Phân tích - Bình luận

Lộ diện chiến lược thuế quan của ông Trump

Nam Trần 11/02/2025 03:32

Thuế quan "có đi có lại" là một phần trong kế hoạch tái cấu trúc nền thương mại Mỹ mà Tổng thống Donald Trump đang dự tính.

Trump 3
Tổng thống Trump vừa tuyên bố kế hoạch áp thuế "có đi có lại" nhằm vào các đối tác lớn (Ảnh: CP24)

Kế hoạch thuế quan trả đũa

Trả lời các phóng viên ngay trên chuyên cơ Air Force 1 vào thứ Hai vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ ông dự định áp thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu của Mỹ, tiếp tục một bước tiếp theo trong chính sách thuế quan gây tranh cãi.

Lãnh đạo Mỹ tuyên bố sẽ có một thông báo về thuế quan trả đũa vào thứ Ba hoặc thứ Tư tuần này. “Rất đơn giản, họ đánh thuế chúng ta, chúng ta đánh thuế họ,” ông Trump nhấn mạnh và cho biết thêm rằng các mức thuế này sẽ có hiệu lực gần như ngay lập tức. Thuế quan sẽ giúp chúng ta thành công.

Kế hoạch thuế quan trả đũa sẽ được áp dụng cho tất cả các đối tác thương mại, theo ông Trump. Tuy nhiên, một số quốc gia vốn đã áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa Mỹ như cách Mỹ áp thuế lên sản phẩm của họ có thể không thấy nhiều sự thay đổi. Thuế đối với thép và nhôm sẽ áp dụng cho tất cả các quốc gia xuất khẩu kim loại này vào Mỹ.

Trước đó, Tổng thống Mỹ cũng đã cam kết rằng Mỹ sẽ áp thuế đối với chip máy tính, dược phẩm, đồng, dầu mỏ và khí đốt nhập khẩu, có thể sớm nhất là giữa tháng 2/2025.

Mặc dù đã trì hoãn các mối đe dọa thuế quan đối với Canada và Mexico vào tuần trước, các quan chức trong chính quyền Trump cảnh báo nhiều mức thuế khác đang đến, và sẽ không dễ dàng bị hoãn lại.

Thuế 10% đối với Trung Quốc—bên cạnh những mức thuế đã được áp đặt trước đó—vẫn còn hiệu lực, trong khi các cuộc điện đàm giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn chưa đạt hiệu quả.

Thuế "trừng phạt", thuế dài hạn và phương án 3

Theo Thượng nghị sĩ Bernie Moreno, một người ủng hộ ông Trump, sẽ có hai loại thuế quan chính trong chiến lược của Tổng thống Mỹ. Thứ nhất là “thuế trừng phạt”, như đã áp dụng gần đây với Canada, Mexico, Trung Quốc và Colombia nhằm mục đích xử lý các vấn đề nhập cư và buôn lậu ma túy. Ngoài ra, còn có các mức thuế “cấu trúc, dài hạn”, như thuế nhập khẩu thép và nhôm mà ông Trump tuyên bố sẽ áp đặt sắp tới.

Các Cố vấn kinh tế cấp cao của ông Trump đã phân biệt giữa các đe dọa thuế quan nhằm vào những vấn đề không liên quan đến thương mại—như fentanyl và di cư—và những thuế quan nhằm giải quyết các bất cập thương mại của Mỹ, như việc chính phủ nước ngoài trợ cấp doanh nghiệp của họ, phân biệt đối xử với công ty Mỹ hoặc duy trì thặng dư thương mại lớn với Mỹ.

Những mức thuế cấu trúc này sẽ không dễ dàng bị hoãn lại chỉ bằng vài cuộc điện thoại. “Chúng sẽ trở thành hiện thực,” ông Moreno nói.

Ngoài ra, có khả năng sắp xuất hiện một loại thuế thứ 3, theo WSJ ghi nhận. Ông Trump đã đề xuất mức thuế 10% đến 20% trên hầu hết các mặt hàng nhập khẩu như một cách để tăng nguồn thu, nhằm bù đắp cho các khoản cắt giảm thuế mà đảng Cộng hòa thúc đẩy trong tháng này.

Ông Donald Trump coi EU là đối tượng tiếp theo cho các biện pháp áp thuế thương mại đơn phương (Ảnh: Euractiv)
Nhiều đối tác lớn của Mỹ như EU hay Trung Quốc đang chuẩn bị các phương án đáp trả thuế quan (Ảnh: Euractiv)

Dù vậy, phương án này hiện chưa được xem xét, nếu đúng như những gì ông trả lời báo chí trên chuyến bay gần đây. Ông Trump đã ám chỉ rằng ông nghiêng về phương án thuế “có đi có lại” thay vì áp mức thuế đồng loạt lên tất cả hàng nhập khẩu.

“Chúng ta bị đánh thuế, chúng ta đánh thuế lại, thế là công bằng,” ông Trump nói về đề xuất này và tiết lộ ông có vẻ đang hướng về phương án đó hơn là thuế đồng loạt.

Dự báo những phản ứng gay gắt

Đe dọa thuế quan của ông Trump gây lo ngại, nhưng các đối tác của Mỹ sẽ không ngồi yên như Mexico hay Canada. Tuần trước, Trung Quốc đã đáp trả bằng tuyên bố áp thuế 15% đối với năng lượng nhập khẩu và thuế 10% đối với dầu mỏ và thiết bị nông nghiệp từ Mỹ. Quan trọng hơn, Bắc Kinh cũng áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với một số kim loại quan trọng được sử dụng trong ngành điện tử, hàng không và quốc phòng. Thời hạn có hiệu lực từ ngày 10/2/2025.

Các quan chức cấp cao của EU và Hàn Quốc cũng sẵn sàng các phương án đáp trả, dù ưu tiên đàm phán hơn. Ông Trump từ lâu đã phàn nàn rằng Mỹ mua nhiều hàng hóa từ EU hơn là bán cho họ và tuần trước ông tuyên bố rằng thuế quan đối với EU “chắc chắn sẽ xảy ra.”

“Nếu chúng ta bị tấn công về thương mại, châu Âu với tư cách là một cường quốc bền vững, sẽ phải giành được sự tôn trọng và đáp trả,” Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo EU hôm 4/2 vừa qua.

Phương án đáp trả đe dọa thuế quan từ Mỹ đã được châu Âu dự kiến bao gồm việc áp thuế lên các sản phẩm đến từ các bang nhạy cảm về mặt chính trị của Mỹ. Châu Âu gần đây cũng đã siết chặt các hoạt động về thuế và các quy định khác lên các công ty công nghệ Mỹ như Google. Cần lưu ý, doanh thu của các công ty Mỹ hoạt động tại châu Âu là hơn 3,8 nghìn tỷ USD vào năm 2022, theo AmCham EU.

Nam Trần