Sức hút từ du lịch tâm linh
Mặc dù, các doanh nghiệp du lịch đã chú trọng xây dựng tour nhưng du lịch tâm linh cần được đầu tư đúng cách để trở thành sản phẩm du lịch 4 mùa tại địa phương.
Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, các điểm du lịch tâm linh trên cả nước đã đón hàng vạn du khách. Những ngôi chùa linh thiêng, đền thờ cổ, các khu di tích gắn liền với tín ngưỡng dân gian đều trong tình trạng đông nghịt người. Đền Hùng (Phú Thọ), Chùa Hương (Hà Nội), đền Trần (Nam Định), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), Yên Tử (Quảng Ninh), Bái Đính (Ninh Bình), chùa Tam Chúc (Hà Nam)… là những địa điểm thu hút rất đông du khách dịp đầu năm.
Cùng với đó, những lễ hội xuân kéo dài từ Tết Nguyên đán đến hết tháng 2 âm lịch không chỉ là dịp để người dân chiêm bái, mà còn là cơ hội giao lưu văn hóa, tìm hiểu những giá trị tâm linh.
Các doanh nghiệp lữ hành cũng nhanh chóng bắt kịp xu hướng, tổ chức nhiều tour du lịch tâm linh kết hợp tham quan, trải nghiệm văn hóa vùng miền. Ông Nguyễn Văn Tài - CEO VietSense Travel, cho biết: “Chúng tôi nhận thấy nhu cầu du lịch tâm linh ngày càng cao, đặc biệt là trong dịp đầu năm. Do đó, các doanh nghiệp du lịch đã thiết kế hàng chục tour kết hợp hành hương, trải nghiệm lễ hội và nghỉ dưỡng để phục vụ tốt hơn cho du khách”.
Những bộ sản phẩm du lịch tâm linh, lễ hội xuân được nhiều hãng lữ hành xây dựng theo tiêu chí là các điểm đến được du khách yêu thích, lựa chọn trong các năm trước và có những hoạt động lễ hội đặc sắc để du khách trải nghiệm, tìm hiểu thêm về văn hóa, phong tục tập quán từng địa phương.
![t1a.jpg](https://dddn.1cdn.vn/2025/02/09/t1a.jpg)
"Mỏ vàng" du lịch tâm linh
Nắm bắt du lịch tâm linh là “mỏ vàng” để thu hút du khách, nhiều năm nay, các địa phương đã sớm có kế hoạch đổi mới trong tổ chức lễ hội truyền thống, hoạt động văn hóa gắn với du lịch tâm linh nhằm tăng sức hút, tạo thuận tiện hơn cho du khách. Tại lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), ngoài lễ chính còn có hoạt động thỉnh chuông, gióng trống, chúc phúc đầu năm; lễ hội chùa Tam Chúc (Hà Nam) tổ chức nghi thức rước nước công phu; lễ hội chùa Hương (Hà Nội) chuyên nghiệp hóa các dịch vụ xe điện, bán vé điện tử...
Theo các chuyên gia, du lịch tâm linh đang là xu thế và thế mạnh được rất nhiều quốc gia khai thác, trở thành dòng sản phẩm du lịch chủ đạo mang nguồn thu lớn như: Ấn Độ, Bhutan, Thái Lan... Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng, thế mạnh thể hiện ở bề dày văn hóa, lễ hội dân gian được tổ chức quanh năm gắn với tôn giáo, tín ngưỡng. Đồng thời nhu cầu du lịch, đi lễ của du khách đã trở thành động lực thúc đẩy du lịch tâm linh phát triển. Nếu khai thác tốt, du lịch tâm linh sẽ có sức hút không chỉ với khách nội địa mà còn hấp dẫn với khách quốc tế.
Đồng quan điểm này, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, du lịch tâm linh là dòng sản phẩm văn hóa rất hấp dẫn và đặc trưng của Việt Nam. Số lượng khách tham gia du lịch tâm linh đang chiếm tỷ trọng không nhỏ trong cơ cấu khách du lịch.
Mặc dù được đánh giá là dòng sản phẩm có sức hút lớn nhưng các chuyên gia cũng nhận định, du lịch tâm linh tại Việt Nam vẫn mang tính thời vụ, lượng khách thường tập trung nhiều vào đầu năm và cuối năm.
Địa phương cần đầu tư bài bản
Để tạo sức hút với du khách, khai thác hiệu quả “mỏ vàng” du lịch tâm linh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho rằng, các địa phương cần có kế hoạch đầu tư bài bản cho những lễ hội, điểm di tích tâm linh mang tính nổi bật, tạo thành thương hiệu riêng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền cho những lễ hội tổ chức vào mùa hè, mùa thu.
![du-lich.jpg](https://dddn.1cdn.vn/2025/02/09/du-lich.jpg)
Tại Hà Nội, du lịch văn hóa, trong đó có du lịch tâm linh luôn được xem là thế mạnh của du lịch Thủ đô. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Sở Du lịch Hà Nội luôn đề nghị các địa phương quan tâm, không ngừng nâng cấp chất lượng dịch vụ, làm mới sản phẩm du lịch văn hóa bằng nhiều trải nghiệm hấp dẫn; tăng cường tuyên truyền, quảng bá những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp từ các lễ hội, điểm di tích, di sản.
“Thời gian tới, du lịch Hà Nội tiếp tục tăng cường liên kết với các địa phương Ninh Bình, Hà Nam, Bắc Giang... góp phần giúp các đơn vị lữ hành xây dựng những sản phẩm tour hiệu quả, hấp dẫn”, bà Đặng Hương Giang nói.