Ứng phó thương chiến (Kỳ 2): Tận dụng lợi thế để đàm phán
Dù Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị tác động tiêu cực từ thương chiến, nhưng lại có một số lợi thế để có thể đàm phán với chính quyền Trump.

Cả Mỹ và Trung Quốc đã công bố các mức thuế quan và các biện pháp phi quan thuế nhằm vào hàng hóa nhập khẩu của nhau. Điều này đã “khơi mào” cho chiến tranh thương mại 2.0.
Vấn đề đang lưu ý là nền kinh tế Trung Quốc đang trong trạng thái rất khó khăn. Do đó, các tác động tiêu cực từ thương chiến 2.0 sẽ trở nên nặng nề hơn, như vốn FDI tiếp tục rút khỏi Trung Quốc, thất nghiệp gia tăng, bất động sản thêm khó khăn, giảm phát nghiêm trọng hơn,… Điều này cũng sẽ phần nào tác động đến kinh tế Việt Nam.
Tác động từ phía Trung Quốc
Kinh tế Trung Quốc suy giảm cũng có nghĩa là nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam suy giảm vì cầu tiêu dùng giảm. Tuy nhiên, mức sụt giảm có thể không lớn vì qui mô nền kinh tế Trung Quốc rất lớn, trong khi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc lại rất nhỏ. Trong tổng kim ngạch thương mại hai nước 11 tháng đầu năm 2024 khoảng 200 tỷ USD, xuất khẩu của Việt Nam chỉ khoảng 55,2 tỷ USD.
Giả định tăng trưởng của Trung Quốc năm 2025 không thay đổi, ở mức 4,8% như dự báo, thì xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ ít có thay đổi đáng kể.
Vấn đề lớn hơn đối với Việt Nam là hàng hóa dư thừa từ Trung Quốc và dòng vốn FDI từ nước này sẽ tràn sang Việt Nam chủ yếu nhằm lách thuế quan của Mỹ. Hiện tại, hiện tượng hàng hóa dư thừa của Trung Quốc được bán tháo với giá rẻ, cộng với việc khai thác tiềm lực thương mại online nhờ nắm công nghệ, đang gây sức ép rất lớn đối với các mặt hàng tiêu dùng của Việt Nam.
Đáng lo ngại hơn, dòng vốn FDI của Trung Quốc đang tràn sang Việt Nam. Họ mua rất nhiều các khu công nghiệp bằng mọi giá để triển khai sản xuất với mục đích cơ bản là để “rửa” nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa Trung Quốc nhằm lách thuế quan của Mỹ. Đây là lý do chính giải thích tại sao Việt Nam tăng kỷ lục nhập siêu từ Trung Quốc trong năm 2024, trong khi cùng lúc tăng xuất siêu sang Mỹ. Phía Mỹ đã cảnh báo Việt Nam về việc này.
Nếu tình hình này không bị ngăn chặn, các nhà sản xuất khác của Việt Nam sẽ chịu hậu quả khi Mỹ áp thuế cao, thậm chí cấm vận, đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ.
Tác động từ phía Mỹ
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 30% kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, Việt Nam đứng thứ tư thặng dư thương mại với Mỹ trong năm 2024, đạt kỷ lục 123,5 tỷ USD, tăng tới 20% so với năm 2023, đứng sau Trung Quốc 295,48 tỷ USD, EU 235,57 tỷ USD và Mexico 171,8 tỷ USD.
Trong cùng kỳ, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc rất lớn với mức kỷ lục 75 tỷ USD trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc tăng kỷ lục lên 130,5 tỷ USD chỉ tính đến hết tháng 11/2024, tăng hơn 30,1%.
Do đó, Việt Nam có nguy cơ trở thành nơi “rửa nguồn xuất xứ” cho hàng hóa Trung Quốc nhằm lách thuế quan để xuất sang Mỹ, đặc biệt là các sản phẩm trong ngành bán dẫn, đồ điện tử, pin mặt trời. Trong nhiệm kỳ I của ông Trump, Việt Nam đã từng bị quy kết là quốc gia “thao túng tiền tệ” và “nguy hiểm” đối với thương mại Mỹ.
Lợi thế của Việt Nam
Dù Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị trừng phạt thương mại từ Mỹ, nhưng hiện tại Việt Nam được cho là có một số lợi thế và ứng xử khôn ngoan. Điều này có thể sẽ giúp Việt Nam vượt qua rào cản thuế quan.
Thứ nhất, Việt Nam không phải là đối thủ cạnh tranh và gây mất an ninh cho Mỹ như Mexico, Canada và Trung Quốc trong các hồ sơ ưu tiên của ông Trump như vấn nạn di cư bất hợp pháp, buôn lậu fentanyl vào Mỹ… nên tạm thời chưa bị xem xét.
Thứ hai, Việt Nam tìm mua thêm máy bay vận tải quân sự, khí hóa lỏng, trang thiết bị an ninh, máy bay không người lái,…
Thứ ba, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT Vietjet Air đã tới Malago để mua thêm máy bay dân sự (nâng mức đã cam kết 100 chiếc lên 200 chiếc Boeing), ký thỏa thuận xây dựng hệ thống internet trên máy bay cho hàng trăm chiếc của Vietjetair với ông Elon Musk.
Thứ tư, ông Elon Musk cũng coi Việt Nam như một trung tâm trong chuỗi cung ứng chip máy tính của mình.
Thứ năm, Mỹ cũng tìm kiếm hợp tác trong lĩnh vực đất hiếm, đào tạo nhân lực công nghệ cao, AI với Việt Nam.
Thứ sáu, Việt Nam đã có hợp tác tích cực với Mỹ trong nhiệm kỳ I của ông Donald Trump khi hứa mua thêm máy bay, hàng hóa nông sản Mỹ và đã trở thành đối tác chiến lược với Mỹ dưới thời ông Biden nên có một số thuận lợi để đàm phán.