Hải Dương: điểm sáng bất động sản công nghiệp
Những ngày đầu năm 2025, bất động sản công nghiệp Hải Dương được đánh giá là phân khúc sáng khi được chấp nhận chủ trương đầu tư hàng loạt dự án.
Là một trong những địa phương có vị trí thuận lợi khi nằm ở trung tâm của vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc, Hải Dương trở thành cầu nối giữa Hà Nội với các địa phương lân cận như TP Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh…
Nhiều lợi thế hấp dẫn
Tam giác kinh tế Hải Dương – Hải Phòng – Quảng Ninh cũng có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối hiện đại, đồng bộ và ngày càng được mở rộng bao gồm đường sắt, đường bộ (quốc lộ 5, 10, 18, 37,38, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) và gần các sân bay quốc tế như sân bay Cát Bi, sân bay Nội Bài… Cùng với các tuyến giao thông nội tỉnh đã và đang được đầu tư là một điểm cộng cho doanh nghiệp trong các khu công nghiệp Hải Dương thuận tiện trong việc vận chuyển hàng hóa, tiết kiệm nhiều chi phí sản xuất, vận chuyển cho doanh nghiệp.
Theo báo cáo xúc tiến đầu tư chi tiết về tiềm năng, định hướng phát triển giai đoạn 2022-2023 của tỉnh Hải Dương, địa phương này được đánh giá là nơi có diện tích đất công nghiệp đứng thứ 5 tại miền Bắc với nguồn cung dồi dào, mở ra dư địa cho phát triển nền kinh tế công nghiệp với quy mô đa dạng trong giai đoạn tới.
Đại diện Công ty TNHH Hitachi Cable Việt Nam, KCN Tân Trường, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương cho biết: "Doanh nghiệp chúng tôi đầu tư vào Hải Dương do nơi đây có vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng giao thông cũng ngày càng đồng bộ, hiện đại, được đầu tư bài bản, kết nối được với các trung tâm công nghiệp lớn phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… đáp ứng tốt nhu cầu của các doanh nghiệp".
"Bên cạnh đó, Hải Dương cũng có nhiều trường nghề, chất lượng lao động ngày càng nâng cao, phù hợp với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phụ trợ. Ngoài ra, tỉnh cũng có nhiều hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư như ưu đãi thuế, hỗ trợ thủ tục hành chính nhanh gọn”, đại diện Công ty TNHH Hitachi Cable Việt Nam thông tin thêm.
Thị trường bất động sản miền Bắc nói chung và Hải Dương nói riêng có thể xem là cánh tay nối dài của “công xưởng thế giới”. Việc tận dụng tốt lợi thế, đánh giá đúng tiềm năng bất động sản công nghiệp của Hải Dương sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho các nhà đầu tư trong quá trình xây tổ.
Tín hiệu sáng từ thị trường
Hiện tỉnh Hải Dương đã thành lập được 17 khu công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 2.738 ha. Trong đó, 12 khu công nghiệp đã đầu tư xây dựng hạ tầng, khai thác kinh doanh, 5 khu công nghiệp đang giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch, thi công xây dựng hạ tầng và xúc tiến thu hút đầu tư. Tỷ lệ lấp đầy trung bình của các khu công nghiệp đã thành lập trên địa bàn tỉnh ước tính khoảng 62,06%. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các khu công nghiệp đều đã được đầu tư xây dựng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật (hệ thống điện, cấp nước, viễn thông…), bảo đảm kết nối đồng bộ giữa các doanh nghiệp trong khu vực.
Theo quy hoạch tỉnh Hải Dương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, tỉnh có 32 khu công nghiệp, với tổng diện tích 5.661 ha. Đặc biệt, tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ thành lập khu kinh tế chuyên biệt với quy mô khoảng 5.300 ha, trong đó sẽ hình thành các khu công nghiệp quy mô lớn, khu đô thị đồng bộ hiện đại, cùng với trung tâm đổi mới sáng tạo, các khu logistics, khu phi thuế quan.
Để tận dụng thời cơ thu hút vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển vào Việt Nam, Hải Dương đang đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch, thi công xây dựng hạ tầng và xúc tiến thu hút đầu tư đối với 5 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch hơn 1.100 ha gồm: An Phát 1 (180 ha), Phúc Điền mở rộng (gần 236 ha), Gia Lộc giai đoạn II (gần 198 ha), Tân Trường mở rộng (hơn 112 ha), Kim Thành (165 ha) và giai đoạn II của Khu công nghiệp Đại An mở rộng (gần 236 ha).
Bên cạnh đó, Hải Dương đã và đang triển khai nhiều dự án giao thông - vận tải, hệ thống hạ tầng hiện đại, nhằm tạo bước tiến cho các dự án khu công nghiệp. Địa phương có nhiều công trình giao thông, thúc đẩy liên kết vùng như tuyến đường cầu Triều nối đường tỉnh ĐT 389, cầu Mây kết nối ĐT 389 với Quốc lộ 5, xây dựng đường nối đầu cầu Triều với thị xã Kinh Môn... Chính bởi sự thuận tiện này, nhiều dự án đã đầu tư vào các ngành mũi nhọn về công nghiệp chế tạo, chế biến, điện, điện tử, công nghệ cao tại các khu công nghiệp Đại An, Đại An mở rộng, An Phát 1, Lương Điền - Cẩm Điền.
Theo đại diện chủ đầu tư khu công nghiệp Cộng Hòa, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương chia sẻ: Ngay từ đầu năm 2025 đã có 2 doanh nghiệp nước ngoài thuê đất đầu tư sản xuất tại khu công nghiệp này. Đến nay tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp Cộng Hòa đạt tỷ lệ 98% với suất đầu tư bình quân 10 triệu USD/ha. Khu thu hút đa số doanh nghiệp công nghệ cao, hiện đại, sử dụng ít lao động nên nhóm ngành nghề cũng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, phụ kiện, sản phẩm phụ trợ.
Để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển công nghiệp đã đề ra, tới đây, Hải Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian phê duyệt quy hoạch xuống mức ngắn nhất để các nhà đầu tư sớm khởi động các dự án sản xuất kinh doanh.
Với những lợi thế sẵn có cùng nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn từ chính quyền, bất động sản Hải Dương đang tiếp tục vươn lên trở thành điểm sáng trong bản đồ thu hút đầu tư, đưa nơi đây sớm trở thành trung tâm công nghiệp trọng điểm, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế khu vực và cả nước.