Tạo nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn
Theo dự báo của Hiệp hội Bán dẫn toàn cầu (SEMI), thị trường bán dẫn Việt Nam sẽ đạt khoảng 7,01 tỷ USD vào năm 2028, tốc độ tăng trưởng khoảng 6,69%/năm trong giai đoạn 2023-2028.
![bd3-1714812759000553127335.jpg](https://dddn.1cdn.vn/2025/02/06/bd3-1714812759000553127335.jpg)
Trong xu thế ngành bán dẫn toàn cầu tiếp tục phát triển, SEMI nhận định Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiềm năng trong ngành bán dẫn, thu hút những doanh nghiệp công nghệ “khổng lồ”.
Tiềm năng to lớn
Đến nay, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chế tạo linh kiện bán dẫn, chíp, lắp ráp điện tử đang hoạt động tại Việt Nam có thể kể như: Intel Products Việt Nam, Samsung Việt Nam, Hana Micron Vina, Amkor Technology, Infineon Technologies AG, Victory Giant Technology, FPT Semiconductor, CMC, Viettel. Trong đó, Intel và Samsung đã tiếp cận Việt Nam từ rất sớm.
Giai đoạn phát triển nguồn nhân lực thiết kế chip ở Việt Nam bắt đầu từ năm 2005-2006, cũng là thời kỳ thế giới bùng nổ về Internet, các kỹ sư Việt Nam đã tận dụng được nguồn tài nguyên kiến thức phong phú và có điều kiện rất thuận lợi cho việc học hỏi, chia sẻ kiến thức chuyên ngành. Trải qua một thời gian dài, các kỹ sư Việt Nam đã chứng minh được năng lực trong công việc; từ đó, chiếm được lòng tin của các cấp quản lý ở nước ngoài. Hiện nay, các kỹ sư Việt Nam được giao những công việc đòi hỏi chuyên môn cao và nhiều thách thức trong các dự án thiết kế chip.
Trong những năm gần đây, số lượng kỹ sư từ Việt Nam ra nước ngoài làm việc cho các công ty nằm trong top 15 các công ty vi mạch bán dẫn lớn nhất toàn cầu, gia tăng đáng kể. Hơn 10 năm trước, điều này là hiếm hoi vì hồ sơ xin việc của kỹ sư chỉ làm việc ở Việt Nam thường không được đánh giá cao.
Hiện nay, Việt Nam đang sở hữu đội ngũ kỹ sư khá lành nghề với tuổi nghề trung bình đang ở độ tuổi vàng, với số năm kinh nghiệm trung bình khoảng 5 năm. Đây được coi là lợi thế rất lớn của Việt Nam vì độ tuổi này là độ tuổi có nhiều sáng tạo và đóng góp được nhiều nhất cho ngành vi mạch.
Trong bối cảnh áp lực của sự thiếu hụt nhân lực trên toàn cầu gia tăng trong khi trình độ kỹ sư Việt Nam ngày được cải tiến, các kỹ sư của Việt Nam đang được các công ty ở Singapore, Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản hay Hàn Quốc săn đón cho các vị trí công việc dài hạn. Điều này vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam tăng cường phát triển về số lượng nguồn nhân lực thiết kế chip.
So với các nước phát triển, đào tạo chính quy lĩnh vực vi mạch ở Việt Nam còn rất nhiều hạn chế. Ở một số trường đại học kỹ thuật đầu ngành, các thầy cô giáo mới chỉ dừng lại ở mức chủ động đưa các kiến thức cơ sở của lĩnh vực vi mạch vào các môn học như kỹ thuật mạch điện tử, thiết kế mạch số, thiết kế mạch tương tự, thiết kế VLSI..., chưa xuất hiện ngành đào tạo riêng về kỹ thuật thiết kế vi mạch. Tại một số trường Đại học đã có phòng thí nghiệm và giáo viên chuyên trách để nghiên cứu đào tạo chuyên sâu, nhưng điều kiện để các bạn sinh viên có cơ hội tham gia các dự án gần với thực tế khi học trong các trường đại học ở Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn.
Định hướng chiến lược
Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành sản xuất chip và linh kiện bán dẫn. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành công nghiệp bán dẫn trong nước cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nguồn nhân lực hiện đáp ứng chưa tới 20%.
Theo Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, được Chính phủ thông qua ngày 21/9/2024 thì trong giai đoạn sắp tới, 18 trường đại học sẽ được ưu tiên đầu tư ngân sách để hình thành, nâng cấp phòng thí nghiệm bán dẫn nhằm đảm bảo năng lực đào tạo ngành này. Ngân sách sẽ được đầu tư trang thiết bị, phần mềm bản quyền để hình thành, nâng cấp và hiện đại hóa các phòng thí nghiệm bán dẫn tại 18 trường công lập. Danh sách trường có thể được điều chỉnh, tùy điều kiện thực tế và hồ sơ đề xuất. 1.300 giảng viên ở các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp sẽ được đào tạo chuyên sâu về ngành công nghiệp bán dẫn. Mục tiêu là đến năm 2050, các trường đại học đủ năng lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển ngành công nghiệp này.
Để đạt được mục tiêu này, 6 nhóm nhiệm vụ được đặt ra, gồm: xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù; tổ chức đào tạo; huy động, đa dạng hóa nguồn lực; xây dựng hệ sinh thái, tạo đầu ra cho nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; thúc đẩy các nhóm nghiên cứu và phát triển; truyền thông.
Ngoài ra, Chính phủ còn đầu tư 4 phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung, đặt tại hai đại học quốc gia, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và TP Đà Nẵng.
Trong năm 2024, nhiều trường đại học thông báo mở ngành đào tạo vi mạch bán dẫn như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học CMC, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông hay Đại học Quốc gia TP.HCM.
Tôi cho rằng, để nắm bắt và hiện thực hóa cơ hội này, cần có sự đầu tư mạnh mẽ, đồng bộ vào các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu và phát triển, cũng như cải thiện cơ sở hạ tầng công nghệ. Đồng thời, cần tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo để tăng cường khả năng cạnh tranh của nước ta cho lĩnh vực này trong tương lai.