Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp
Ưu tiên rà soát, tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc; trước mắt, tập trung các dự án tại các tỉnh, thành lớn để giải phóng nguồn lực cho doanh nghiệp, nền kinh tế trong năm 2025.
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt đầu xuân các doanh nghiệp tư nhân năm 2025 được tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Thường trực Chính phủ, các bộ ngành lắng nghe, chia sẻ, trao đổi với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như bàn các nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ hơn nữa.

Năm 2025 đánh dấu thời điểm quan trọng của đất nước khi Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng năm đạt 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc để tăng trưởng hai con số từ năm 2026 nhằm hiện thực hóa khát vọng, tầm nhìn về kỷ nguyên phát triển mới. Để đạt được mức tăng trưởng cao này, khu vực kinh tế ngoài nhà nước cần tăng khoảng 11%/năm.
Sứ mệnh trong giai đoạn phát triển mới
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: năm 2024 với sự sự quan tâm kịp thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khôi phục và gia tăng niềm tin, tăng cường đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ với nhiều cải cách đột phá thông qua việc sửa đổi nhiều quy định luật về kinh tế đầu tư, tài chính; bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt; tiếp tục giảm, gia hạn nộp một số loại thuế giúp giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp...
Bên cạnh đó, toàn bộ 111 quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh và ngành đã được xây dựng, phê duyệt tạo cơ sở quan trọng giúp doanh nghiệp xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên, khu vực đầu tư tiềm năng để xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh phù hợp.
Cùng với những kết quả đáng khích lệ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chỉ ra nhiều khó khăn, thách thức mà nền kinh tế đối mặt. Đó là, sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại; tiềm năng và dư địa phát triển vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Phần lớn doanh nghiệp quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn hạn chế.

Mặc dù đã xuất hiện đội ngũ doanh nghiệp vừa và lớn nhưng chưa thực sự trở thành lực lượng dẫn dắt như kỳ vọng; chưa có các dự án quy mô đủ lớn, nhất là trong các lĩnh vực mới. Tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực còn khó khăn, sức mua thị trường còn yếu, phục hồi chậm…
Đề cập đến những thay đổi lớn của kinh tế toàn cầu với sự ra đời của các ngành công nghiệp mới, dòng vốn đầu tư dịch chuyển, nhất là rủi ro về “cuộc chiến thương mại” toàn cầu đang hiện hữu…, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các nguy cơ, thách thức trên đồng thời mang đến cho các quốc gia thời cơ, vận hội mới. Trước yêu cầu phát triển mới, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có đội ngũ doanh nghiệp tư nhân cần đồng lòng, chung sức, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, sứ mệnh của mình trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Thể chế là “đột phá của đột phá”
Với tinh thần đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gợi mở 6 định hướng và giải pháp.
Một là, thống nhất cao nhận thức về vai trò đặc biệt quan trọng của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp tư nhân nói riêng trong phát triển kinh tế xã hội. Đây là một trong những động lực quan trọng nhất đóng góp vào tăng trưởng, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Hai là, xác định thể chế là “đột phá của đột phá”, cần tập trung hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Trước mắt, trong năm 2025, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng “kiến tạo phát triển”, tập trung sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách, tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản và lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm…
Ưu tiên rà soát, tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản, BOT, BT, giao thông, năng lượng tái tạo…; tập trung cho các dự án tại các tỉnh, thành lớn để giải phóng nguồn lực cho doanh nghiệp, nền kinh tế ngay trong năm 2025.

Ba là, khơi thông mọi nguồn lực, lấy nguồn lực nhà nước để khơi dậy, dẫn dắt, kích hoạt nguồn lực xã hội. Tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng chiến lược, mở ra không gian phát triển mới, nhất là các tuyến đường cao tốc, ven biển, liên vùng, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các dự án điện hạt nhân, điện gió ngoài khơi, trung tâm dữ liệu quốc gia… Có cơ chế, chính sách để doanh nghiệp trong nước tham gia vào các dự án trọng điểm trên.
Bốn là, thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 57-NQ/TW, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế khuyến khích cho những lĩnh vực mới, dự án công nghệ cao, chuyển đổi số. Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ mới… Đồng thời, thành lập, phát huy hiệu quả các quỹ khoa học và công nghệ, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đổi mới sáng tạo…
Năm là, xây dựng cơ chế, chính sách hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, quy mô lớn để dẫn dắt chuỗi giá trị trong nước và mở rộng tham gia thị trường quốc tế; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm đẩy mạnh hỗ trợ nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh, đổi mới sáng tạo và tham gia sâu hơn vào cụm liên kết, chuỗi giá trị.
Sáu là, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng và mở rộng thị trường cho doanh nghiệp. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội địa sản xuất những mặt hàng trong nước có thế mạnh, có khả năng duy trì và chiếm lĩnh dần thị trường trong nước.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh. Các doanh nghiệp lớn cần phát huy mạnh mẽ hơn vai trò tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, phát huy vai trò “doanh nghiệp dẫn đầu” tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cùng phát triển theo chuỗi giá trị.
Các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp phát huy vai trò cầu nối giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp; kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, phản ánh đến các cơ quan có thẩm quyền để xử lý; bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp thành viên, nhất là trong các vụ kiện thương mại, phá giá; đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp, hỗ trợ kết nối đầu tư kinh doanh.