Phương án thu hút đầu tư mới của Quảng Nam có gì đặc biệt?
Quảng Nam xác định thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, lấy hiệu quả và công nghệ sử dụng làm thước đo.
Điểm nhấn quan trọng của Quảng Nam trong Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2025 tập trung vào đổi mới hoạt động thu hút đầu tư theo hướng chuyên nghiệp - thiết thực - hiệu quả. Cụ thể, Quảng Nam sẽ chuyển trọng điểm thực hiện thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài từ số lượng sang chất lượng, có giá trị gia tăng cao, lấy hiệu quả và công nghệ sử dụng làm thước đo chủ yếu.
Theo Quyết định do ông Phan Thái Bình – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam ký thể hiện rõ, địa phương sẽ nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ với việc tăng cường các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025. Trong đó, hoạt động xúc tiến đầu tư phải phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của Trung ương, trên cơ sở khai thác, phát huy lợi thế tiềm năng của tỉnh, đồng thời phải có tác động thiết thực đến thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực vào các lĩnh vực, địa bàn, phải có tính khả thi về nội dung, phương thức, thời gian, địa điểm, kinh phí.
“Bên cạnh đó, tăng cường công tác dự báo tình hình phát triển kinh tế thế giới và khu vực để có kế hoạch xúc tiến đầu tư phù hợp; khai thác có hiệu quả các cơ hội từ làn sóng đầu tư tái cấu trúc các chuỗi cung ứng, giá trị toàn cầu và đặc biệt của khu vực châu Á”, Quyết định do ông Phan Thái Bình ký.
Theo quy hoạch, vùng Đông Quảng Nam sẽ là vùng động lực của tỉnh với các ngành thương mại, dịch vụ, công nghiệp, du lịch, nông nghiệp, tập trung các đô thị lớn. Còn lại, vùng Tây là vùng bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên, phát triển nông, lâm nghiệp, dược liệu, thủy điện, khoáng sản.
Với cụm động lực Điện Bàn - Hội An - Đại Lộc, Quảng Nam xác định đây là cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh, kết nối với thành phố Đà Nẵng, hình thành chuỗi đô thị, hành lang du lịch ven sông, ven biển. Cụm động lực Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh sẽ liên kết với tỉnh Quảng Ngãi phát triển công nghiệp, dịch vụ logistic cảng biển, hàng không, thương mại, du lịch biển, y tế, giáo dục - đào tạo, đô thị thông minh, trở thành cực tăng trưởng kinh tế trọng điểm của địa phương.
Quảng Nam cũng sẽ tập trung các không gian công nghiệp sinh thái, công nghiệp công nghệ cao, du lịch xanh và chuỗi đô thị sông, biển gắn với cảng biển và Cảng hàng không Chu Lai tại hành lang phát triển từ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến ven biển. Đối với hành lang dọc đường Đông Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh sẽ tập trung công nghiệp thuỷ điện, khai thác, chế biến khoáng sản, nông, lâm nghiệp; bảo tồn, phát huy văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số; là cửa ngõ giao thương với các tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Thừa Thiên Huế.
Còn lại, hành lang dọc quốc lộ 14B và quốc lộ 14E nối lên quốc lộ 14D đến Cửa khẩu quốc tế Nam Giang sẽ là trục giao lưu với vùng Tây Nguyên và Nam Lào - Bắc Campuchia.
Để làm được việc này, Quảng Nam sẽ thu hút, xúc tiến các ngành, lĩnh vực Quảng có ưu thế, phù hợp với định hướng và chiến lược phát triển kinh tế xanh, bền vững. Đồng thời, sẽ tăng cường gắn kết với các địa phương lân cận vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, với các địa phương trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ,... đạt được lợi ích lớn từ việc hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển mạnh mẽ quan hệ đối tác và các thỏa thuận thương mại tự do, bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Tỉnh Quảng Nam xác định: “Đa dạng hóa đối tác, hình thức đầu tư, ưu tiên các dự án đầu tư nước ngoài có liên kết với khu vực kinh tế trong nước, phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Đối với những địa bàn, khu vực nhạy cảm, liên quan đến quốc phòng, an ninh, khu vực biên giới, vùng biển, hải đảo, việc thu hút FDI cần bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia đặt lên hàng đầu”.
Cũng tại quyết định do ông Phan Thái Bình ký, Quảng Nam sẽ tập trung thu hút đầu tư vào Khu Kinh tế mở Chu Lai và Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang nhằm khai thác tiềm năng và thế mạnh của Hành lang Kinh tế Đông Tây. Song song là kết hợp hoạt động xúc tiến đầu tư với các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch và các chương trình tuyên truyền đối ngoại nhằm tận dụng hiệu quả các nguồn lực, thời cơ để quảng bá, xúc tiến đầu tư. Coi trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, các dự án đã được cấp phép đầu tư để các dự án này triển khai một cách thuận lợi.
Để nhà đầu tư yên tâm hoạt động, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam sẽ trực tiếp làm việc với nhà đầu tư để xác định các danh mục dự án mở rộng sản xuất kinh doanh phù hợp với năng lực của nhà đầu tư và tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Đặc biệt, chú trọng các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của nhà đầu tư. Tích cực hỗ trợ các dự án, nhất là các dự án trọng điểm có quy mô lớn, mang tính động lực để tạo sức lan tỏa cho các dự án khác cùng phát triển.
Về phương án cụ thể, Quảng Nam sẽ thu hút các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức cao, theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, chuyên môn hóa, tự động hóa cao, tăng nhanh tỉ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo và trở thành trụ cột chính trong nền kinh tế. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, sản phẩm cơ khí, điện, điện tử, hình thành trung tâm cơ khí đa dụng và ô tô quốc gia, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ gắn với dịch vụ hậu cần, logistic cảng biển, sân bay, đường sắt,...
Trong đó, hình thành trung tâm chế biến dược liệu quốc gia, trung tâm công nghệ silica của khu vực miền Trung, trung tâm điện khí miền Trung gắn với các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng và sản phẩm sau khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai. Phát triển ngành công nghiệp công nghệ số, công nghệ thông tin có khả năng dẫn dắt làm chủ công nghệ, giải pháp phần mềm phục vụ kinh tế số, chính quyền số, đô thị thông minh.
Bên cạnh đó, thu hút các khu công nghiệp mới, khu công nghiệp công nghệ cao gắn với hành lang các tuyến cao tốc, quốc lộ trên địa bàn tỉnh và các tuyến tỉnh lộ thuận lợi. Đặc biệt, các ngành khai thác, chế biến khoáng sản phải đổi mới công nghệ, chế biến sâu, không làm tổn hại môi trường, tiết kiệm tài nguyên.
Đối với lĩnh vực du lịch, dịch vụ và thương mại sẽ phát triển các khu du lịch dựa trên không gian di sản văn hóa - lịch sử và loại hình du lịch nghiên cứu văn hóa kết hợp trải nghiệm; không gian tự nhiên sông, biển với loại hình hội thảo, hội nghị, vui chơi giải trí và các khu nghỉ dưỡng, sân gôn cao cấp,... Cùng với đó là phát triển mạnh dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe gắn với du lịch nghỉ dưỡng
Đối với lĩnh vực đô thị, Quảng Nam sẽ ưu tiên tập trung thu hút các dự án đầu tư phát triển bất động sản, đô thị, nhà ở quy mô lớn, phát triển các khu đô thị đồng bộ, hiện đại, tiêu chí xanh theo hướng đô thị thông minh, sinh thái, đô thị đại học gắn kết với phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, trung tâm công nghiệp của tỉnh. Với lĩnh vực nông nghiệp, địa phương tập trung thu hút các dự án phát triển theo hướng nông nghiệp hữu cơ, liên kết chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ bền vững gắn với mô hình sinh thái, đặc hữu thích ứng biến đổi khí hậu,...
Được biệt, năm 2024 tỉnh Quảng Nam đã cấp mới 10 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 134,85 triệu USD, nâng tổng dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh lên 201 dự án với tổng vốn đăng ký 6,36 tỷ USD. Lãnh đạo địa phương, trong đó người đứng đầu UBND tỉnh Quảng Nam là ông Lê Văn Dũng đã cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, tháo gỡ khó khăn, xây dựng môi trường đầu tư tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển.
“Để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo và văn bản hướng dẫn hỗ trợ, tháo gỡ cụ thể đối với từng dự án, từng chủ đầu tư trong thời gian qua. UBND tỉnh cam kết sẽ tiếp tục có trách nhiệm đồng hành cùng với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (trong đó có các doanh nghiệp FDI), tập trung giải quyết thủ tục hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp đặt thêm những thủ tục hành chính mà pháp luật không quy định, trường hợp sách nhiễu gây khó khăn cho doanh nghiệp nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch”, ông Lê Văn Dũng khẳng định.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng lưu ý việc đầu tư phát triển kinh tế của doanh nghiệp FDI phải đảm bảo môi trường sinh thái cho người lao động và người dân trong vùng dự án. Đồng thời, phát triển kinh tế của doanh nghiệp FDI phải gắn với việc chăm lo cho đời sống cho người lao động, người dân trong vùng dự án để tạo môi trường làm việc hài hòa, thân thiện giữa doanh nghiệp, người lao động và địa phuơng; phấn đấu thực hiện theo phương châm “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ”.