chính phủ đề ra trong năm 2025 tương đối tham vọng (Ảnh: Itn)

Việc Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án đầu tư công, giúp giải quyết các vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng.

Nhóm chuyên gia tại CTCK PHS nhìn nhận, kế hoạch đầu tư công mà Quốc hội và Chính phủ đề ra trong năm nay tương đối tham vọng, sẽ là bước đột phá không chỉ cho tăng trưởng kinh tế mà còn là tiền đề cho sự phát triển trong giai đoạn mới 2026-2030.

Một loạt các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, cùng với các dự án lớn như Sân bay quốc tế Long Thành (Giai đoạn 1) và Đường vành đai 4, dự kiến sẽ sớm hoàn thành trong năm 2025, có khả năng giải phóng nguồn lực đáng kể ra nền kinh tế. Đặc biệt, những kỳ vọng về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, với tổng vốn đầu tư 67 tỷ USD trong giai đoạn tới sẽ là bước đột phá, không chỉ rút ngắn khoảng cách Bắc - Nam mà còn thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ dọc hành lang kinh tế, hoàn thiện hạ tầng trung hạn, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững.

Có thể thấy, đầu tư công đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc phát triển hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư tư nhân. Theo nghiên cứu, khi giải ngân đầu tư công tăng thêm 1%, tăng trưởng GDP sẽ tăng thêm 0,058%; đồng thời, giải ngân 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước.

Tuy nhiên, để tối ưu hóa tác động này, cần đảm bảo rằng các dự án đầu tư công được triển khai hiệu quả, tránh tình trạng đầu tư dàn trải và đảm bảo tiến độ thực hiện. Việc nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng quốc gia.

Những thách thức liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công cũng nhiều lần được các chuyên gia đề cập như về tiến độ, mặc dù có nguồn vốn lớn, việc giải ngân vốn đầu tư công trong những năm trước đây thường chậm, chưa đạt kỳ vọng.

Bên cạnh đó là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, thiếu nguồn vật liệu xây dựng và chi phí tăng cao, ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả dự án. Đặc biệt, hiệu quả sử dụng vốn vẫn là vấn đề cần quan tâm. Cần đảm bảo rằng các dự án được lựa chọn và triển khai mang lại giá trị kinh tế - xã hội cao, tránh lãng phí nguồn lực.

Giải quyết thách thức

Để tháo gỡ dần khó khăn, nhất là các bất cập liên quan đến quy trình, thủ tục, PHS cho rằng việc tinh gọn bộ máy Chính phủ sẽ giúp các quy trình được đơn giản hoá, nguồn lực được huy động nhanh chóng hơn. Đáng chú ý, đột phá thể chế sẽ thúc đẩy niềm tin của người dân, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài khi đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Ảnh màn hình 2025-02-06 lúc 19.48.14
Đầu tư công đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh (Ảnh minh hoạ)

“Chính phủ đang cho thấy những quyết tâm cao nhất của mình trong việc đẩy mạnh đầu tư công, đưa đầu tư công trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế trong những năm tới, lan tỏa tác động đến các các ngành công nghiệp phụ trợ, xây dựng và dịch vụ, tăng năng suất lao động và cải thiện chất lượng sống, tạo đà phát triển bền vững. Bức tranh ngân sách nhà nước và nợ công của Việt Nam hiện đang rất tích cực, yếu tố này sẽ tạo dư địa cho các cam kết đầu tư công của Chính phủ trong năm 2025 và những năm tới”, chuyên gia tại PHS phân tích.

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh đến việc quản lý và triển khai các chương trình, dự án đầu tư công ngay từ đầu năm 2025 với một số điểm quan trọng cần được làm rõ.

Thứ nhất, lập kế hoạch chi tiết và phân bổ vốn đầu tư hợp lý, trong đó xác định danh mục dự án ưu tiên, có tiêu chí đánh giá mức độ ưu tiên bao gồm tính cấp thiết, hiệu quả kinh tế, tác động xã hội, khả năng hoàn thành đúng hạn.

Sau đó phân bổ ngân sách theo từng giai đoạn, tránh tình trạng thiếu hụt vốn giữa chừng hoặc sử dụng vốn không hiệu quả; đảm bảo dòng tiền ổn định cho từng hạng mục quan trọng; và cân nhắc linh hoạt điều chỉnh ngân sách khi cần thiết.

Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị dự án, chuẩn hóa hồ sơ thiết kế và dự toán; Áp dụng công nghệ và phần mềm quản lý dự án để tăng độ chính xác; Thẩm định kỹ lưỡng, tránh tình trạng điều chỉnh, phát sinh chi phí không cần thiết.

Đặc biệt, tăng cường tính minh bạch và kiểm soát ngay từ đầu thông qua việc xây dựng quy trình thẩm định khoa học, tránh tình trạng “rải vốn” hoặc đầu tư dàn trải, công khai thông tin dự án để người dân và cơ quan giám sát có thể theo dõi.

Thứ ba, rà soát vốn đầu tư và đảm bảo tính thực tiễn như kiểm tra tính khả thi của dự án dựa trên dữ liệu thực tế, không dựa vào dự báo mơ hồ, đánh giá năng lực của đơn vị thực hiện dự án để đảm bảo tiến độ.

Có thể ứng dụng công nghệ trong quản lý đầu tư công, sử dụng AI và phân tích dữ liệu lớn để tối ưu hóa nguồn vốn, theo dõi tiến độ bằng phần mềm quản lý dự án, cảnh báo sớm các rủi ro.

Thứ tư, nâng cao vai trò của các bộ, ngành và địa phương, phân quyền và phối hợp hiệu quả. Trong đó, các bộ, ngành phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát tiến độ, về phía địa phương thì chủ động đề xuất các giải pháp để đẩy nhanh quá trình thực hiện dự án. Xây dựng quy chế thưởng - phạt trong quá trình triển khai dự án, đồng thời tạo điều kiện cho các đơn vị thi công có uy tín tham gia.

Thứ năm là tăng cường trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu dự án, xây dựng cơ chế giám sát độc lập để tránh tiêu cực, tham nhũng, học tập mô hình thành công từ các quốc gia khác.

Năm 2025, đầu tư công của Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Việc tận dụng hiệu quả nguồn vốn, cùng với sự cải thiện trong quản lý và triển khai dự án, sẽ quyết định mức độ đóng góp của đầu tư công vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Diễm Ngọc