Ông Trump "khuấy đảo" kinh tế thế giới, niềm tin trong nước bi quan
Bỏ lại những lạc quan về nước Mỹ vĩ đại trở lại, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đang có xu hướng giảm rõ rệt.
![Tổng thống đắc cử Donald Trump nhiều lần đe dọa áp thuế lên cả những đồng minh như Đức (Ảnh: NBC)](https://dddn.1cdn.vn/2025/01/02/trump.jpg)
Nỗi lo lạm phát trở lại
Theo khảo sát sơ bộ tháng 2 của Đại học Michigan, chỉ số niềm tin tiêu dùng ở Mỹ đã giảm khoảng 5% so với tháng trước, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2024. Đáng chú ý, kỳ vọng lạm phát trong năm tới đã nhảy vọt từ 3,3% (tháng 1) lên mức 4,3%, đánh dấu tháng thứ hai liên tiếp có mức tăng lớn và cũng là mức cao nhất kể từ tháng 11/2023.
Bà Joanne Hsu, người phụ trách cuộc khảo sát, nhận định: “Rất hiếm khi thấy mức tăng trọn vẹn một điểm phần trăm trong kỳ vọng lạm phát.”
Không chỉ cử tri Đảng Dân chủ hay những người độc lập mới đánh giá tình hình kinh tế xấu đi, mà kể cả những người ủng hộ Đảng Cộng hòa cũng đang dần bi quan hơn. Chỉ số niềm tin tiêu dùng của Morning Consult cũng ghi nhận xu hướng đi xuống từ ngày 25/1 đến ngày 3/2/2025, chủ yếu do lo ngại về viễn cảnh kinh tế tương lai của đất nước.
Lo ngại thuế quan, biến động thị trường chứng khoán và một loạt sắc lệnh hành pháp gây tranh cãi khiến nhiều nhà kinh tế hay giới đầu tư trong nước băn khoăn về tương lai. Mặc dù ông Trump đã tạm hoãn việc áp thuế lên hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico, người dân Mỹ vẫn có cảm giác bất an về tác động tiềm tàng của những rào cản thương mại này.
Nói với WSJ, Sanjay Dayal, một nhà sáng lập công ty sạc xe điện, đã bắt đầu rút vốn khỏi các công ty riêng lẻ, thay vào đó chuyển sang đầu tư vào vàng và bất động sản, vốn được xem là những kênh trú ẩn tương đối an toàn khi kinh tế bấp bênh.
Ông Donald Trump từng giành chiến thắng phần lớn nhờ cam kết cải thiện nền kinh tế và giảm lạm phát. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng kế hoạch áp thuế cao của chính quyền mới nhiều khả năng sẽ phản tác dụng. Chính Tổng thống Mỹ cũng từng thừa nhận thuế quan có thể gây áp lực lên giá cả trong ngắn hạn, nhưng ông khẳng định đây là giải pháp cuối cùng để mang lại nhiều việc làm hơn cũng như bảo vệ nền kinh tế Mỹ về lâu dài.
Theo Đại học Michigan, nỗi sợ lạm phát bắt đầu gia tăng rõ rệt sau cuộc họp báo ngày 16/12, khi ông Trump đe dọa áp thuế 10% đối với Trung Quốc và 25% với Mexico và Canada. Tiếp đó, tình hình nóng hơn vào ngày 21/1, lúc Tổng thống tuyên bố sẽ thực thi những cam kết này vào đầu tháng.
Một khảo sát được thực hiện từ giữa tháng 12/2025 đến đầu tháng 1/2025 cho thấy người Mỹ tin rằng họ sẽ phải “gánh” gần một nửa chi phí của mức thuế giả định 20%. Nhà kinh tế Michael Weber, Đại học Chicago, một trong những người thực hiện khảo sát, nói: “Ý tưởng rằng ‘người nước ngoài trả thuế quan của chúng ta’ không được dữ liệu này ủng hộ.”
Đáng chú ý, cử tri Đảng Cộng hòa ước tính người tiêu dùng sẽ chịu 41% chi phí thuế, trong khi cử tri Dân chủ tin rằng con số này là 68%. Sự khác biệt trong nhận thức này phần nào giải thích thái độ phân cực trước chính sách của ông Trump. Trong khi đó, khảo sát hàng tuần của Hiệp hội các Nhà đầu tư Cá nhân Mỹ cho thấy kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ giảm trong 6 tháng tới đã tăng lên 42,9% - mức cao nhất kể từ tháng 11/2023 và cao hơn nhiều so với mức trung bình lịch sử.
![Dự báo lạm phát Mỹ](https://dddn.1cdn.vn/2025/02/08/du-bao-lam-phat-my.png)
Không khí hoang mang bao trùm
Không chỉ tác động đến niềm tin tiêu dùng và thị trường trong nước, Tổng thống Trump đang tạo nên những chuyển biến dữ dội trên phạm vi toàn cầu, từ chính trị, y tế, giáo dục, chuỗi cung ứng và thậm chí cả cấu trúc ngoại giao.
Tất cả đều bị bất ngờ với phạm vi và tốc độ của những nỗ lực nhằm thu nhỏ quy mô chính phủ, gia tăng áp lực lên các đồng minh và tái định hướng nền kinh tế toàn cầu của chính quyền Trump.
Nhiều người dân Mỹ ủng hộ ông Trump vì tin rằng ông đang thực thi đúng cam kết cắt giảm chi tiêu “lãng phí” và chống lại cái mà họ gọi là “nhà nước ngầm”. Tuy nhiên, tác động cụ thể đến đời sống và sản xuất lại là vấn đề nổi cộm khi sự va chạm giữa các lệnh hành pháp và tòa án đang gây không khí bất ổn tại Mỹ.
Tại nhiều bang ở Mỹ, lệnh đóng băng quỹ liên bang buộc nhiều chương trình công cộng như y tế, giáo dục bị gián đoạn, đóng cửa tạm thời hoặc sa thải.
Với giới doanh nghiệp, niềm tin rằng chính quyền Trump sẽ giảm thuế, nới lỏng quy định và tạo môi trường kinh doanh tích cực đã thay bằng tâm lý lo lắng.
Ông Constantine Alexandrakis, Giám đốc điều hành tại công ty tư vấn lãnh đạo Russell Reynolds Associates, cho biết nhiều giám đốc điều hành từ các ngành khác nhau đang đặt câu hỏi: “Chính quyền này đang giải quyết vấn đề hay làm phức tạp hóa? Đó vẫn là ẩn số.”
Ngay cả các nhà lập pháp Cộng hòa cũng cảm nhận được sức ép từ cử tri. Một hạ nghị sĩ từ khu vực Trung Tây kể lại ông nhận hàng loạt cuộc gọi lo ngại từ chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực khí đốt và ô tô về việc thuế quan với Canada có thể gây tổn thương công việc kinh doanh. Họ cũng bức xúc trước vai trò của Elon Musk, người đang can thiệp sâu vào nhân sự và tài trợ liên bang.
Chính sách thuế quan và thay đổi định hướng năng lượng của chính quyền mới đã ngay lập tức ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp. Stanley Black & Decker, nhà sản xuất dụng cụ trụ sở tại Connecticut, năm ngoái cho rằng việc chuyển sản xuất về Mỹ không khả thi vì chi phí nhân công và nguồn lao động trong nước không đủ. Nay, họ thông báo giảm sản xuất tại Trung Quốc – nơi ông Trump tăng thuế – và sẽ thay đổi chuỗi cung ứng.
Tuy thuế 25% với Canada vẫn chưa chính thức áp dụng, khả năng bùng phát chiến tranh thương mại cũng đủ khiến các công ty ở Canada gặp khó khăn. South Shore Furniture (Quebec) sa thải 115 nhân viên do lo các nhà bán lẻ Mỹ chuyển sang mua hàng từ châu Á vì sợ chi phí tăng.
Sheertex, doanh nghiệp quần tất tại Montreal, cho biết họ cũng sẽ cho 140 nhân viên nghỉ việc để chuẩn bị cho thuế quan. Tại Virginia, Capital Area Health Network phải đóng cửa 3 trong số 6 phòng khám vì không tiếp cận được khoản tài trợ liên bang đã được phê duyệt.