Lực ‘hút’ doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Hải Dương đã ứng dụng công nghệ cao đã mang lại nhiều hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Thúc đẩy để phát triển
Theo Sở Công Thương, hiện nay Hải Dương có hơn 60 doanh nghiệp công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, công nghệ cao, tăng 35 doanh nghiệp so với năm 2020.
Trong đó có 1 doanh nghiệp công nghệ cao được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận là Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam.
Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam chuyên sản xuất linh kiện điện tử thông minh của ô tô. Đây là doanh nghiệp Hàn Quốc, có tổng nguồn vốn FDI 400 triệu USD, dẫn đầu tại tỉnh Hải Dương.
Theo đánh giá của Sở Công Thương, khi có thêm nhiều cụm công nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh hoàn thiện hạ tầng sẽ thu hút thêm nhiều doanh nghiệp. Do đó mục tiêu năm 2025, toàn tỉnh Hải Dương có 100 doanh nghiệp công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, công nghệ cao có thể đạt được.
Hiện nay, ngành công nghiệp công nghệ cao vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp của Hải Dương (năm 2020 chiếm khoảng 2%). Giá trị sản xuất của ngành công nghiệp công nghệ cao ước thực hiện từ 2021-2024 đạt trung bình khoảng 13.150 tỷ đồng/năm. Theo ước tính, đến năm 2025, tỷ trọng ngành công nghiệp công nghệ cao đóng góp 3% vào tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp của toàn tỉnh.
Đại diện Công ty TNHH Hyundai Kefico ở khu công nghiệp Đại An cho biết: Thời gian qua Công ty đã sáng kiến cải tiến hàng loạt công nghệ. Những sáng kiến này đã được nghiên cứu, ứng dụng. Chỉ tính riêng năm 2024 đã có hơn 1.300 ý tưởng sáng tạo được áp dụng vào sản xuất, giúp cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần hoàn thiện hơn quy trình của toàn nhà máy. Ngoài ra, cuối năm 2024, Hyundai Kefico Việt Nam đã khai trương Trung tâm Phát triển phầm mềm chi nhánh Hà Nội.
Thời gian tới, Hyundai Kefico Việt Nam sẽ tập trung đầu tư cho hoạt động nghiên cứu các dòng sản phẩm mới, thân thiện môi trường và tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm. Doanh nghiệp đặt mục tiêu vượt mốc sản lượng 81 triệu sản phẩm, doanh thu dự kiến tăng 325 tỷ đồng so với năm 2024.
Bà Patricia Chung - đại diện Công ty TNHH Eastech Việt Nam cho biết: Được thành lập vào năm 2019, doanh nghiệp đã cam kết với tỉnh Hải Dương tạo ra sản phẩm có chất lượng vượt trội, sản xuất thân thiện môi trường. Vì thế, doanh nghiệp đã đầu tư nhiều tỷ đồng để mua sắm máy móc, thiết bị hiện đại áp dụng vào sản xuất. Eastech Việt Nam luôn khẳng định là đơn vị đi đầu về ứng dụng công nghệ vào sản xuất, lắp ráp tai nghe, loa âm thanh. Nhờ áp dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất, số lượng sản phẩm năm 2024 tăng 20% so với những năm trước.
Theo bà Patricia Chung Hiện nhiều khâu sản xuất của Eastech Việt Nam chỉ cần có người giám sát, rô bốt tự thực hiện phần việc của mình. Việc này vừa tăng năng suất lại tăng độ chính xác cho từng sản phẩm. Thời gian tới doanh nghiệp tiếp tục tăng cường tự động hóa cũng như tận dụng công nghệ mới để nâng cao hiệu quả sản xuất, cùng với đó là quan tâm nâng cao đời sống vật chất cho người lao động.
Đưa KHCN đi đầu
Theo Sở Công Thương, hiện nay trên địa bàn Hải Dương hiện có hơn 300 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trong khi đó, theo mục tiêu Đề án “Phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, Hải Dương phấn đấu có 240 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ vào năm 2025.
Trong số hơn 300 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có 75 doanh nghiệp cơ khí chế tạo, 80 doanh nghiệp điện-điện tử; 78 doanh nghiệp nhựa, cao su, hóa chất; 55 doanh nghiệp dệt may-da giày...
Trong giai đoạn 2021-2024, tỉnh đã chỉ đạo, tích cực hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp nội địa chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cao tỷ lệ tự động hóa trong hoạt động sản xuất, gia tăng hàm lượng công nghệ trong sản phẩm thông qua chuyển giao công nghệ. Qua đó đáp ứng nhu cầu gia công của các doanh nghiệp FDI trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua cung ứng nguyên vật liệu, khuôn mẫu, vật liệu và linh kiện sản xuất.
Công nghiệp hỗ trợ giai đoạn tiếp theo của Hải Dương là hướng tới hình thành liên kết chiến lược giữa các ngành cơ khí chế tạo, điện, điện tử, hóa chất, hóa dược, phục vụ mục tiêu sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như thiết bị cảm biến, chip điện tử, vi mạch, ô tô điện với tỷ lệ nội địa hóa từ 60-70%.
Giai đoạn 2021-2025, giá trị sản xuất ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh ước đạt trung bình 78.900 tỷ đồng/năm, chiếm 18% tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Trong đó chủ yếu là các hoạt động sản xuất phụ trợ cho ngành cơ khí, luyện kim chiếm 41%; ngành điện, điện tử chiếm 19,9%; còn lại là dệt may, da giày và các ngành khác.
Tổng Giám đốc Ford Việt Nam Ruchik Shah chia sẻ, Nhà máy Ford Hải Dương chia sẻ: Ford là một trong các nhà máy trọng điểm của Ford Motor ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, luôn tuân thủ quy trình sản xuất toàn cầu với chất lượng sản xuất cao nhất, hệ thống vận hành có tỷ lệ tự động hóa ở mức rất cao.
Năm 2024 là một năm đáng nhớ của Ford Việt Nam với nhiều cột mốc quan trọng, ghi dấu vị trí dẫn đầu của Ford ở nhiều phân khúc trong ngành ô tô Việt Nam. Những thành tích đã đạt được không chỉ từ các sản phẩm chất lượng cao, mà còn bởi việc áp dụng hàng loạt sáng kiến dịch vụ và trải nghiệm khách hàng mới, lần đầu tiên xuất hiện trong ngành ô tô như FordPass, đặt hàng trực tuyến, xe dịch vụ lưu động hay mô hình dịch vụ “4 tiếng hoặc miễn phí”.
Tổng Giám đốc Ford Việt Nam Ruchik Shah cho biết thêm: Năm 2025, chúng tôi sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để củng cố vị trí dẫn đầu của mình, tạo ra những tiêu chuẩn mới cho ngành ô tô Việt Nam. Đây sẽ là năm hứa hẹn nhiều biến đổi ngoạn mục của Ford.
Hải Dương, với mục tiêu coi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chủ chốt, những doanh nghiệp như Hyundai Kefico, Ford Việt Nam, Eastech Việt Nam, Sumidenso Việt Nam… cùng nhiều doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao khác đã góp phần quan trọng vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại.
Những doanh nghiệp này không chỉ tạo ra việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, đóng góp lớn vào ngân sách địa phương mà còn thúc đẩy sự lan tỏa công nghệ. Đây chính là “chìa khóa vàng”, là yếu tố sống còn để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu. Đồng thời hiện thực hóa khát vọng đưa Hải Dương trở thành trung tâm khoa học công nghệ của tỉnh Đồng bằng sông Hồng...