Chính trị

Hoàn thiện hành lang pháp lý hiện thực hóa tinh gọn bộ máy

Gia Nguyễn 08/02/2025 04:20

Sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đang được các cấp, các ngành tập trung triển khai một cách quyết liệt, nhằm hướng tới mục tiêu đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tuy nhiên, để công tác này sớm đi vào thực tiễn, một trong những điều kiện đặc biệt quan trọng đó là việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

luat CP
Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) ngày 22/1/2025.

Theo dự kiến, từ ngày 12 đến ngày 18/2 tới đây, Quốc hội sẽ tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 9, nội dung của Kỳ họp này được cho sẽ tập trung xem xét, cho ý kiến vào Dự án Luật, Dự thảo Nghị quyết ban hành ngay phục vụ cho việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Đòi hỏi từ thực tiễn

Theo báo cáo sơ bộ của Bộ Tư pháp, dự kiến có khoảng 4.922 văn bản chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy, trong đó có 167 Luật, 9 Nghị quyết của Quốc hội; 10 Pháp lệnh, 2 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 829 Nghị định, 271 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 1 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; 3.642 văn bản cấp bộ.

Trước đó, chia sẻ tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Nguyễn Hải Ninh cũng cho biết, sau khi hợp nhất các bộ, ngành trung ương với những lĩnh vực quản lý đa ngành, nếu không phân cấp, phân quyền thì “chắc chắn không có bộ trưởng nào có thể bao quát được tất cả lĩnh vực đa ngành”…

Bởi vậy, thời gian tới Bộ Tư pháp sẽ tham mưu với Chính phủ, Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 2 tới (kỳ họp bất thường) phải sửa đổi những luật bắt buộc phải sửa ngay để có thể vận hành thông suốt bộ máy. Cụ thể, dự kiến sẽ phải sửa Luật Tổ chức Quốc hội và dựa vào kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phân cấp, phân quyền mới có thể sửa Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Thực tế, theo Chương trình phiên họp thứ 42 đang diễn ra (từ ngày 5/2 đến ngày 7/2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến sửa đổi một số Luật phục vụ yêu cầu tinh gọn tổ chức bộ máy.

Trong đó, các nội dung được đặt lên bàn nghị sự gồm có Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và 2 Dự thảo: Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và 3 Dự thảo: Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, về số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cụ thể của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội…

Gấp rút sửa luật phục vụ tinh gọn bộ máy

Liên quan đến Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Phạm Thị Thanh Trà cho biết, mục tiêu xây dựng Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) nhằm sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ; nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thúc đẩy Chính phủ kiến tạo phát triển, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nội dung cơ bản của Dự thảo Luật gồm: Hoàn thiện các quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong mối quan hệ với các cơ quan Nhà nước ở Trung ương (Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam); Hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và mối quan hệ giữa các cơ quan của Chính phủ; Hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong mối quan hệ với chính quyền địa phương…

Còn với Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng nêu rõ, việc sửa đổi Luật này nhằm quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, nhất là xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại.

Trong đó, Dự thảo Luật có các quy định rõ về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp; Về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp; Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương; Về cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐND, UBND các cấp; Tổ chức đơn vị hành chính, thành lập, giải thể, nhập chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính...

Cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện

Đánh giá cao những nội dung, chính sách được đề xuất từ phía cơ quan soạn thảo nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ công tác hiện thực hóa chủ trương tinh gọn bộ máy. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần được tiếp tục rà soát, hoàn thiện.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - Hoàng Thanh Tùng, do Luật Tổ chức Chính phủ được sửa đổi đồng thời với nhiều luật có liên quan như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân... vì vậy, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, đối chiếu để bảo đảm đồng bộ về chính sách và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đối với một số vấn đề lớn của Dự án Luật như: Nguyên tắc phân định thẩm quyền; về phân cấp; Về điều khoản chuyển tiếp; về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ;... Trong đó, về phân cấp, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định về “phân cấp”, “ủy quyền” tại Dự thảo Luật, đồng thời, làm rõ chủ thể được phân cấp, cơ chế chịu trách nhiệm của cơ quan được phân cấp để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của Dự thảo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi); đề nghị làm rõ về việc cơ quan nhận phân cấp có thể phân cấp tiếp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan Nhà nước cấp dưới hay không?;...

Liên quan đến Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), theo ông Hoàng Thanh Tùng, về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc điều chỉnh tổ chức mô hình chính quyền địa phương, cấp chính quyền địa phương ở từng loại đơn vị hành chính phù hợp với địa bàn đô thị, nông thôn, miền núi, hải đảo...

Gia Nguyễn