Thủ tướng Phạm Minh Chính: Khoa học công nghệ là chìa khóa thịnh vượng
Chiều 11/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nhân lực chất lượng cao để thúc đẩy kinh tế.
![thutuong.jpg](https://dddn.1cdn.vn/2025/02/11/thutuong.jpg)
Đầu tư mạnh mẽ vào khoa học công nghệ
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu của hội nghị là thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên, tạo nền tảng cho những năm tiếp theo hướng tới mức tăng trưởng hai con số. Đồng thời, hội nghị triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết này. Theo đó, việc triển khai phải đảm bảo "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm".
Thủ tướng khẳng định, tăng trưởng kinh tế bền vững phải dựa trên việc nâng cao năng suất lao động, mà nền tảng là phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Ông nhấn mạnh, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu, đầu tư vào lĩnh vực này chính là đầu tư cho phát triển.
Chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra bảy nhóm nhiệm vụ với 142 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, cơ quan, địa phương. Vấn đề quan trọng là tổ chức thực hiện sao cho các lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nhân lực chất lượng cao thực sự trở thành động lực chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá thực trạng phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nhân lực chất lượng cao; nhận diện những thách thức cần khắc phục cũng như cơ hội cần tận dụng. Đồng thời, ông đề nghị đóng góp ý kiến về các giải pháp đột phá, đặc biệt trong ba lĩnh vực then chốt: thể chế, hạ tầng và nhân lực.
Thủ tướng Chính phủ cho biết đã giao các cơ quan khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách mới nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Dự thảo sẽ được trình Quốc hội ngay tại kỳ họp bất thường sắp tới, đồng thời, dự án sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ sẽ được trình vào Kỳ họp tháng 5.
Với tinh thần “rất khẩn trương, vừa chạy vừa xếp hàng”, Thủ tướng nhấn mạnh việc giải phóng tư duy, huy động mọi nguồn lực để phát triển. Đồng thời, đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến về các nhiệm vụ bứt phá để chuyển đổi số thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần cải tạo tư liệu sản xuất và xây dựng cơ sở dữ liệu.
Khẳng định vai trò then chốt của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Thủ tướng nhấn mạnh đây là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu. Ông kêu gọi sự vào cuộc đồng bộ của toàn bộ hệ thống chính trị, không chỉ ở các cơ quan nhà nước, các trường đại học, viện nghiên cứu, mà cả doanh nghiệp và toàn dân, với tinh thần lấy người dân làm trung tâm, chủ thể của quá trình phát triển.
Chín nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến, rà soát, hoàn thiện và sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực chất lượng cao góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để đôn đốc thực hiện, nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực chất lượng cao là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu cho sự phát triển đất nước, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể.
Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực chất lượng cao có 3 ý nghĩa quan trọng: Góp phần tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nhanh và bền vững; góp phần nâng cao năng suất lao động tổng hợp của toàn xã hội; nâng cao tính cạnh tranh, hội nhập của nền kinh tế quốc gia.
Đánh giá kết quả, hiệu quả thời gian qua trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nguồn nhân lực, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, như đổi mới tư duy trong và phát triển nông nghiệp, lấy nông nghiệp làm trụ đỡ, góp phần xoá đói giảm nghèo, đưa đất nước thoát nghèo; tập trung cho 3 đột phá chiến lược, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả; tạo đà, tạo lực, tạo thế đưa đất nước trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao, rồi nhìn xa, trông rộng hơn là trở thành đất nước phát triển có thu nhập cao. Tuy nhiên, những kết quả đạt được so yêu cầu phát triển và quyền hưởng thụ của người dân thì chưa được cao.
Về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sắp tới, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ đã xác định rất rõ các nhóm nhiệm vụ với các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng nhấn mạnh thêm 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đối với tăng trưởng cao và bền vững.
Thứ hai, rà soát lại ở tất cả các cấp, các ngành, các viện, trường, doanh nghiệp về những nút thắt, vướng mắc về mặt thể chế, cơ chế, chính sách để tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung kịp thời, hiệu quả, nhất là từ thực tế hoạt động của các đơn vị; công việc này phải làm trong quý I và quý II năm 2025.
Thứ ba, phải đẩy mạnh phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng giao thông, hạ tầng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hạ tầng năng lượng, hạ tầng y tế, giáo dục, xã hội, thể thao, hạ tầng văn hoá, công nghiệp văn hoá, giải trí; xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo; phát triển hạ tầng phải bao trùm, toàn diện các lĩnh vực trên cả nước.
Thứ tư, phải đa dạng hoá các nguồn lực gồm nguồn lực của Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp và trong xã hội; nguồn hợp tác công tư, xã hội hoá; nguồn đi vay, phát hành trái phiếu Chính phủ. Muốn phát triển lĩnh vực, ngành nào thì phải có cơ chế chính sách, huy động nguồn lực để ưu tiên phát triển ngành đó.
Thứ năm, đổi mới và đa dạng hoá các hình thức đào tạo; như đào tạo từ cấp phổ thông đến đại học, trên đại học, đào tạo bổ sung, đào tạo chuyên gia, đào tạo kỹ thuật, đào tạo trong nước và ngoài nước, thuê chuyên gia, hợp tác đào tạo, xây dựng cơ chế đặc thù cho đào tạo, thu hút nhân tài…
Thứ sáu, quản trị phải thông minh, tối ưu hoá quản lý, xoá bỏ cơ chế xin-cho, thủ tục rườm rà, tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường giám sát, kiểm tra, tăng cường hậu kiểm, giảm tiền kiểm; quản lý đánh giá trên hiệu quả tổng thể chứ không phải hiệu quả cục bộ; phát triển đi đôi với bảo đảm môi trường, an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thứ bảy, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hội nhập, đặc biệt là chuyển giao công nghệ nguồn, công nghệ lõi, tiên tiến nhất để "xoay chuyển tình thế, thay đổi trạng thái" nhanh nhất, nhất là các lĩnh vực xác định ưu tiên. Nhân dịp này, Thủ tướng cảm ơn các tập đoàn kinh tế, công nghệ lớn trên thế giới có mặt ở Việt Nam.
Thứ tám, các bộ, ngành, địa phương, các cấp, viện, trường, nhà khoa học cần hợp tác chặt chẽ, hiệu quả trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi chủ thể, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của đất nước lên trên hết, trước hết, trên tinh thần "lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ", cạnh tranh lành mạnh và hợp tác hiệu quả; coi trọng thời gian, trí tuệ, sự quyết đoán, quyết liệt trong tổ chức hành động; tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó.
Thứ chín, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam trên toàn cầu để thu hút chất xám, công nghệ, nguồn nhân lực ở khắp thế giới trên mọi lĩnh vực. Thủ tướng cũng kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tiếp tục đóng góp cho Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) tại Hoà Lạc, Hà Nội.