Doanh nghiệp

Tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng

Hạnh Lê 12/02/2025 03:23

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và cải biến mạnh mẽ về thể chế; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; đa dạng các động lực tăng trưởng.

Theo Tổng cục Thống kê, nhìn lại thời kỳ phát triển của đất nước hơn 40 năm qua, từ khi bắt đầu thực hiện đổi mới kinh tế năm 1986, có giai đoạn 5 năm từ 1992-1996 tăng trưởng kinh tế của Việt Nam rất cao, bình quân đạt 8,8%/năm. Đó là những năm đất nước dần thoát khỏi tình trạng trì trệ, suy thoái kéo dài và bật nhanh do những đột phá về tư duy, cởi trói cho hoạt động sản xuất, chuyển mình từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường và bắt đầu bước ra thế giới.

Các hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm, góp vốn mua cổ phần (ảnh minh hoạ)
Đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ và bảo vệ môi trường đang trở thành xu hướng phát triển tất yếu trên toàn cầu, đòi hỏi kinh tế Việt Nam cần thay đổi và thích ứng

Từ năm 2011 đến nay, chỉ có năm 2022 tăng trưởng kinh tế đạt 8,54% do nền tăng thấp của năm 2021 bị tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19). Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng đạt 8% trở lên trong bối cảnh kinh tế trong nước đang đối mặt với nhiều rủi ro do tác động của biến động toàn cầu như căng thẳng địa chính trị, chuỗi cung ứng toàn cầu yếu, thiếu hụt nguồn cung… cũng như những khó khăn, tồn tại nội tại.

Tuy mục tiêu đặt ra nhiều thách thức nhưng thời điểm này, Tổng cục Thống kê nhận định, nền kinh tế đang được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố tích cực tạo đà cho tăng trưởng.

Trên thế giới, thương mại hàng hóa toàn cầu được cải thiện, điều kiện thị trường tài chính tiếp tục được nới lỏng, thị trường lao động phục hồi tích cực; đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ và bảo vệ môi trường đang trở thành xu hướng phát triển tất yếu. Kinh tế thế giới đang có sự chuyển đổi đan xen giữa tự do hoá và bảo hộ, giữa đa phương và song phương, nhất là trong bối cảnh địa chính trị có những diễn biến khó lường.

Trước bối cảnh này, các quốc gia, trong đó có Việt Nam luôn chú trọng điều chỉnh chiến lược và chính sách nhằm tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao vị thế xuất khẩu, khai thác tốt lợi thế thương mại và các dòng vốn đầu tư nước ngoài cho phát triển kinh tế.

Ở trong nước, theo Tổng cục Thống kê, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những trao đổi, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trong và nước ngoài nhằm tiếp nhận, đối thoại về những vấn đề, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, nhất là các thị trường tín dụng, thị trường bất động sản, phát triển kinh tế tư nhân… góp phần củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đang tạo ra cơ hội lớn cho Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghệ cao.

Các doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ cần chú ý giảm giá thành để tăng tính cạnh tranh
Các doanh nghiệp cần được hỗ trợ tiếp cận với vốn vay ưu đãi, lãi suất hợp lý, hỗ trợ giảm chi phí, tiếp cận công nghệ mới, nâng cao năng lực cạnh tranh

Cùng với các động lực tăng trưởng truyền thống, kinh tế số, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo được xác định là động lực tăng trưởng mới, là nền tảng cho tăng năng suất, hiệu quả của nền kinh tế. Phát triển công nghiệp bán dẫn là mục tiêu chiến lược, động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp như thương mại điện tử, chế biến chế tạo, logistics. Đây cũng là yếu tố nền tảng cho sự phát triển của nền kinh tế số, xã hội số tại Việt Nam.

Để đón đầu tăng trưởng trung và dài hạn, năm 2025 - năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn ghi nhận mức đầu tư công kỷ lục lên tới 791.000 tỷ đồng (tương đương 6,4% GDP) đã được Quốc hội phê duyệt. Nhiều đổi mới mạnh mẽ trong đầu tư công được thực hiện, trong đó, sẽ tập trung đầu tư ưu tiên cho các ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt của nền kinh tế, bố trí vốn tập trung cho các công trình giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm có ý nghĩa lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội…

Chính phủ đang quyết tâm triển khai các chương trình, dự án lớn như đường sắt cao tốc Bắc Nam, điện hạt nhân, thu hút “đại bàng” trong lĩnh vực công nghệ. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng như thép, xi măng, nhựa đường, logistics, bất động sản dân dụng và các hoạt động sản xuất công nghiệp được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ các dự án đầu tư công.

Để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng cao, ngoài các giải pháp trên, Tổng cục Thống kê cho rằng cần chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất; kiểm soát giá cả, thị trường; chủ động có phương án ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh. Đồng thời, đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước; thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa…

Tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cũng là giải pháp quan trọng, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được tiếp cận với vốn vay ưu đãi, lãi suất hợp lý.

Hạnh Lê