Cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào sân bay theo phương thức PPP
Thu hút tư nhân tham gia mở rộng, đầu tư mới vào lĩnh vực sân bay không chỉ giảm áp lực về tình trạng quá tải cho các sân bay hiện hữu, mà còn giảm suất đầu tư công cho Nhà nước.
Đó là chia sẻ của các chuyên gia, doanh nghiệp trước áp lực quá tải khai thác tại các sân bay hiện hữu, cũng như việc mở rộng, đầu tư mới tại các cảng hàng không trong phạm vi cả nước.
![Nhà ga T3](https://dddn.1cdn.vn/2025/02/06/nha-ga-t3.jpg)
Giảm áp lực quá tải, đầu tư công
Theo PGS TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình Xây dựng (Bộ Xây dựng), trong 10 năm trở lại đây, nhu cầu đi lại của người dân và doanh nghiệp đang có xu hướng tăng lên bao gồm cả đi lại thông thường lẫn du lịch và công việc, đặc biệt là những dịp lễ, Tết. Và đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải bao gồm cả phần hạ tầng cơ bản lẫn kế hoạch khai thác, mặc dù các cơ quan quản lý đã có kế hoạch, tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng trước đó.
Cũng theo PGS TS Trần Chủng, đơn cử, nếu phân tích theo số liệu thống kê trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 thì lượng khách đi máy bay tăng cao kỷ lục, song nạn chậm chuyến khiến hành khách vẫn phải chờ đợi vì quá tải. Ngoài các lý do khách quan, nhu cầu khách tăng cao đột ngột vào dịp lễ, Tết tạo ra áp lực lớn lên hạ tầng hàng không. Trên thực tế, những bất cập về quá tải hạ tầng tại một số sân bay đã được nhận diện rõ và đã có các giải pháp để khắc phục, trong đó, việc tập trung vào các dự án như xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất hay mở rộng nhà ga T2 Nội Bài, là giải pháp tích cực. Tuy nhiên, với hạ tầng hiện tại, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài khó tránh khỏi quá tải cục bộ một số hạ tầng dịp cao điểm, do năng lực khai thác đã vượt quá công suất thiết kế.
“Chỉ trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ (từ 24/1 – 2/2), lượng khách di chuyển bằng máy bay lên tới 2,5 triệu lượt, tăng 17,8% so với cùng kỳ. Trong đó, sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) đón khoảng 1,38 triệu hành khách, tăng 7,6%; sân bay Nội Bài (Hà Nội) đón khoảng 900.000 hành khách, tăng 12%; sân bay Đà Nẵng đón hơn 381.000 hành khách, tăng 26%.
Ngày kỷ lục 24/1 (tức 25 tháng chạp), chỉ riêng sân bay Tân Sơn Nhất đã khai thác 1.002 lượt cất hạ cánh, tăng 10% cùng kỳ, với 152.000 lượt hành khách (tăng 13% so với cùng kỳ 2024). Song đây cũng là ngày khiến hàng nghìn hành khách phải nằm chờ, ngồi vạ vật tại Tân Sơn Nhất vì nhiều chuyến bay delay tới 3 - 4 tiếng. Rõ ràng những nguyên nhân này xuất phát từ bất cập về sự quá tải hạ tầng sân bay lẫn slot bay và kế hoạch khai thác. Do đó, việc thu hút khối doanh nghiệp tư nhân tham gia theo phương thức PPP để mở rộng sân bay, đầu tư sân bay mới theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt là những việc cấp bách, cần làm ngay”, ông Trần Chủng nhấn mạnh.
Theo PGS TS Trần Chủng, khi tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực sân bay không chỉ giảm được gánh nặng đầu tư công cho Nhà nước, mà còn tạo cơ hội cho tư nhân phát triển đa lĩnh vực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng sâu, rộng hơn.
![UBND tỉnh Tây Ninh đã có tờ trình gửi Bộ Giao thông vận tải về đề án nghiên cứu khả năng hình thành sân bay Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.](https://dddn.1cdn.vn/2024/12/25/san-bay.jpg)
Cơ hội cho nhà đầu tư tư nhân
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Vinh - Tổng giám đốc Công ty Vận tải Nhật Quang, cho rằng khi nhu cầu đi lại, xử lý công việc của người dân và doanh nghiệp tăng cao, thì việc thu hút doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư mở rộng, đầu tư mới trong lĩnh vực hàng không nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội là hướng đi đúng đắn mà nhiều nước trên thế giới, như: Mỹ, Trung Quốc… đã áp dụng thành công.
“Tình trạng quá tải hạ tầng sân bay đã kéo dài thời gian máy bay phải chờ để vào bãi đỗ và ra đường cất hạ cánh đã được cơ quan quản lý và các hãng chấn chỉnh hoạt động khai thác, giảm tỷ lệ chậm chuyến do nguyên nhân chủ quan; tăng cường bay đêm để giảm tải, giảm ùn tắc… thế nhưng vẫn đề này vẫn đang tồn tại nhiều bất cập do mặt bằng nhà ga đã đạt ngưỡng, quá tải, không bố trí thêm được các quầy. Vì vậy, ở góc độ doanh nghiệp chúng tôi kiến nghị rất Chính phủ chỉ đạo để sớm mở rộng sân bay hiện hữu lẫn đầu tư mới, trong đó thu hút doanh nghiệp tư nhân tham gia theo phương thức PPP, tạo cơ hội cho doanh nghiệp và đạt hiệu quả cao hơn cho sự phát triển chung của đất nước” ông Vinh kiến nghị.
Song, để thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia một cách hiệu quả, ông Vinh cho rằng điều quan trọng nhất là Nhà nước cần hoàn thành đồng bộ quy hoạch cảng hàng không theo quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần phải đánh giá kỹ lưỡng nếu có nhu cầu thực sự. Song song đó, cần xác định được nhà đầu tư chiến lược một cách rõ ràng, chắc chắn thì mới nên tổ chức triển khai. Bởi, mấu chốt lớn nhất vẫn là tính hiệu quả và bài toán đầu tư. Với các dự án sân bay hiệu quả, khả thi về bài toán tài chính chắc chắn sẽ thu hút được nhà đầu tư tiềm năng. Song, về phía cơ quan quản lý nhà nước cũng phải xác định tâm thế và luôn sẵn sàng phối hợp, hướng dẫn các thủ tục đầu tư, tạo thuận lợi nhất cho dự án triển khai.
Cũng theo ông Vinh, thực tế đã có một số sân bay được tư nhân đầu tư và vận hành thành công như Vân Đồn (Quảng Ninh), doTập đoàn Sun Group trực tiếp đầu tư, khai thác và quản lý, khác biệt hoàn toàn so với 21 sân bay còn lại trực thuộc quản lý của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Tương tự, sân bay Cam Ranh (Nha Trang), do Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) làm chủ đầu tư.
“Thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực sân bay theo phương thức PPP đã có tiền lệ chính là cơ hội lớn cho các sân bay tiếp theo. Do đó, nhiều dự án đầu tư sân bay mới hoặc nâng cấp, mở rộng sân bay hiện hữu đã đến lúc phải chuyển hướng sang hình thức PPP. Bởi, đây không chỉ là cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng lĩnh vực đầu tư, mà còn là cơ hội cho các địa phương kêu gọi xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực sân bay để phát triển các lĩnh vực khác, như: du lịch, hạ tầng đô thị, giao thông kết nối, BĐS...”, ông Vinh nhấn mạnh.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 7.2023), cả nước sẽ có 30 sân bay. Nếu tính thêm sân bay Gia Bình (Bắc Ninh) vừa được bổ sung quy hoạch tháng 1.2025, cả nước sẽ có 31 sân bay, với 14 sân bay quốc tế và 17 sân bay quốc nội. Trong đó, những sân bay được đầu tư xây mới đến năm 2030 gồm: Thành Sơn (Ninh Thuận), Biên Hòa (Đồng Nai), Nà Sản (Sơn La), Sa Pa (Lào Cai), Quảng Trị... Đồng thời, cải tạo, nâng cấp mở rộng các sân bay hiện hữu. Sân bay Nà Sản (Sơn La) được xây dựng những năm 1950. Theo quy hoạch, đến 2030, Nà Sản có công suất khoảng 1 triệu khách/năm. Năm 2022, tỉnh Sơn La đã kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức PPP, giao Sơn La là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Song tới nay dự án chưa được triển khai. Sân bay Chu Lai (Quảng Nam) được Thủ tướng đồng ý đầu tư, nâng cấp theo hình thức xã hội hóa, đáp ứng công suất đến năm 2030 khoảng 10 triệu hành khách/năm và 1,5 triệu tấn hàng hóa. Nhu cầu vốn huy động khoảng 11.000 tỉ đồng, Tập đoàn Sovico, Tập đoàn Adani (Ấn Độ) đã ngỏ ý quan tâm đầu tư. Sân bay Sa Pa được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư xây mới theo hình thức PPP. Tổng mức đầu tư gần 7.000 tỉ đồng, chia 2 giai đoạn. Trước đó, có 2 nhà đầu tư ngỏ ý quan tâm, song sau khi phát hành hồ sơ mời thầu, không có nhà đầu tư nào nộp hồ sơ dự thầu. Sân bay Quảng Trị đã được khởi công tháng 7.2024, dự kiến đi vào khai thác từ tháng 7.2026. Tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỉ đồng, theo hình thức PPP, do liên danh nhà đầu tư T&T - Cienco 4 thực hiện. Sân bay Thành Sơn đã được UBND tỉnh Ninh Thuận lập đề án xã hội hóa và quy hoạch chi tiết trình Bộ GTVT xem xét, phê duyệt cuối 2024. Năm 2025, UBND tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu hoàn thiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư PPP cho dự án. Sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) được quy hoạch thành sân bay lưỡng dụng cấp 4E, công suất dự kiến 5 triệu khách/năm. Cuối năm 2022, Chính phủ đã giao UBND tỉnh Đồng Nai làm cơ quan chủ trì nâng cấp sân bay này theo phương thức PPP. |