Vì sao “Vua tôm” Minh Phú lỗ đậm?
Do hiệu quả kinh doanh các công ty nuôi tôm thương phẩm và sản xuất giống trong kỳ đang trái vụ, đạt hiệu quả thấp, khiến “Vua tôm” Minh Phú lỗ đậm.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024 mới công bố, Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UpCOM: MPC) ghi nhận doanh thu đạt gần 3.900 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do giá vốn tăng mạnh hơn, lên hơn 3.797 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng gần 29,5% so với cùng kỳ, nên lợi nhuận gộp của “Vua tôm” Minh Phú chỉ đạt hơn 101 tỷ đồng, giảm hơn 65% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù trong kỳ này, doanh nghiệp đã tiết giảm được phần lớn chi phí, cùng với doanh thu tài chính tăng lên đáng kể, nhưng vẫn không thể cứu doanh nghiệp khỏi một quý kinh doanh thua lỗ, với mức lỗ sau thuế hơn 190 tỷ đồng, cùng kỳ lãi hơn 9 tỷ đồng. Doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân thua lỗ là do hiệu quả kinh doanh các công ty nuôi tôm thương phẩm và sản xuất giống của tập đoàn trong kỳ đang trái vụ và đạt hiệu quả thấp.
Lũy kế cả năm 2024, MPC ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 14.731 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ ròng 235 tỷ đồng; lỗ Công ty mẹ hơn 240 tỷ đồng. Đây cũng là mức lỗ cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của “Vua tôm” Minh Phú. Kết quả này cũng đã đi ngược lại với mong muốn của lãnh đạo doanh nghiệp, khi trong năm 2024, lãnh đạo MPC đặt kỳ vọng lớn với mục tiêu doanh thu đạt 18.568 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.265 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh ảm đạm của “Vua tôm” Minh Phú, một trong những doanh nghiệp đầu ngành tôm trong 2 năm qua cũng đã phản ánh phần nào bức tranh chung của ngành tôm Việt Nam, khi trong năm 2024, mặc dù kim ngạch xuất khẩu đã có sự tăng trưởng, nhưng ngành tôm vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn như sự biến động của giá tôm và các yếu tố kinh tế toàn cầu.
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của ngành tôm đạt khoảng 4 tỷ USD, tăng trưởng 15% so với năm 2023. Ngành tôm Việt Nam đã nhận được những tín hiệu khả quan, đặc biệt là từ thị trường Mỹ. Nhờ vào sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ thủy sản, đặc biệt trong dịp lễ cuối năm, xuất khẩu tôm sang Mỹ đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Tương tự, nhu cầu tiêu thụ tôm tại các thị trường lớn như EU và Nhật Bản cũng tăng đều.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh quốc tế với các quốc gia như Ecuador, Ấn Độ, và Indonesia vẫn luôn hiện hữu, cùng với những khó khăn về giá và chi phí sản xuất, rào cản thương mại, ảnh hưởng của dịch bệnh và biến đổi khí hậu… đã gây áp lực lên ngành tôm Việt Nam.
Trong năm 2025, các chuyên gia dự báo xuất khẩu tôm của Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn như việc thiếu tôm nguyên liệu sẽ kéo dài đến hết quý I/2025; lượng tôm thương phẩm giảm mạnh khiến cho giá tôm nguyên liệu tăng cao, làm tăng chi phí và gây lỗ cho các doanh nghiệp chế biến…
Nhìn rộng ra, theo kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 79/QĐ-TTg ngày 18/01/2018 đề ra mục tiêu đến năm 2025, tổng diện tích nuôi tôm cả nước sẽ đạt 750 nghìn ha, sản lượng đạt trên 1 triệu tấn, giá trị xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD.
Đến nay, diện tích nuôi tôm của Việt Nam đã tăng từ mức 644 nghìn ha năm 2012 lên 740 nghìn ha năm 2024; sản lượng tôm thu hoạch từ mức 463 nghìn tấn năm 2012 lên 1,3 triệu tấn năm 2024. Nhìn tổng thể, ngành nuôi tôm đã đạt được mục tiêu về diện tích và sản lượng theo như kế hoạch. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu tôm gần như “dậm chân tại chỗ” từ năm 2018 đến nay.
Cụ thể: năm 2017 đạt 3,7 tỷ USD; năm 2018 là 3,55 tỷ USD; năm 2019 là 3,38 tỷ USD; năm 2020 là 3,69 tỷ USD; năm 2021 đạt 3,88 tỷ USD. Năm 2022, xuất khẩu tôm lập kỷ lục với 4,3 tỷ USD. Tuy nhiên đến năm 2023, xuất khẩu tôm chỉ còn 3,38 tỷ USD, giảm 21,7% so với năm 2022. Năm 2024, ngành tôm đạt kim ngạch xuất khẩu 4 tỷ USD. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2025 cũng chỉ khoảng 4,3 tỷ USD – 4,5 tỷ USD. Như vậy, mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2025 của ngành tôm Việt Nam cũng được xem là đầy thách thức.