Doanh nghiệp

Tín hiệu khả quan từ thu hút FDI

Hạnh Lê 07/02/2025 02:35

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm 2025 đạt 4,33 tỷ USD; tăng 48,6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, trong tháng đầu tiên của năm 2025, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 4,33 tỷ USD.

Y
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu các dự án đầu tư được cấp phép mới

Trong đó, có 282 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 1,29 tỷ USD (giảm 6,6% về số dự án và giảm 43,6% lần về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới có số vốn đăng ký đạt 869,7 triệu USD, chiếm 67,6% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp đến là hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 248,5 triệu USD, chiếm 19,3%; các ngành còn lại đạt 168,7 triệu USD, chiếm 13,1%.

Bên cạnh đó, vốn đăng ký điều chỉnh có 137 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 2,73 tỷ USD, gấp 6,1 lần so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài diễn ra sôi động. Có 260 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 322,9 triệu USD, tăng 70,4% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đạt 136,8 triệu USD, chiếm 42,4% giá trị góp vốn; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 132,9 triệu USD, chiếm 41,1% và ngành còn lại 53,2 triệu USD, chiếm 16,5%.

Về vốn thực hiện trong tháng 1 ước đạt 1,51 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 1,26 tỷ USD, chiếm 83,2% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 72,6 triệu USD, chiếm 4,8%; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 72,5 triệu USD, chiếm 4,7%.

Thu hút vốn FDI từ tháng đầu tiên của năm cho thấy nhiều tín hiệu khởi sắc. Trong đó hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực đang được Việt Nam khuyến khích đầu tư như khoa học công nghệ, chuyên môn, các ngành công nghệ cao…

Các hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm, góp vốn mua cổ phần (ảnh minh hoạ)
Các hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm, góp vốn mua cổ phần (ảnh minh hoạ)

Dự báo trong năm 2025, thu hút vốn FDI vào các ngành nghề, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ hiện đại tiếp tục nhận được nhiều tín hiệu khả quan, nhất là sau khi nhiều cải cách chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp nói chung, bao gồm cả doanh nghiệp FDI được ban hành như Quỹ Hỗ trợ đầu tư, “luồng xanh” đầu tư…

Trước đó, nhận định về tình hình thu hút vốn FDI năm 2025, GS.TS Hoàng Văn Cường - Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết, thu hút FDI được dự báo vẫn khả quan nhờ sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào nội lực kinh tế Việt Nam. Đồng thời, xu hướng đầu tư thay đổi từ việc tập trung vào lao động giá rẻ sang các ngành nghề, lĩnh vực liên quan khoa học - công nghệ và công nghệ cao.

Ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam đồng quan điểm khi đánh giá, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế và điều này đưa Việt Nam trở thành điểm đến của dòng vốn FDI. Đây là cơ hội quan trọng cho Việt Nam trong thu hút FDI, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, kinh tế số.

Trong giai đoạn dài hơn, từ năm 2025-2030, qua khảo sát của mình Bain & Company đánh giá, hoạt động đầu tư vào Việt Nam được dự báo tăng hơn 80%. Nhận định này được đưa ra từ những điều kiện thuận lợi trong nước.

Cụ thể, Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) tạo khả năng kết nối đến hơn 60 thị trường trên toàn cầu với ưu đãi thuế quan cho các doanh nghiệp hướng xuất khẩu và mở rộng cơ hội kết nối đến mạng lưới các nhà cung ứng cho nhà đầu tư nước ngoài. Môi trường kinh doanh ngày càng cải thiện theo hướng thuận lợi hơn.

Để tận dụng cơ hội, theo ông Shantanu ChakrabortyViệt Nam cần tiếp tục giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong lĩnh vực công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo.

Hạnh Lê