Sửa Luật Năng lượng nguyên tử: Cần đồng bộ với các quy định quốc tế
Cùng với chính sách thúc đẩy phát triển các dự án quan trọng, góp ý sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử, nhiều ý kiến cho rằng, cần bảo đảm tính đồng bộ với các quy định quốc tế…
Mặc dù, Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008, cùng các văn bản hướng dẫn đã góp phần quan trọng trong việc quản lý an toàn, an ninh hạt nhân, thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các lĩnh vực y tế, công nghiệp, nông nghiệp và nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên, sau hơn 15 năm thực hiện, nhiều quy định trong luật đã bộc lộ bất cập, không còn phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ hạt nhân và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, việc sửa đổi luật trở nên cấp thiết hơn khi Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 174/2024/QH15 về kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, trong đó có nội dung tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và giao Chính phủ khẩn trương chỉ đạo bố trí nguồn lực thực hiện theo kết luận của cấp có thẩm quyền, đồng thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan, trong đó có Luật Năng lượng nguyên tử.
Theo đó, để đáp ứng thực tế phát triển, tại Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất các nhóm chính sách, bao gồm: Thúc đẩy sự phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử; bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn, an ninh hạt nhân và phân cấp trong công tác quản lý Nhà nước; tạo thuận lợi cho hoạt động thanh sát hạt nhân; quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân; trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân.
Tham gia góp ý xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Luật sửa đổi, không ít ý kiến cho hay, quá trình sửa đổi Luật cần bảo đảm tính đồng bộ với các quy định quốc tế, đặc biệt là hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và các điều ước quốc tế trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử mà Việt Nam là thành viên.

Góp ý sửa đổi Luật, PGS TS Vương Hữu Tấn - nguyên Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, cho rằng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) cần tham khảo mô hình luật mẫu của IAEA và kinh nghiệm quốc tế. Bởi hiện tại, Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước, điều ước quốc tế về an toàn, an ninh, ứng phó sự cố và chống khủng bố hạt nhân, tuy nhiên, chưa tham gia công ước về đền bù thiệt hại hạt nhân.
Theo ông Tấn, cần phải có tuyên bố chính sách của Nhà nước về bồi thường hạt nhân để tạo cơ sở cho đàm phán và ký kết các Hiệp định liên chính phủ về xây dựng nhà máy điện hạt nhân và lò nghiên cứu mới. Bên cạnh đó, cần phải có quy định chi tiết về bồi thường hạt nhân trong Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) để phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tham gia góp ý sửa đổi Luật, TS Nguyễn Nữ Hoài Vi - chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử cho rằng, Luật hiện hành chưa có quy định đầy đủ về chức năng, nguồn lực để cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân thực hiện vai trò pháp quy. Vì vậy cần bổ sung các nguyên tắc cơ bản của hoạt động thanh sát hạt nhân; quy định về đối tượng chịu điều chỉnh; nhiệm vụ, chức năng của cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân; quy định về thanh sát viên quốc tế.
Đối với lĩnh vực an ninh hạt nhân, TS Vi cũng đề xuất, bổ sung các nguyên tắc cơ bản như: thực hiện các biện pháp bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân, cơ sở hạt nhân; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được cấp phép; trách nhiệm tìm kiếm thu hồi vật liệu hạt nhân bị lấy cắp; bảo mật thông tin.
"Đây là các vấn đề còn thiếu trong Luật Năng lượng nguyên tử 2008, do đó cần bổ sung trong Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), làm cơ sở để các cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra các hướng dẫn cụ thể”, bà Vi nhấn mạnh.
Còn theo, ông Lê Đức Nguyên - Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, cần bổ sung, hoàn thiện các quy định cụ thể về quản lý, vận hành, bảo vệ an ninh, an toàn đối với nhà máy điện hạt nhân và các công trình phụ trợ liên quan. Luật cũng cần bổ sung các quy định liên quan đến bảo mật thông tin, cấp phép và giám sát hoạt động liên quan đến vật liệu phóng xạ.
Cùng với các nội dung đã nêu, để bảo đảm triển khai hiệu quả các dự án hạt nhân, trong đó việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được cho là yếu tố then chốt. Các chuyên gia cũng đề xuất, bổ sung cơ chế đào tạo và yêu cầu báo cáo định kỳ từ các cơ sở hạt nhân để bảo đảm an toàn và minh bạch...
Được biết, Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) bao gồm 14 Chương, 74 Điều, tăng 2 Chương so với Luật hiện hành. Dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (nếu chuẩn bị tốt có thể thông qua theo quy trình 1 Kỳ họp tại Kỳ họp thứ 9).