Kinh tế thế giới

Châu Á có đáng lo thuế quan từ chính quyền Trump?

Cẩm Anh 11/02/2025 11:02

Khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc gia tăng, các nhà phân tích cảnh báo về lạm phát, tiền tệ suy yếu và tăng trưởng chậm lại ở châu Á.

a.jpg
Những chiếc xe tải chở các container hàng hóa tại Cảng Los Angeles. Ảnh: AFP

Trung Quốc vừa công bố vòng thuế quan trả đũa mới nhất sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào tuần trước. Mức thuế mới bao gồm 15% đối với than và khí đốt tự nhiên hóa lỏng và 10% đối với dầu thô từ Mỹ.

Ông Trump cũng đã đe dọa sẽ áp thuế 25% đối với Canada và Mexico nhưng đã đồng ý tạm dừng sau khi cả hai quốc gia này cam kết tăng cường kiểm soát biên giới theo yêu cầu của ông.

Các động thái này đã làm gia tăng sự bất ổn trên toàn thế giới và làm dấy lên khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ làm chậm quá trình nới lỏng tiền tệ để kiềm chế lạm phát.

Các nhà phân tích cho rằng những tác động từ các biện pháp thuế quan nói trên đặc biệt rõ rệt ở Đông Nam Á. Cụ thể, Mansoor Mohiuddin, chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Singapore nhận định rằng: "Các ngân hàng trung ương trong khu vực châu Á có thể sẽ chậm lại tốc độ cắt giảm lãi suất nếu FED làm vậy. Nếu không, các loại tiền tệ châu Á có thể giảm mạnh so với đồng đô la Mỹ".

Các loại tiền tệ châu Á đã suy yếu so với đô la Mỹ kể từ khi ông Trump áp dụng thuế quan trong bối cảnh lo ngại rằng chi phí nhập khẩu tăng có thể đẩy lạm phát tăng trở lại ở Mỹ.

"Nếu đồng đô la Mỹ tiếp tục mạnh lên so với các loại tiền tệ châu Á do mức thuế bổ sung 10% của Mỹ đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc thì điều này sẽ đẩy chi phí thương mại toàn cầu của các doanh nghiệp ở châu Á lên cao", ông Mohiuddin cho biết.

Chuyên gia này nói thêm, các doanh nghiệp trong khu vực có thể trì hoãn đầu tư do rủi ro Mỹ áp thuế đối với các quốc gia ở châu Á ngoài Trung Quốc. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng theo thời gian.

Mặc dù mức thuế của Washington đối với Bắc Kinh vẫn thấp hơn nhiều so với mức thuế 60% mà ông Trump đã đe dọa trong chiến dịch tranh cử, nhưng các nhà phân tích cho biết những rủi ro vẫn là rất lớn.

Theo ông James Ooi, chiến lược gia thị trường tại Tiger Brokers: "Nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang, thì có khả năng sẽ đẩy chi phí chung của thương mại toàn cầu lên cao"

Ông nói thêm: “Các doanh nghiệp châu Á, đặc biệt là những doanh nghiệp có liên quan đến chuỗi cung ứng Mỹ-Trung sẽ phải hứng chịu phần lớn chi phí tăng và có thể phải đối mặt với biên lợi nhuận bị thu hẹp”.

b.jpg
Một hình ảnh minh họa về cuộc chiến chip bán dẫn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ảnh: Shutterstock

Trong khi đó, các công ty Đông Nam Á đã hưởng lợi khi các nhà sản xuất toàn cầu áp dụng chiến lược "Trung Quốc + 1", mở rộng hoạt động sản xuất nhiều loại sản phẩm, từ Apple AirPods đến chip Intel, tại các quốc gia như Việt Nam và Malaysia để giảm rủi ro địa chính trị và chuỗi cung ứng.

Mỹ là điểm đến xuất khẩu quan trọng của Đông Nam Á, một phần là do chiến lược 'Trung Quốc + 1'. Tuy nhiên, nếu thuế quan thương mại của Mỹ đẩy nhanh quá trình phi toàn cầu hóa và khuyến khích các nhà sản xuất chuyển đến Hoa Kỳ, các nền kinh tế Đông Nam Á phụ thuộc vào xuất khẩu có thể phải đối mặt với những thách thức dài hạn.

Các nhà phân tích cho biết, việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu khác, thay thế Hoa Kỳ, sẽ rất khó khăn do quy mô thị trường và nhu cầu lớn của nước này.

Những rủi ro về các biện pháp trừng phạt cũng đã gia tăng khi chương trình nghị sự "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" của ông Trump nhấn mạnh hơn vào việc thúc đẩy sản xuất trong nước.

Họ chỉ ra rằng nhiều doanh nghiệp Đông Nam Á cũng dựa vào cả Trung Quốc và Hoa Kỳ làm điểm đến xuất khẩu chính. “Nếu Mỹ mở rộng các biện pháp thuế quan đối với các nước châu Á, đặc biệt là ở Đông Nam Á, các quốc gia bị ảnh hưởng có thể điều tiết đồng tiền của họ yếu đi so với đồng đô la Mỹ để duy trì sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của họ”, chuyên gia James Ooi nói thêm.

Bóng ma thuế quan có vẻ sẽ ám ảnh các nền kinh tế châu Á, vì hầu hết các nước đều có thặng dư thương mại với Hoa Kỳ và lượng hàng nhập khẩu từ khu vực này đã tăng trong những năm gần đây, theo báo cáo của ANZ công bố hôm thứ Sáu tuần trước.

Báo cáo này cũng xác định Đài Loan, Việt Nam, Hàn Quốc và Malaysia là những nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất trong khu vực trước mức thuế quan cao dưới thời chính quyền Trump.

Mặc dù vậy, việc trì hoãn áp thuế của Mỹ đối với Canada và Mexico được coi là một dấu hiệu tích cực đối với các tài sản rủi ro, vì dường như các mức thuế của ông Trump có thể chỉ mang tính răn đe nhiều hơn là thực sự gây tác động, hoặc có thể thấp hơn so với lo ngại trước đó.

Điều đó có nghĩa là ông Trump khó có thể nhắm vào Đông Nam Á hoặc các quốc gia khác ở châu Á như Ấn Độ. Trước đó, Ấn Độ đã có động thái ngăn chặn các mức thuế quan tiềm ẩn bằng cách cắt giảm thuế nhập khẩu, bao gồm cả đối với các loại xe máy phân khối lớn như xe do Harley-Davidson sản xuất, một động thái được coi là cử chỉ thiện chí sau khi ông Trump chỉ trích thuế quan của New Delhi.

Cẩm Anh