Điều hành giá năm 2025 - Bài toán thận trọng và linh hoạt
Cuộc họp điều hành giá mới đây thu hút sự quan tâm đáng kể của dư luận, đặc biệt trong bối cảnh giá cả nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ có xu hướng tăng cao ngay sau Tết Nguyên đán.
Cân đối nguồn lực, kiểm soát giá cả
Trình bày báo cáo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận đã nêu chi tiết kết quả công tác quản lý, điều hành giá năm 2024, đồng thời đưa ra dự báo và kiến nghị cho năm 2025.
Theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ban hành ngày 8/1/2025, Chính phủ đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, đồng thời giữ vững ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 được giao ở mức tối thiểu 8%, thậm chí có thể đạt hai con số nếu điều kiện thuận lợi.
![lamphat.jpg](https://dddn.1cdn.vn/2025/02/07/lamphat.jpg)
Đây là một mục tiêu đầy tham vọng, cao hơn mức 6,5-7% do Quốc hội đề ra. Đồng thời, Chính phủ đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 4,5%.
Nhằm kiểm soát lạm phát mà vẫn thúc đẩy tăng trưởng, Bộ Tài chính nhấn mạnh việc triển khai các giải pháp linh hoạt và kịp thời.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với các dịch vụ công và hàng hóa do Nhà nước quản lý, nhưng với mức độ và liều lượng phù hợp với diễn biến chỉ số giá tiêu dùng. Điều này không chỉ giúp tránh cú sốc giá mà còn tạo điều kiện để thị trường vận hành theo cơ chế cạnh tranh hơn.
Các kịch bản dự báo lạm phát
Bộ Tài chính đưa ra các kịch bản dự báo lạm phát, trong đó CPI bình quân năm 2025 có thể dao động từ 3,83% đến 4,5% so với năm trước.
Áp lực lên giá cả là hiện hữu, đòi hỏi chính sách kiểm soát lạm phát phải vừa thận trọng vừa linh hoạt. Những rủi ro tiềm ẩn không chỉ đến từ các yếu tố bên ngoài như biến động giá nhiên liệu, lương thực toàn cầu mà còn từ chính nội tại nền kinh tế.
Việc điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý theo lộ trình thị trường là cần thiết để giảm méo mó giá cả, nhưng cũng đặt ra thách thức trong kiểm soát lạm phát.
Mặt khác, các dịp cao điểm tiêu dùng như Tết Nguyên đán hay mùa du lịch có thể tạo thêm áp lực lên mặt bằng giá, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong bình ổn thị trường.
Bộ Tài chính đã nhấn mạnh các giải pháp trọng tâm như kiểm soát giá dịch vụ công, điều tiết giá xăng dầu, điện, giám sát giá vật liệu xây dựng, lương thực, thực phẩm – những yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, điều hành giá không thể chỉ dựa vào biện pháp hành chính mà cần có sự điều tiết bằng công cụ thị trường, đảm bảo cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.
Tăng trưởng mạnh nhưng phải kiểm soát lạm phát
Chỉ đạo của Chính phủ về điều hành giá không chỉ nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô mà còn hướng đến mục tiêu dài hạn hơn: xây dựng một cơ chế giá cả vận hành theo nguyên tắc thị trường nhưng vẫn đảm bảo an sinh xã hội.
Nếu không có sự chủ động trong điều hành, nguy cơ mất cân đối giữa kiểm soát giá và duy trì đà phục hồi kinh tế có thể xảy ra. Do đó, sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành và địa phương đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ sức mua của người dân và tạo môi trường kinh doanh ổn định.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng GDP tối thiểu 8%, đồng thời yêu cầu kiểm soát chặt chẽ lạm phát. Đây là một nhiệm vụ không đơn giản khi lượng tiền đổ vào nền kinh tế năm 2025 dự kiến sẽ lớn hơn nhiều so với năm 2024, tạo áp lực đáng kể lên CPI.
Bộ Tài chính đề xuất ba kịch bản lạm phát, trong đó phương án CPI tăng 4,15% được xem là hợp lý nhằm cân bằng giữa tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Để đạt được mục tiêu này, các bộ, ngành cần phối hợp đồng bộ, triển khai biện pháp điều hành giá linh hoạt theo từng quý, tránh điều chỉnh giá đột ngột gây ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp và người dân.
Một điểm quan trọng trong chỉ đạo của Phó Thủ tướng là yêu cầu thực hiện nghiêm túc Luật Giá, đảm bảo niêm yết giá và bán hàng đúng giá niêm yết. Những hành vi nâng giá vô tội vạ, thao túng thị trường cần bị xử lý nghiêm. Các trường hợp như tô phở một triệu đồng hay doanh nghiệp bị tước giấy phép do vi phạm giá cả cho thấy sự cần thiết của một cơ chế kiểm soát minh bạch, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, nhằm tránh nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt với các mặt hàng chiến lược như xăng dầu, điện. Chính sách tiền tệ và tài khóa cũng cần được điều phối hợp lý để hỗ trợ tăng trưởng mà không gây áp lực quá lớn lên lạm phát.
Điều hành giá năm 2025 là một bài toán khó khi nền kinh tế vừa cần động lực phát triển, vừa phải giữ được sự ổn định. Việc thực hiện nghiêm túc các giải pháp từ kiểm soát giá cả, đảm bảo minh bạch đến quản lý nguồn cung và chính sách tiền tệ sẽ là yếu tố then chốt giúp đạt mục tiêu tăng trưởng cao mà vẫn giữ vững môi trường kinh tế ổn định, bền vững.