Triển vọng tăng trưởng tín dụng đầu năm 2025 tích cực
Với triển vọng tăng trưởng tín dụng khả quan và các yếu tố nền tảng vững chắc, dự báo thị trường tài chính sẽ tiếp tục có bước tiến tích cực trong những tháng tới.
Trong tháng 1/2025, mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại (NHTM) lớn không ghi nhận sự thay đổi so với tháng trước, ổn định ở mức trung bình 5,01%/năm trên toàn hệ thống. Dù mức trung bình này có xu hướng tăng nhẹ, nhưng sự biến động chủ yếu xuất hiện ở các ngân hàng nhỏ và tại các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, phản ánh diễn biến không đồng nhất giữa các nhóm ngân hàng.
![Ảnh màn hình 2025-01-22 lúc 20.53.33](https://dddn.1cdn.vn/2025/01/22/anh-man-hinh-2025-01-22-luc-20.53.33.png)
Nhóm NHTM quốc doanh và các NHTM tư nhân lớn tiếp tục duy trì lãi suất huy động ổn định, thậm chí giảm nhẹ ở một số ngân hàng do nhu cầu cho vay ở thời điểm đầu năm còn khá thấp. Trong khi đó, sự ổn định về lãi suất được hỗ trợ bởi thanh khoản dồi dào, nhờ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ động bơm ròng thanh khoản 163.500 tỷ đồng vào hệ thống qua kênh thị trường mở.
Nhóm chuyên gia tại CTCK DSC nhận định diễn biến lãi suất huy động sẽ tiếp tục ổn định trong quý 1/2025, trước khi có xu hướng nhích tăng nhẹ trong các quý sau, tương quan với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế ở mức 16%, nhằm hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025, tổng dư nợ tín dụng có thể đạt khoảng 18 triệu tỷ đồng vào cuối năm, tương đương mức tăng thêm 2,5 triệu tỷ đồng so với cuối năm 2024.
So sánh với năm 2024, khi dư nợ tín dụng tăng thêm 2,1 triệu tỷ đồng, xu hướng tăng trưởng tín trong năm 2025 được đánh giá là tất yếu nhờ vào các yếu tố hỗ trợ vững chắc gồm:
Thứ nhất, nỗ lực giữ nền lãi suất cho vay thấp nhằm kích thích nhu cầu tín dụng. Việc duy trì lãi suất cho vay ở mức thấp là một trong những công cụ quan trọng của NHNN để hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch và những biến động kinh tế toàn cầu. Qua đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội tiếp cận nguồn vốn rẻ, giúp họ mở rộng quy mô và tối ưu hóa hoạt động kinh doanh. Đây là nhóm doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng tín dụng.
Mặt khác, nguồn tín dụng tiêu dùng sẽ dễ dàng phát triển, đặc biệt trong các lĩnh vực như mua nhà, mua xe hoặc đầu tư vào giáo dục. Điều này kích thích tổng cầu nội địa và tạo hiệu ứng lan tỏa trong nhiều ngành nghề. Đặc biệt, việc kiểm soát lãi suất ở mức hợp lý giúp tránh tình trạng tín dụng đen phát triển, bảo vệ người vay và giữ ổn định cho hệ thống tài chính.
Thứ hai, thị trường bất động sản và ngành bán lẻ - tiêu dùng phục hồi mạnh mẽ, kéo theo nhu cầu vốn tăng cao. Đây là hai trụ cột quan trọng của nền kinh tế, với sức lan tỏa mạnh mẽ đến nhiều ngành nghề khác. Việc các lĩnh vực này phục hồi không chỉ tạo ra nhu cầu lớn về vốn vay mà còn thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Có thể thấy sau thời gian trầm lắng, thị trường bất động sản đang bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là ở phân khúc nhà ở và bất động sản công nghiệp. Nhu cầu vốn cho các dự án xây dựng, phát triển khu đô thị mới và khu công nghiệp tăng cao. Bên cạnh đó, người mua nhà có xu hướng tìm kiếm các gói vay dài hạn với lãi suất ưu đãi để phục vụ mục đích an cư hoặc đầu tư.
Song song đó, ngành bán lẻ và tiêu dùng cũng đang có dấu hiệu phục hồi tích cực nhờ nhu cầu mua sắm tăng cao sau đại dịch, sự phục hồi của du lịch và mức sống của người dân được cải thiện. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cần nguồn vốn lưu động lớn để phục vụ hàng tồn kho, mở rộng hệ thống phân phối và ứng dụng công nghệ trong kinh doanh.
Ngành tiêu dùng nhanh (FMCG) và bán lẻ công nghệ được đánh giá là những lĩnh vực tăng trưởng tốt, với nhu cầu vốn cao để mở rộng quy mô và gia tăng năng lực cạnh tranh. Trong khi doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến cũng tăng cường vay vốn để đầu tư vào hạ tầng logistics, kho vận và công nghệ thanh toán.
![Dự báo tỷ giá USD/VND cuối cùng sẽ kết thúc năm 2025 với mức giảm 3% hợp lý so với đồng USD](https://dddn.1cdn.vn/2025/01/05/dmhl8529.jpeg)
Thứ ba, phát triển nhanh chóng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy dòng vốn đầu tư từ cả khối ngoại lẫn khối tư nhân. Việc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng là một động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn. Chính phủ đã và đang triển khai hàng loạt dự án giao thông, năng lượng và logistics nhằm nâng cấp hệ thống hạ tầng quốc gia, qua đó tạo ra sức hút mạnh mẽ với dòng vốn đầu tư từ cả khối ngoại lẫn tư nhân.
Việc phát triển hạ tầng không chỉ góp phần tăng trưởng kinh tế mà còn là tiền đề cho việc hình thành các trung tâm kinh tế mới, mở rộng thị trường và gia tăng nhu cầu tín dụng trong nhiều ngành nghề khác nhau.
“Tổng thể, diễn biến lãi suất trong tháng 1/2025 vẫn duy trì trạng thái ổn định, cho thấy sự chủ động điều tiết của NHNN trong việc hỗ trợ thanh khoản hệ thống. Với triển vọng tăng trưởng tín dụng khả quan và các yếu tố nền tảng vững chắc, thị trường tài chính - tín dụng sẽ tiếp tục có những bước tiến tích cực trong những tháng tới, dù vẫn cần thận trọng trước những thách thức từ áp lực lạm phát và biến động bất động sản”, chuyên gia tại DSC dự báo.
Về định hướng điều hành tín dụng, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú bày tỏ: “Trong điều hành hạn mức tín dụng, chúng tôi đặt ra 16% nhưng cũng có thể cao hơn, nếu kiểm soát được lạm phát, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cho phép để đạt mục tiêu tăng trưởng. Phương thức điều hành quản lý hạn mức này trong năm 2025 tiếp tục đổi mới và tạo sự thuận lợi, chủ động cho các ngân hàng thương mại. Nếu cho vay tích cực, đúng đối tượng sẽ phát huy được nguồn vốn...”
Việc đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 16% cho năm 2025 cho thấy NHNN đang tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ mở rộng nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là khả năng điều chỉnh tăng hạn mức này nếu các chỉ số kinh tế vĩ mô thuận lợi, đặc biệt là khi lạm phát nằm trong tầm kiểm soát.
Thay vì mở rộng tín dụng ồ ạt, NHNN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cho vay đúng đối tượng, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, giúp dòng vốn được phân bổ hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Đồng thời, phương thức điều hành hạn mức tín dụng năm 2025 cũng có những thay đổi theo hướng linh hoạt và chủ động hơn, giúp các NHTM có khả năng quản lý nguồn vốn tốt hơn và đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế nhanh chóng.