Doanh nghiệp

Nâng tầm giá trị và văn hoá cà phê Việt

Hạnh Lê 12/02/2025 17:11

Sản phẩm cà phê Việt và các doanh nghiệp trong ngành đang nỗ lực vươn lên phân đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị, góp phần nâng tầm văn hoá và giá trị xuất khẩu.

Đây là một trong những ý nghĩa quan trọng được truyền tải từ lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 với chủ đề “Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới” tổ chức từ ngày 9 -13/3 tới.

Mr Ha
Ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh xác định chiến lược trọng tâm là chuyển đổi đầu tư chế biến hàng hoá nông sản chủ lực, trong đó có cà phê

Tại họp báo lễ hội, ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, bước sang năm 2025, cà phê của Việt Nam tiếp tục đạt kỷ lục mới với giá trị xuất khẩu hơn 5,4 tỷ USD. Giá tăng cao và có lợi cho nhà nông, cà phê nằm trong top 10 ngành hàng xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt.

Buôn Ma Thuột được xem là “thủ phủ cà phê của Việt Nam” với diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất cả nước. Cà phê của tỉnh đã xuất khẩu đến hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Năm 2024 giá trị xuất khẩu nông sản của tỉnh đạt 1,7 tỷ USD, trong đó mặt hàng cà phê đạt hơn 1,2 tỷ USD.

Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê hiện cơ bản là sơ chế. Nhằm gia tăng giá trị xuất khẩu, đảm bảo tăng trưởng phát triển bền vững, ông Nguyễn Tuấn Hà cho biết thêm: trong giai đoạn phát triển tới, tỉnh Đắk Lắk xác định chiến lược trọng tâm là chuyển đổi kinh tế sang đầu tư chế biến hàng hoá nông sản chủ lực, trong đó có cà phê. Tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi nhanh để giảm xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu các sản phẩm chế biến chất lượng cao.

“Tỉnh đang báo cáo Chính phủ đề án đưa Đắk Lắk trở thành điểm đến cà phê thế giới được xây dựng công phu, trong đó có việc duy trì tổ chức lễ hội cà phê. Trong giai đoạn phát triển mới với yêu cầu cao, tỉnh cần nguồn lực mới cho tăng trưởng, trong đó có mặt hàng cà phê” - ông Nguyễn Tuấn Hà chia sẻ.

cf.jpg
Thông qua lễ hội cà phê, các nhà quản lý, doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi hợp tác kinh doanh, giới thiệu hình ảnh đặc sắc về văn hóa cà phê

Tại lễ hội cà phê lần này, tỉnh Đắk Lắk tổ chức khởi công nhà máy cà phê năng lượng Trung Nguyên Legend; tổ chức nhiều hoạt động quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, kết nối giao thương các doanh nghiệp trong và ngoài nước, gắn kết giữa sản xuất và xuất khẩu, mở rộng thị trường nhằm phát huy tối đa nội lực, tranh thủ nguồn lực bên ngoài, tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển nhanh có hiệu quả.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà thông tin, lễ hội có sự tham gia của Tổng giám đốc Hiệp hội cà phê thế giới, tạo cơ hội tốt cho các nhà quản lý, doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi hợp tác kinh doanh, giới thiệu hình ảnh đặc sắc về văn hóa cà phê, các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Cùng với địa phương, các doanh nghiệp sản xuất và chế biến cà phê đang đầu tư các nguồn lực lớn để chuyển đổi sản xuất chế biến sâu theo công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm cà phê chất lượng cao của các thị trường lớn trên thế giới. Bà Phú Minh - đại diện công ty CP tập đoàn quốc tế Mỹ Việt cho biết: doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền sấy lạnh cà phê theo công nghệ mới nhất hiện nay. Với dây chuyền chế biến sâu, cà phê giữ được nguyên chất hương vị cùng nhiều thành phần tốt cho sức khoẻ.

Còn theo bà Võ Thị Hà Giang - Giám đốc truyền thông tập đoàn Trung Nguyên, hiện nay các doanh nghiệp Việt đang dần vươn lên những nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu, cung cấp các sản phẩm chế biến cà phê đóng gói và xuất khẩu sản phẩm có thương hiệu; phát triển chuỗi cửa hàng phân phối tại một số thị trường trọng điểm góp phần quảng bá triết lý văn hoá cà phê ra thế giới

Hạnh Lê