Công nghệ

Phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ

Trung Thành 10/02/2025 00:30

Thời gian qua, Quảng Ninh đặc biệt quan tâm xây dựng, phát triển nguồn nhân lực KHCN, và coi đây là “chìa khóa” góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng các ngành, lĩnh vực của tỉnh.

Vai trò

Xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế cùng những tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ để Quảng Ninh có thể tăng lợi thế cạnh tranh và tận dụng những cơ hội mà cuộc cách mạng này mang lại.

Vì thế, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ này, nhất là trong các lĩnh vực trọng yếu và coi đây là “chìa khóa” góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng các ngành, lĩnh vực của tỉnh.

1.jpg
Quảng Ninh đặc biệt quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ nguồn nhân lực KHCN (Ảnh minh họa)

Theo đại diện Trường Đại học Hạ Long: Những năm qua trường được coi là một trong những đơn vị có nguồn nhân lực khoa học và công nghệ hàng đầu của tỉnh Quảng Ninh. Trong tổng số 239 giảng viên của trường hiện có 6 PGS TS, 41 Tiến sĩ, 192 Thạc sĩ, 16 Nghiên cứu sinh.

Từ năm 2015-2024, trường Đại học Hạ Long có hơn 1.000 công bố khoa học trong nước và quốc tế, đã nghiệm thu và triển khai ứng dụng vào thực tế 635 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp trường, 12 nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh, 1 nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia, 4 dự án hợp tác quốc tế về khoa học.

Tiến sĩ Phan Thị Huệ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long, Quảng Ninh cho biết: “Ngoài mức lương theo quy định, hiện nay, với các PGS đã được thu hút về trường còn được hỗ trợ thêm 18 triệu đống/tháng.

Với các giảng viên đang công tác tại trường, chúng tôi hỗ trợ thêm hơn 300 triệu đồng/nghiên cứu sinh, 100 triệu đống/giảng viên bảo vệ học hàm PGS. ngoài ra, còn có chính sách trả lương thu hút tăng thêm ngoài lương cho giáo viên có trình độ tiến sĩ. Bên cạnh đó, chúng tôi đã thành lập các nhóm nghiên cứu với sự tham gia của các sinh viên, giảng viên, chuyên gia trong và ngoài nước. hàng năm, nhà trường đã dành chi phí từ 4-5% chi cho hoạt động khoa học công nghệ”.

Nếu như năm 2015, nguồn nhân lực khoa học công nghệ của Quảng Ninh chỉ có 800 người thì đến nay, con số này đã tăng lên 3.000 người, trong đó, nhân lực có trình độ đại học nâng từ 39% lên trên 55%. Để phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao, nổi bật là nghị quyết số 35 năm 2021 của UBND tỉnh về đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao tại trường Đại học Hạ Long, trường Cao đẳng Việt Hàn Quảng Ninh, trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025.

Tỉnh cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách đãi ngộ để thu hút nhân lực từng ngành, lĩnh vực y tế, có chính sách thu hút một số bác sĩ về làm việc tại các bệnh viện tỉnh Quảng Ninh. Đến năm 2025, theo đó sẽ thu hút tối thiểu 10 tiến sĩ y khoa, bác sĩ chuyên khoa II, 39 thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, 249 bác sĩ, mức hỗ trợ tùy đơn vị, trình độ từ 200-750 triệu đồng/người.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Diện – Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh chia sẻ: “Chúng tôi đang tiếp tục thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để trước mắt cập nhật các kiến thức cơ bản trong nước tại các bệnh viện hàng đầu như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức… và bên Trung Quốc sẽ giúp đỡ chúng ta toàn diện.

Hiện tại, chúng tôi cũng đã đưa sang Quảng Tây khoảng 60 nhân lực y tế để học tập về ghép tạng, phẫu thuật tim hở, chấn thương chỉnh hình… đặc biệt là liên quan đến điều trị tế bào gốc, công nghệ gen. Chúng tôi sẽ tiếp tục hội nhập quốc tế, đưa nguồn nhân lực chất lượng cao đi học ở các nước có y tế phát triển như Đài Loan, Nhật Bản, Pháp, Mỹ…”.

Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục rà soát, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực đến năm 2030, định hướng đến năm 20545, nghiên cứu hoàn thiện các chính sách, đãi ngộ đào tạo, đào tạo lại nhân lực khoa học công nghệ nhất là trong các ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên thế mạnh của tỉnh như công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ du lịch, công nghệ thông tin, kinh tế biển

Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển quản trị nhân lực công nghệ, quản lý doanh nghiệp, chuyển đổi số, thu hút nhân lực nghiên cứu và phát triển. Phấn đấu đến năm 2030, Quảng Ninh thuộc nhóm các địa phương đi đầu cả nước về ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Chú trọng phát triển

Sau nhiều năm thực hiện chủ trương phát triển nguồn nhân lực KHCN, đến nay số lượng và quy mô nguồn nhân lực KHCN của Quảng Ninh ngày càng tăng. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 33 tổ chức khoa học và công nghệ, trong đó có 8 tổ chức công lập được đầu tư bài bản về cơ sở vật chất, con người, đáp ứng tốt nhiệm vụ hoạt động nghiên cứu cơ bản thường xuyên cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ, triển khai thực nghiệm, thử nghiệm phát triển công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng các loại giống, giám định, kiểm soát môi trường, bệnh tật.

3.jpg
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ (Ảnh minh họa)

Bác sĩ Nguyễn Thị Ánh Hồng – Phó trưởng Khoa Xét nghiệm vi sinh, huyết học, CDC Quảng Ninh cho biết: “Ở đây chúng tôi đang phát triển được các kỹ thuật, xét nghiệm phục vụ cho công tác phòng chống dịch và xét nghiệm phục vụ cho bệnh nhân như tải lượng HIV. Để đáp ứng cho công tác phòng chống dịch, xét nghiệm tải lượng đấy, chúng tôi đã đánh giá thành công ISO 15189. Bên cạnh đó, chúng tôi có các cán bộ kỹ thuật đã được đào tạo về công tác xét nghiệm, có chứng chỉ để hoàn thiện các xét nghiệm đó”.

Được biết, tỉnh Quảng Ninh hiện số lượng cán bộ KHCN có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ được nâng lên rõ rệt, nhưng vẫn thiếu đội ngũ kế cận nguồn nhân lực chất lượng cao (có học hàm GS và PGS, học vị TS và TSKH), nhất là trong các lĩnh vực KHCN ưu tiên, lĩnh vực công nghệ cao do phần lớn họ đều đến tuổi nghỉ chế độ. Hay như đối với nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0 cũng đang thiếu.

Bên cạnh đó, nhân lực KHCN phân bố không đều giữa các địa phương, thường tập trung số lượng lớn ở các các thành phố... trong khi ở các huyện miền núi khó khăn chiếm tỷ lệ thấp, nhất là các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, dân tộc ít người và miền núi. Ở nhiều địa phương còn thiếu cả về số lượng và chất lượng đội ngũ nhà khoa học

Trong 2 năm 2023, 2024, ngân sách nhà nước chi cho khoa học công nghệ là 374 tỷ đồng để thực hiện việc nghiên cứu, chuyển giao đẩy mạnh ứng dụng, đầu tư hạ tầng khoa học công nghệ. Cùng với các tổ chức khoa học, những năm qua, 8 doanh nghiệp khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tăng cường nghiên cứu sáng chế, sáng tạo làm tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm cho doanh nghiệp.

Đồng thời, đẩy mạnh việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu, hạ tầng khoa học công nghệ cũng có sự nâng cấp thông qua việc các doanh nghiệp khoa học công nghệ, tập đoàn lớn thuộc các lĩnh vực công nghiệp than, đóng tàu, chế biến, chế tạo đầu tư nâng cao tiềm lực phát triển khoa học công nghệ ở cấp quốc gia và khu vực. Nhiều trường cao đẳng đại học cũng chủ động đầu tư đưa vào khởi động vận hành các trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tạo không gian để các sinh viên phát triển ý tưởng, kết nối, tìm kiếm nhà đầu tư đỡ đầu.

Sinh viên Trần Thị Kim Ngân – Khoa Sư Phạm Tin học K1, trường Đại học Hạ Long, Quảng Ninh cho biết: “Trường tạo cho chúng em một không gian khởi nghiệp rất tuyệt vời, trường mở ra các trung tâm, buổi tọa đàm, các cuộc thi khởi nghiệp dành cho sinh viên. Nơi đây, chúng em có thể tiếp xúc với nhiều ý tưởng, bạn bè, anh chị để đưa ra các giải pháp tốt, thậm chí, chúng em được sự hỗ trợ tận tình từ thầy cô để tạo ra cho sinh viên những ý tưởng khởi nghiệp tốt nhất”.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp – Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long, Quảng Ninh cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp, tạo kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp với nhà trường trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Chúng tôi quyết tâm sẽ phát triển trung tâm này thành hạt nhân quan trọng của tỉnh Quảng Ninh trong lĩnh vực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”.

Để thu hút nguồn nhân lực KHCN, tỉnh Quảng Ninh cần tạo lập môi trường, điều kiện làm việc tốt nhất cho đội ngũ này vừa để thu hút, tuyển dụng nhân tài vừa để có thể giữ chân nhân tài. Môi trường làm việc, nghiên cứu được trang bị cơ sở vật chất đầy đủ, phòng nghiên cứu, thực hành, thư viện hiện đại… sẽ góp phần quan trọng để cho ra đời nguồn nhân lực trẻ, trí tuệ cao đáp ứng nhu cầu CMCN 4.0.

Trung Thành