Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo: Còn nhiều điểm chưa chặt chẽ
Một số ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo còn nhiều điểm chưa chặt chẽ, cần có những điều chỉnh mang tính đột phá hơn.
Theo đó, Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Dự thảo) do Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng vào năm 2024 và đang lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Mục đích xây dựng Luật nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an ninh, an toàn cho quốc gia, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực để hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đạt mục tiêu kép của quốc gia vào năm 2030 và 2045 như Đại hội XIII đã đề ra. Dự thảo được kết cấu thành 13 chương với 83 điều, tăng thêm 2 chương so với Luật Khoa học công nghệ năm 2013.
![khcn_65347db134839.jpg](https://dddn.1cdn.vn/2025/02/09/khcn_65347db134839.jpg)
Đánh giá Dự thảo còn nhiều điểm chưa chặt chẽ, GS-TS Nguyễn Kỳ Phùng, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP HCM cho rằng, Dự thảo chưa quy định cụ thể phân cấp phân quyền các tổ chức khoa học, công nghệ để tạo điều kiện cho hoạt động khoa học, công nghệ của các địa phương. Quy định về cơ chế thử nghiệm sandbox còn rất chung chung, cơ chế tự chủ tài chính về tổ chức khoa học, công nghệ vẫn chưa có quy định cụ thể, sẽ gây khó khăn cho hoạt động khoa học, công nghệ; hay chính sách thu hút chuyên gia khoa học, công nghệ đầu ngành vẫn chưa thực sự tạo ra sự thuận tiện… Dự thảo cũng chưa quy định rõ ràng về cơ chế chuyển giao, định giá các sản phẩm khoa học, công nghệ để chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm công nghệ.
Đồng quan điểm, một số ý kiến cũng cho rằng, Dự thảo chưa thể hiện rõ về cơ chế, ưu đãi đối với trường đại học được thành lập doanh nghiệp; doanh nghiệp khoa học, công nghệ trong trường đại học, đặc biệt với các sản phẩm thương mại hóa, spin-off hoặc các hợp tác doanh nghiệp cùng nghiên cứu phát triển (R&D) từ trường đại học. Vì vậy, Dự thảo cần có những điều chỉnh mang tính đột phá hơn, tập trung vào việc ưu đãi thuế mạnh mẽ và hỗ trợ tài chính linh hoạt hơn cho doanh nghiệp khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, cần đơn giản hóa thủ tục thương mại hóa kết quả nghiên cứu; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia với sự tham gia của doanh nghiệp; cải thiện chính sách nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để thu hút nhân tài.
Góp ý Dự thảo, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu, thành viên Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQG-HCM cho rằng, Dự thảo đã nhấn mạnh vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như một động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn tính cấp thiết của việc ban hành Luật, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế và sự chuyển dịch sang nền kinh tế số.
![khcn-16965020320351168023499.jpg](https://dddn.1cdn.vn/2025/02/09/khcn-16965020320351168023499.jpg)
Chẳng hạn, thực trạng tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D)/GDP chỉ khoảng 0,44% (dữ liệu 2023), thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Hàn Quốc (4,8%), Trung Quốc (2,2%) và Singapore (1,9%). Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo còn manh mún, chưa có sự kết nối hiệu quả giữa trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp.
Ngoài ra, ông Trai cũng đề xuất, Dự thảo cần có các điều khoản quy định về cơ chế đặc thù cho hai Đại học Quốc gia và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ. Theo đó, hai Đại học Quốc gia và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ là những trụ cột trong hệ sinh thái khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, do đó cần có cơ chế đặc thù để nâng cao hiệu quả hoạt động.
“Cụ thể, trao quyền tự chủ cao hơn, cho phép các tổ chức này chủ động trong tuyển dụng, tài chính và hợp tác quốc tế. Hỗ trợ xây dựng các trung tâm nghiên cứu xuất sắc, tập trung vào các lĩnh vực chiến lược như trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới, y sinh học, năng lượng tái tạo. Khuyến khích hợp tác giữa Đại học Quốc gia và doanh nghiệp, tạo cơ chế doanh nghiệp đồng tài trợ nghiên cứu để tăng cường tính ứng dụng”, chuyên gia này nhấn mạnh.