Xu hướng “người Nghệ An đi du lịch Nghệ An”
Xu hướng “người Nghệ An du lịch Nghệ An” đang trở nên phổ biến khi tỉnh sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng và đặc sắc.
Những năm trở lại đây, du lịch nội tỉnh nở rộ không chỉ riêng trong bộ phận giới trẻ xứ Nghệ mà còn ở các lứa tuổi trung niên, người già muốn cùng gia đình đi trải nghiệm thực tế khắp các vùng miền; từ miền xuôi lên đến miền ngược, từ biển cả cho đến núi rừng hoang vu, với nhiều nét văn hoá truyền thống độc đáo, đặc sắc của người dân bản địa.
Lấy ví dụ điển hình như sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán là đến mùa lễ hội Xuân diễn ra trên khắp các vùng miền xứ Nghệ. Theo khảo sát các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, xu hướng được nhiều gia đình, giới trẻ Nghệ An lựa chọn là du lịch nội tỉnh. Bởi lẽ, vừa có thể tiết kiệm được thời gian, chi phí, vừa được tham quan, trải nghiệm nhiều điểm đến có giá trị văn hóa, di tích lịch sử hấp dẫn trên địa bàn.
![Du lịch ảnh 1](https://dddn.1cdn.vn/2025/02/10/du-lich-anh-1.jpg)
Bà Cao Thị Thuỳ Dung ở phường Nghi Phú, TP Vinh cho hay: Gia đình tôi quyết định lựa chọn huyện miền núi Quỳ Châu làm điểm đến tham quan, du lịch đầu năm mới. Cảnh quan thiên nhiên ở đây rất đẹp, không thua kém gì các điểm đến trong nước và cũng là dịp để chúng tôi tham gia Lễ hội Hang Bua diễn ra vào các ngày 17/2 – 19/2/2025, tức 20 – 22/1 âm lịch tới đây.
Ông Nguyễn Hữu Bắc - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư Thương mại và Du lịch PhucGroup cũng nhận định, đầu năm nay dự kiến các điểm đến trong tỉnh sẽ đón một lượng khách lớn đến du xuân, đây chính là cơ hội để ngành du lịch của tỉnh tăng tốc. Nắm bắt xu hướng này, các công ty lữ hành đã xây dựng nhiều tour du xuân đến các điểm tâm linh và miền Tây Nghệ An với mức giá hấp dẫn.
Giới chuyên môn đánh giá, xu hướng du lịch nội tỉnh ở Nghệ An trở nên phổ biến trong thời gian qua khi đây là địa phương có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước với hơn 16.000 km2, dân số hơn 3,2 triệu người, bao gồm 6 dân tộc Kinh, Thái, Thổ, Hơ Mông, Khơ Mú, Ơ Đu sinh sống. Bên cạnh đó, tỉnh này còn được ví như một Việt Nam thu nhỏ, có đầy đủ “rừng vàng, biển bạc” cùng kho tàng văn hoá, di tích lịch sử đồ sộ, riêng có.
Theo đó, ngược lên phía Tây, Nghệ An sở hữu nhiều hang động, thác nước, thu hút khách du lịch như: Hang Bua, Thẩm Ồm, Thẩm Chàng, huyện Quỳ Châu; thác Khe Kèm, huyện Con Cuông; thác Sao Va, thác Bảy tầng, huyện Quế Phong; đảo chè, huyện Thanh Chương; rừng săng lẻ, huyện Tương Dương và đặc biệt là đỉnh Puxailaileng, cổng trời Mường Lống tại huyện biên giới Kỳ Sơn,...
Bên cạnh đó, khu vực phía Tây còn lưu giữ, bảo tồn nhiều nét văn hoá truyền thống rất độc đáo và đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số. Chính điều này đã làm nên bản sắc riêng có của Nghệ An trong phát triển các mô hình du lịch cộng đồng khi du khách được trải nghiệm thực tế, ăn, ngủ, sinh hoạt chung bầu không khí thắm đượm nền văn hoá bản địa.
“Hiện nay, tỉnh đã xây dựng thành công nhiều mô hình du lịch cộng đồng, bảo tồn, gìn giữ bản sắc và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, thế mạnh về tài nguyên du lịch tự nhiên. Các mô hình không chỉ tạo sự đa dạng sản phẩm du lịch, thu hút đông đảo du khách mà còn góp phần làm tăng sinh kế, cải thiện đời sống cho nhân dân địa phương”, ông Nguyễn Hoàng Quang – Phó Phòng Kế hoạch phát triển tài nguyên du lịch, Sở Du lịch tỉnh Nghệ An cho hay.
![Du lịch ảnh 3](https://dddn.1cdn.vn/2025/02/10/du-lich-anh-3.jpg)
Còn nếu như chạy dọc theo hướng biển Đông, Nghệ An có đường bờ biển dài 82 km, với nhiều bãi biển đẹp, thơ mộng như: Cửa Lò, Bãi Lữ, Cửa Hiền, Diễn Thành, Quỳnh Phương,... Tại những điểm đến trên, du khách không chỉ được hoà mình vào mực nước biển trong xanh, sóng nhỏ, độ sâu thoải, độ mặn thích hợp mà còn được trải nghiệm văn hoá ẩm thực từ nguồn hải sản phong phú, tươi ngon.
Nhất là tại phố biển Cửa Lò, nơi có bãi biển đẹp, rộng, thoải cùng hệ thống khách sạn, nghỉ dưỡng, khu vui chơi đầy đủ tiện nghi, hiện đại đã và đang trở thành địa chỉ “đỏ”, hấp dẫn hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm, mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho địa phương. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, số lượng khách du lịch chủ yếu là người dân đến từ các huyện, thành, thị trên địa bàn tìm về để tắm biển, nghỉ dưỡng.
Mặt khác, trên thực tế thì phải thẳng thắn nhìn nhận, đằng sau những năm tháng chống chọi với đại dịch Covid-19, với suy thoái kinh tế toàn cầu là những thiệt hại khó có thể đong đếm được đối với ngành du lịch tỉnh này nói riêng, cả nước nói chung. Số liệu thống kê cũng cho thấy mặc dù có tăng dần qua từng năm nhưng lượng khách quốc tế vẫn còn quá ít so với tổng lượng khách du lịch đến Nghệ An.
Đơn cử như chỉ tính riêng trong năm 2024, lượng khách du lịch đến Nghệ An đạt 9,45 triệu lượt, bằng 113% so với cùng kỳ năm trước; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 28.569 tỷ đồng, trong đó doanh thu du lịch ước đạt hơn 11.000 tỷ đồng. Vậy nhưng, lượng khách lưu trú đạt 5.930.000 lượt và đặc biệt khách quốc tế chỉ đạt 120.500 lượt, chiếm phần nhỏ trong tổng số 9,45 triệu lượt đến Nghệ An trong năm vừa qua.
Điều này cũng khá dễ hiểu khi mà túi tiền của người dân trở nên eo hẹp, cộng thêm những biến động về chính trị, kinh tế thế giới thì khó có ai có thể mơ tưởng đến những chuyến du lịch dài ngày, chi tiêu thoải mái ở địa phương khác. Đối với người dân Nghệ An cũng vậy và cũng chính trong điều kiện này đã phần nào hình thành nên thói quen du lịch nội tỉnh, cụ thể hơn là người Nghệ An đi du lịch Nghệ An.