Phân tích - Bình luận

Trung Quốc sẽ "lấp đầy" khoảng trống của Mỹ ở Thái Bình Dương?

Cẩm Anh 09/02/2025 11:08

Các nhà phân tích cho biết, Trung Quốc có thể tăng cường tham gia vào khu vực Thái Bình Dương nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của các quốc gia.

anhqt1.jpg
Cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden chụp ảnh với các nhà lãnh đạo các quốc gia khác tại Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương tại Nhà Trắng vào tháng 9/2023. Ảnh: dpa

Trung Quốc được kỳ vọng sẽ lấp đầy khoảng trống mà Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump để lại sau khi dừng viện trợ nước ngoài cho khu vực Thái Bình Dương, với việc Bắc Kinh sẽ gia tăng ảnh hưởng của mình trong các dự án thích ứng với khí hậu và kinh tế nói riêng.

Ông Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp vào ngày đầu tiên nhậm chức, tạm dừng tài trợ từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trong 90 ngày, đình chỉ hơn 60 tỷ USD trong các chương trình dành cho những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.

Vào thứ Ba vừa qua, chính quyền Mỹ đã cho các nhân viên được thuê trực tiếp của USAID - ngoại trừ những người được coi là thiết yếu - nghỉ phép trên toàn thế giới, đảo ngược sứ mệnh kéo dài sáu thập kỷ của cơ quan viện trợ này ở nước ngoài.

Tại Thái Bình Dương – một trong những khu vực phụ thuộc nhiều nhất vào viện trợ trên thế giới – các chương trình hỗ trợ từ quản trị đến trao quyền kinh tế cho phụ nữ có khả năng bị ảnh hưởng, đồng thời cho biết thêm rằng một số đối tác của USAID trong khu vực đang cố gắng đánh giá tác động tiềm tàng của lệnh đóng băng đối với các chương trình của họ.

Hideyuki Shiozawa, Giám đốc bộ phận các quốc đảo tại Quỹ Hòa bình Sasakawa ở Nhật Bản, cho biết với khoảng cách tài trợ hiện tại, Trung Quốc có thể tăng cường sự tham gia của mình vào khu vực này thông qua các dự án kinh tế và các dự án liên quan đến biến đổi khí hậu, bao gồm năng lượng tái tạo. “Tuy nhiên, điều này không đúng khi nói đến an ninh. Nếu Bắc Kinh lấp đầy khoảng trống và củng cố vị thế an ninh của mình ở Thái Bình Dương theo cách gây bất lợi cho Mỹ, Washington có thể sẽ hành động”, ông Shiozawa cho biết, đồng thời chỉ ra rằng đã có sự đồng thuận về Trung Quốc tại lưỡng đảng Hoa Kỳ.

Đảng Dân chủ thường ưu tiên các vấn đề về môi trường và phúc lợi xã hội trong quan hệ của Mỹ với các nước thuộc khu vực Thái Bình Dương, trong khi đảng Cộng hòa chủ yếu tập trung vào an ninh.

anhqt2.jpg
Lực lượng cứu hộ tại hiện trường một tòa nhà bị sập sau trận động đất mạnh tấn công Port Vila, thủ đô của Vanuatu, vào ngày 17/12/2024. Ảnh: AFP

Trong khi đó, Solstice Middleby, nghiên cứu sinh tiến sĩ về chủ nghĩa khu vực Thái Bình Dương tại Đại học Adelaide, cho biết rằng mặc dù Mỹ đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden, khu vực này từ lâu đã hiểu rằng những lời hứa này hiếm khi được giữ đúng.

"Các chương trình viện trợ đến rồi đi, nguồn tài trợ được phân bổ lại để phù hợp với các chu kỳ chính trị và các ưu tiên dài hạn của khu vực vẫn là thứ yếu so với các chương trình nghị sự trong nước. Điều này sẽ được cảm nhận sâu sắc, nhưng đây không phải là lần đầu tiên và cũng sẽ không phải là lần cuối cùng", chuyên gia này phân tích.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tập trung vào việc mở rộng quan hệ kinh tế với các quốc gia Thái Bình Dương, đồng thời tăng cường dấu ấn ngoại giao và an ninh, đặc biệt là trong hợp tác với lực lượng thực thi pháp luật của Quần đảo Solomon.

Không giống như các nhà tài trợ phương Tây, sự tham gia của Trung Quốc vào khu vực này không thay đổi theo từng chu kỳ bầu cử, khiến nước này trở thành một đối tác chiến lược và dễ dự đoán hơn.

“Nếu Trung Quốc tiếp tục đưa ra một giải pháp thay thế cho mô hình do các nhà tài trợ phương Tây thúc đẩy, một mô hình không có các dự án, trung gian và cố vấn ngắn hạn, tôi tin rằng ảnh hưởng của họ sẽ tăng lên, cả trong khu vực và trên toàn cầu”, bà Middleby nói thêm.

Đồng quan điểm, Moses Sakai, một nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu quốc gia PNG nói với tờ This Week in Asia rằng việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận khí hậu khó có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của Washington với các quốc đảo Thái Bình Dương. Ông chỉ ra rằng Mỹ cần hiểu biến đổi khí hậu vẫn là chương trình nghị sự chính sách hàng đầu của khu vực.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, biến đổi khí hậu gây ra mối đe dọa đáng kể đối với khu vực đảo Thái Bình Dương vì nhiệt độ đại dương tăng cao góp phần làm suy thoái các rạn san hô, vốn hỗ trợ đa dạng sinh học biển và rất cần thiết cho sinh kế, dinh dưỡng và các hoạt động văn hóa của người dân địa phương.

Trong khi các quốc gia trong khu vực có khả năng sẽ tương tác nhiều hơn với Trung Quốc trong tương lai, nhưng điều này chủ yếu là để đáp ứng nhu cầu phát triển của họ và không có nghĩa là họ đang chuyển hướng khỏi quan hệ đối tác truyền thống với Mỹ.

"Cả Mỹ và Trung Quốc đều được coi là đối tác phát triển chính của các quốc đảo Thái Bình Dương", ông Sakai nói.

Cẩm Anh