Thuế thu nhập cá nhân: “Làm mới” để bắt kịp thời đại!
Đã đến lúc “làm mới” chính sách thuế thu nhập cá nhân phù hợp với sự phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và công bằng, đồng thời duy trì động lực tiêu dùng và sản xuất.
Việc Bộ Tài chính rà soát, đánh giá toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân, đặc biệt là mức giảm trừ gia cảnh, không chỉ là tín hiệu tích cực mà còn thể hiện sự lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ thực tiễn. Bởi, trong bối cảnh giá cả sinh hoạt leo thang, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không còn phù hợp, khiến nhiều người lao động chịu gánh nặng thuế quá lớn so với thu nhập thực tế.

Sự điều chỉnh này, nếu được thực hiện kịp thời và hợp lý, sẽ góp phần giảm áp lực tài chính cho người nộp thuế, từ đó thúc đẩy tiêu dùng, kích thích tăng trưởng kinh tế. Điều quan trọng là chính sách sửa đổi cần bám sát thực tiễn đời sống, đảm bảo công bằng và phù hợp với mức sống của người dân, thay vì chỉ mang tính chất điều chỉnh kỹ thuật trên giấy tờ.
Quy định điều chỉnh cứng nhắc
Thực tế cho thấy, việc duy trì mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc từ năm 2020 đến nay đã không còn phù hợp trong bối cảnh lạm phát và chi phí sinh hoạt liên tục tăng cao.
Chính vì vậy, đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 16 - 18 triệu đồng/tháng đang nhận được sự đồng thuận cao. Đây không chỉ là một điều chỉnh mang tính kỹ thuật mà còn là bước đi cần thiết nhằm đảm bảo công bằng cho người nộp thuế, phản ánh sát thực tế thu nhập và mức sống hiện nay. Quan trọng hơn, chính sách thuế phải linh hoạt, có cơ chế điều chỉnh định kỳ để tránh tình trạng lạc hậu, gây thiệt thòi cho người dân và ảnh hưởng đến sức mua của nền kinh tế.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, với mức tăng CPI trung bình 3,5 - 4% mỗi năm, giá trị thực tế của mức giảm trừ gia cảnh ngày càng suy giảm, khiến gánh nặng thuế thu nhập cá nhân ngày một lớn hơn đối với người lao động. Tính từ lần điều chỉnh gần nhất vào năm 2020, giá cả trung bình đã tăng khoảng 10-15%, nhưng mức giảm trừ gia cảnh vẫn không thay đổi, dẫn đến thu nhập thực tế của người nộp thuế bị bào mòn đáng kể.
Mà theo quy định hiện hành, chỉ khi CPI tăng trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực hoặc lần điều chỉnh gần nhất, Chính phủ mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Điều này đồng nghĩa với việc người dân phải chờ đợi đến khi lạm phát tăng mạnh mới có cơ hội được giảm bớt áp lực thuế. Nhiều chuyên gia cho rằng quy định này quá cứng nhắc, chưa theo kịp thực tế biến động kinh tế - xã hội, dẫn đến tình trạng mức giảm trừ gia cảnh thường xuyên bị tụt hậu so với chi phí sinh hoạt.
Cần thiết nâng mức giảm trừ gia cảnh
PGS.TS Ngô Trí Long nhận định mức giảm trừ gia cảnh hiện tại đã lạc hậu quá lâu so với tốc độ phát triển kinh tế và mức sống thực tế của người dân. Do đó, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là vấn đề cấp bách, không thể trì hoãn cho đến khi Luật Thuế thu nhập cá nhân được sửa đổi toàn diện. "Trong khi chờ sửa đổi luật, cần cấp bách điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh ngay để giảm bớt khó khăn cho người lao động" – PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Huy – CEO khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi – nhấn mạnh rằng mức giảm trừ gia cảnh hiện nay đã trở nên lỗi thời so với thực tế kinh tế - xã hội. Ông Huy chỉ ra rằng trong khi mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc vẫn được giữ nguyên trong nhiều năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lại liên tục tăng, cùng với đó là lương cơ sở cũng đã được điều chỉnh nhiều lần.
“Đây là một sự bất hợp lý, khiến người nộp thuế thu nhập cá nhân gặp nhiều khó khăn trong việc tích lũy thu nhập sau khi hoàn thành nghĩa vụ thuế và chi trả các khoản chi tiêu thiết yếu” – ông Huy nhận định. Theo ông, việc chậm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người lao động mà còn có thể làm suy giảm sức mua, tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Vì vậy, bên cạnh việc sửa đổi toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân, cần có giải pháp điều chỉnh linh hoạt mức giảm trừ gia cảnh để kịp thời phản ánh thực tế mức sống và chi tiêu của người dân. Chỉ khi chính sách thuế đảm bảo công bằng, hợp lý, người lao động mới có thể an tâm làm việc, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
Trong khi đó, Luật sư Trương Thanh Đức - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam bày tỏ quan ngại về lộ trình sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân khi phải chờ đến tháng 10-2025 mới trình Quốc hội, tháng 5-2026 thông qua và đến năm 2027 mới có hiệu lực áp dụng. Ông Đức cho rằng, nếu giữ nguyên tiến độ này, người lao động sẽ còn phải chờ ít nhất hai năm nữa mới được hưởng mức giảm trừ gia cảnh mới, điều này là quá lâu và không phù hợp với thực tế kinh tế đang biến động mạnh.
Do vậy, theo ông Đức, các quy định pháp luật có tác động trực tiếp đến đời sống của người dân cần được ưu tiên sửa đổi sớm hơn, thay vì kéo dài, gây thêm áp lực tài chính cho người lao động. Khi giá cả tiếp tục leo thang, mức thu nhập thực tế giảm sút, việc chậm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đồng nghĩa với việc hàng triệu người vẫn phải chịu mức thuế không còn hợp lý, ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu và tích lũy.
Giải pháp trước mắt, theo Luật sư Trương Thanh Đức, là cần có cơ chế linh hoạt để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh kịp thời, thay vì đợi đến khi luật mới có hiệu lực. Bởi một chính sách thuế công bằng, bám sát thực tế đời sống không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng cho người dân mà còn góp phần kích thích tiêu dùng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nhiều thách thức hiện nay.
Tác động tích cực đến nền kinh tế
Việc nâng mức giảm trừ gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân không chỉ là một chính sách hỗ trợ người lao động mà còn là một chiến lược tài khóa dài hạn nhằm kích thích nền kinh tế. Lo ngại về nguy cơ giảm nguồn thu ngân sách là điều dễ hiểu, nhưng nếu nhìn nhận một cách toàn diện, việc tăng thu nhập khả dụng cho người dân sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa tích cực đến nhiều lĩnh vực.
Khi người dân có nhiều tiền hơn trong tay, họ sẽ tăng chi tiêu, từ đó thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng nội địa. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tăng trưởng mà còn khuyến khích đầu tư, mở rộng sản xuất và tạo thêm việc làm. Một nền kinh tế sôi động với dòng tiền luân chuyển mạnh mẽ tất yếu sẽ kéo theo sự gia tăng của các nguồn thu khác như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt hay thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thay vì chỉ tập trung vào một nguồn thu đơn lẻ như thuế thu nhập cá nhân, một hệ thống thuế hiện đại cần có sự điều chỉnh linh hoạt để vừa đảm bảo công bằng cho người nộp thuế, vừa duy trì được nguồn thu ngân sách một cách bền vững. Hơn nữa, trong bối cảnh kinh tế đang chịu nhiều áp lực từ lạm phát và biến động thị trường, việc giảm bớt gánh nặng thuế cho người lao động không chỉ là một chính sách hợp lý mà còn là động lực quan trọng để duy trì sức mua, đảm bảo sự ổn định và tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Thực tế cho thấy, khi người lao động được giảm bớt áp lực thuế, họ có thêm dư địa tài chính để chi tiêu, qua đó kích thích tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Với doanh nghiệp, một môi trường kinh tế sôi động sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng, mở rộng quy mô, tuyển dụng thêm lao động, từ đó tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn thu ngân sách có thể được bù đắp từ các sắc thuế khác một cách bền vững hơn, thay vì phụ thuộc quá mức vào thuế thu nhập cá nhân.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh chi phí sinh hoạt leo thang, mức giảm trừ gia cảnh hiện tại đã không còn phù hợp. Việc điều chỉnh lên 16 - 18 triệu đồng/tháng không chỉ hợp lý mà còn thể hiện sự thích ứng kịp thời của chính sách tài khóa với thực tế đời sống. Một hệ thống thuế hiện đại không chỉ đảm bảo công bằng mà còn cần linh hoạt, góp phần duy trì động lực tiêu dùng, sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội.
Như vậy rõ ràng việc cải cách thuế thu nhập cá nhân theo hướng hợp lý hơn không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng cho người dân mà còn là một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nền tảng cho nguồn thu ngân sách ổn định, bền vững trong tương lai.