Kinh tế

Chủ động ứng phó với bài toán tỷ giá

Yến Nhung 12/02/2025 04:00

Để ứng phó với bài toán tỷ giá, bên cạnh các biện pháp từ Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp cần chủ động điều chỉnh chiến lược tài chính để giảm rủi ro.

Thực tế cho thấy, việc điều hành tỷ giá năm 2025 tiếp tục gặp nhiều thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động, đặc biệt khi những chính sách thời chính quyền Trump 2.0 đi vào thực thi. Theo dự báo, đồng USD sẽ có thể mạnh lên nửa đầu năm và chỉ suy yếu nửa cuối năm 2025. Trong bối cảnh này, Việt Nam rất khó đứng ngoài tác động tiêu cực của vòng xoáy thương chiến, đặc biệt là tìm điểm cân bằng tỷ giá.

Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã đưa ra nhiều quy định chặt chẽ hơn về công khai thông tin hay giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần - Ảnh: ITN
Thực tế cho thấy, việc điều hành tỷ giá năm 2025 tiếp tục gặp nhiều thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động - Ảnh: ITN

Theo đó, tại Việt Nam, trong tuần vừa qua tỷ giá bán ra tại các ngân hàng thương mại tăng mạnh. Tỷ giá trung tâm ngày 11/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.522 VND/USD, tăng tiếp 35 đồng so với sáng 10/2. Đây là phiên tăng tỷ giá trung tâm thứ sáu liên tiếp. Xoay quanh vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, tỷ giá USD/VND tiếp tục duy trì ở mức cao trong đầu năm nay bởi các chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ đang tác động đến kinh tế toàn cầu và việc nhà đầu tư ngoại bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục diễn ra từ đầu năm đến nay. Mặt khác, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các nước vẫn tiếp tục diễn ra có thể khiến lạm phát của Mỹ duy trì ở mức cao, khiến Cục Dự trữ liên bang (Fed) giữ nguyên lãi suất thì đồng USD sẽ tiếp tục mạnh lên.

Trong bối cảnh đó, theo ông Huân, để giảm áp lực với tỷ giá, cơ quan điều hành có thể điều tiết thị trường tiền tệ như đã thực hiện trong năm 2024. Theo đó, áp dụng các công cụ của thị trường mở để đẩy mặt bằng lãi suất nhích dần lên. Đồng thời, thực hiện các chính sách hỗ trợ xuất khẩu và tận dụng lợi thế từ việc Mỹ áp thuế cao với các thị trường khác, tiếp tục cải cách môi trường đầu tư nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài mới để tăng lượng ngoại hối vào Việt Nam. Đó là bài toán cân đối giữa thương mại, đầu tư, tiền tệ.

Còn theo GS-TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia tài chính, đồng USD tăng giá sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp, thậm chí có thể gây nên tình trạng nhập khẩu lạm phát. Trong thời gian tới, nếu đồng USD tiếp tục đà tăng, Ngân hàng Nhà nước cần có các biện pháp can thiệp mạnh hơn, đồng thời phải tính đến khoảng cách chênh lệch giữa tỷ giá của thị trường chính thức và thị trường chợ đen, có giải pháp hạn chế tình trạng đầu cơ, gây bất ổn thị trường.

Các doanh nghiệp Việt đang gặp không ít rào cản trong việc tiếp cận nguồn tài chính xanh, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ - Ảnh: ITN
Bên cạnh các biện pháp từ Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp cần chủ động điều chỉnh chiến lược tài chính để giảm rủi ro - Ảnh: ITN

Bên cạnh các biện pháp từ Ngân hàng Nhà nước, theo ông Thịnh, các doanh nghiệp cần chủ động thích ứng với biến động tỷ giá bằng cách cân đối tỷ trọng các đồng tiền thanh toán, điều chỉnh kế hoạch và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá như đa dạng hóa nguồn cung, hợp tác với ngân hàng có chính sách tài trợ thương mại ưu đãi, trích lập quỹ dự phòng biến động tỷ giá, hay đẩy mạnh thanh toán trước hạn các khoản vay ngoại tệ, đặc biệt là khoản vay USD.

Bên cạnh việc đa dạng hoá đồng tiền thanh toán để phân tán rủi ro, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu chấp nhận bỏ ra một khoản tiền để mua bảo hiểm tỷ giá. Trong trường hợp dự đoán tỷ giá có thể tăng, doanh nghiệp sẽ mua kỳ hạn trước để có mức chi phí cố định, từ phía doanh nghiệp, ông Đinh Quang Hoàn, Chủ tịch HĐQT Công ty Hóa dược Quốc tế Hà Nội HIPC Group chia sẻ giải pháp này.

“Khi chúng tôi mua bảo hiểm tỷ giá trong tháng hoặc trong kỳ, khi hàng hóa về, chúng tôi yên tâm không phải lo tăng hay giảm, tính lại giá thành cho người tiêu dùng hay người tiêu dùng cũng có mức giá ổn định", đại diện doanh nghiệp chia sẻ.

Dù vậy, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu mong muốn Nhà nước có những điều tiết sao cho tỷ giá không biến động nhiều, tốt nhất nên ổn định tỷ giá trong một thời gian đủ dài. Đồng thời, đẩy mạnh xuất khẩu, cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài giúp tăng nguồn lực ngoại tệ, ứng phó với những biến động về tỷ giá.

Yến Nhung