Quảng Ngãi cần làm gì để kinh tế phát triển nhanh, bền vững?
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gợi ý nhiều giải pháp để kinh tế Quảng Ngãi bứt phá trong năm 2025 và tương lai để địa phương phát triển nhanh, bền vững.
Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi chiều ngày 9/2, Thủ tướng Chính phủ đã nêu ra một số tồn tại, hạn chế mà Quảng Ngãi cần tìm ra nguyên nhân và nỗ lực khắc phục. Cụ thể, các vấn đề liên quan đến thu hút FDI còn hạn chế, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp (51,6%). Cùng với đó, thứ hạng về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh ở nhóm dưới (năm 2023, PCI thứ 43/63; PAPI thứ 49/63; SIPAS xếp thứ 46/63) và địa phương vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, điều kiện phát triển.
![quangngai (1)](https://dddn.1cdn.vn/2025/02/10/quangngai-1-.jpg)
Từ đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu lãnh đạo địa phương phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, nắm chắc tình hình trong và ngoài nước để xử lý kịp thời, linh hoạt, hiệu quả các vấn đề để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt, phải đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chun.
“Đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ngãi được yêu cầu phải tập trung sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hoàn thành trong tháng 2 để đi vào vận hành từ tháng 3. Cùng với đó, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Song song, phải xây dựng kịch bản tăng trưởng để phấn đấu đạt mức cao nhất mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025. Từ đây, Quảng Ngãi phải rà soát các nguồn lực, động lực, năng lực mới cho tăng trưởng, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo, kinh tế ban đêm,...
Trong đó, chú trọng vào thúc đẩy hợp tác công tư để thu hút nguồn lực, đẩy mạnh cải cách hành chính và phát huy lợi thế của khu công nghiệp VSIP. Phải tập trung đẩy mạnh hơn nữa 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực.
Quảng Ngãi cũng được giao nhiệm vụ rà soát và tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, tiếp tục thúc đẩy phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao. Về lao động, cần đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhất là cho các ngành, lĩnh vực mới nổi, công nghệ cao.
Về các dự án lớn, Thủ tướng Chính phủ nêu vấn đề về việc xây dựng, triển khai Đề án Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất, Đề án Phát triển huyện đảo Lý Sơn thành Trung tâm du lịch biển - đảo; giải quyết các chồng lấn, mâu thuẫn giữa Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi và các quy hoạch ngành. Cùng với đó, đã có ý kiến liên quan đến công tác tháo gỡ vướng mắc liên quan đến một số dự án bất động sản, thương mại dịch vụ, sử dụng nguồn cải cách tiền lương của tỉnh còn dư khoảng hơn 15.000 tỷ đồng để đầu tư một số dự án hạ tầng giao thông,...
Đặc biệt, tại đây Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao nhiệm vụ hướng dẫn để tháo gỡ vướng mắc liên quan chồng lấn, mâu thuẫn giữa các quy hoạch về khai thác khoáng sản, lâm nghiệp,... Bộ Tài chính cũng được yêu cầu hướng dẫn các địa phương về sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để triển khai các dự án.
![quangngai (2)](https://dddn.1cdn.vn/2025/02/10/quangngai-2-.jpg)
Về các dự án giao thông, Thủ tướng yêu cầu Quảng Ngãi tập trung nguồn lực nhằm sớm hoàn thành dự án đường ven biển. Đồng thời, khẩn trương xây dựng nút giao cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi kết nối với Khu kinh tế Dung Quất và cũng đồng ý chủ trương triển khai đầu tư tuyến đường cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum theo hướng hai tỉnh lo giải phóng mặt bằng, ngân sách Trung ương bố trí cho phần xây lắp. Còn lại, địa phương cũng nghiên cứu kỹ về chủ trương xây dựng sân bay Lý Sơn, nếu có lợi thì giao tỉnh làm cơ quan có thẩm quyền để kêu gọi hợp tác công tư,...
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoàng Giang - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho hay trong năm 2024 Quảng Ngãi đã đạt và vượt 25/25 chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Trong đó, tốc độ tăng trưởng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 4,07%, vượt kế hoạch; Quy mô nền kinh tế ước đạt hơn 132 nghìn tỷ đồng, tăng 4,1; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 68,8 nghìn tỷ đồng, tăng 54,7% so với năm 2023.
Theo số liệu, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt gần 30,3 nghìn tỷ đồng, vượt 18,7% so với dự toán trung ương giao. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 157 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6%, vượt 15,3% kế hoạch; Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,94 tỷ USD, vượt 17,8% kế hoạch.
Theo ông Giang, trong năm 2024 tại Quảng Ngãi có 3 dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với số vốn đăng ký 20,6 triệu USD; cấp chủ trương đầu tư cho 5 dự án, với tổng vốn đăng ký 3.013 tỷ đồng. Năm qua, số doanh nghiệp thành lập mới là 668 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký hơn 3.296 tỷ đồng.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét cho địa phương đưa vào Đề án Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng Quốc gia tại KKT Dung Quất và Đề án Phát triển huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi thành Trung tâm du lịch biển - đảo một số cơ chế, chính sách đặc thù. Song song là đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương chủ trì, nghiên cứu đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương án tạm thời sử dụng nguyên liệu khí hoá lỏng nhập khẩu hoặc nguyên liệu khác thay thế nguyên liệu khí dự kiến khai thác tại mỏ Cá Voi Xanh đối với các Nhà máy Điện khí tại Trung tâm điện khí Dung Quất,...