Tâm điểm

“Săn” cơ hội đầu tư trong bất ổn

Nguyễn Hữu Bình- Chuyên gia chứng khoán 16/02/2025 12:17

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, từ dòng tiền đến những tác động tiêu cực từ thương chiến 2.0.

index.jpg
Kể từ tháng 12/2024 đến nay, chỉ số VN-Index đã 2 lần chạm vùng 1.280 điểm, sau đó điều chỉnh.

Mặc dù vậy, các nhà đầu tư (NĐT) vẫn có thể tìm thấy cơ hội tốt từ những cổ phiếu có câu chuyện riêng, như nhóm ngành logistics, cảng biển,…

Điểm yếu của thị trường

Ngay sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những thông báo áp thuế với một số quốc gia như Canada, Mexico, Trung Quốc và một số mặt hàng, đầu tiên là thép và nhôm. Dù TTCK toàn cầu không phản ứng mạnh do các NĐT dường như đã lường trước các thông tin trên, nhưng lại đang hướng đến các tài sản bảo vệ rủi ro. Vàng bắt đầu tăng giá nhanh và mạnh, khiến nhiều người bất ngờ khi vàng giao sau đã gần chạm mốc 3.000 USD/ounce.

TTCK Việt Nam cũng có phản ứng trước thông tin Mỹ sẽ áp thuế lên sản phẩm thép, cho dù mức thuế 25% này đã bị áp từ nhiều năm trước. Nhiều cổ phiếu giảm tương đối mạnh, đặc biệt những cổ phiếu tăng mạnh trước đó như FPT, DGC, FOX, ACV… Mặc dù vậy, với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng, thị trường nhanh chóng hồi phục. Chỉ số VN-Index lại hướng trở lại mốc 1.270 điểm, nhưng không thực sự bền vững. Qua sự việc này có thể nói đây là điểm yếu lớn nhất với TTCK Việt Nam nếu như Mỹ thực sự áp thuế, và điều này không hẳn là không có.

Kể từ tháng 12/2024 đến nay, chỉ số VN-Index 2 lần chạm vùng 1.280 điểm, sau đó điều chỉnh. Lần này có vẻ như điều đó đang tiếp tục lặp lại khi động lực của thị trường khá yếu. Trên thực tế, đà hồi phục của TTCK từ giữa tháng 1/2025 đến nay dựa khá nhiều vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhưng bản thân nhóm này cũng không tạo ra sức mạnh như hồi đầu năm 2024. Chỉ có duy nhất cổ phiếu CTG tạo ra sức mạnh nhưng đang yếu đi khi nó đã tạo đỉnh mới.

Thậm chí, cổ phiếu FPT vốn dĩ được săn lùng trong cả năm 2024 cũng có những phiên bị bán mạnh, đặc biệt sau thông tin Deepseek xuất hiện. Nhóm cổ phiếu có lẽ mang đến niềm vui cho NĐT giai đoạn vừa qua chính là nhóm ngành logistics và cảng biển, như VTP, PHP, TCL, SGP…

ck 14

Trong nguy có cơ

TTCK Việt Nam bước vào năm 2025 được nhiều tổ chức nhìn nhận là “tiền hung, hậu cát” và có cơ hội tăng vượt qua mốc 1.300 điểm. Tuy nhiên, nhìn vào mặt vĩ mô, điểm nhấn lớn nhất hiện nay chính là quyết tâm của Chính phủ đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 8% với cả 4 bệ đỡ là tiêu dùng, đầu tư, đầu tư công và xuất nhập khẩu.

Tín dụng đương nhiên được nhắc đến với mức tăng trưởng 16% đồng nghĩa rằng sẽ có lượng tiền cực lớn khoảng 2,5 triệu tỷ đồng được bơm ra thị trường. Tín dụng cộng với đầu tư công sẽ đẩy lượng tiền khoảng 3 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế, một con số rất lớn, đủ giúp TTCK tăng mạnh.

Tuy nhiên, đi sâu vào từng mục tiêu có thể nhận thấy còn nhiều khó khăn. Đầu tiên là mục tiêu về tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 12% trở lên (hiện tăng trưởng trung bình khoản 8,5 - 9%). Tuy nhiên, cơ sở nào sẽ giúp điều này thành hiện thực khi người dân dường như đang thu hẹp việc chi tiêu? Mục tiêu thứ 2 là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 12% trở lên, với thặng dư thương mại khoảng 30 tỷ USD. Cần lưu ý rằng nền tăng trưởng xuất nhập khẩu năm 2024 là rất cao với mức tăng 15,4%.

Trong khi đó, tại cuộc họp với các ngân hàng vừa diễn ra ngày 11/2, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN sẽ định hướng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% nhưng sẽ điều chỉnh linh hoạt theo tình hình thực tế. Nếu lạm phát duy trì ở mức thấp, NHNN có thể tăng tín dụng để kích thích tăng trưởng và ngược lại, nếu có dấu hiệu rủi ro, chính sách tín dụng sẽ được điều chỉnh để đảm bảo ổn định vĩ mô.

Quan sát TTCK, chỉ số VN-Index vẫn trồi sụt và loay hoay trong những phiên giao dịch gần đây mà chưa thể tạo ra sự bứt phá, cho thấy NĐT vẫn khá thận trọng.

Một điểm nữa mà NĐT cần quan tâm là lượng tiền dư của khách hàng tại các công ty chứng khoán đang giảm mạnh, chỉ còn khoảng 73,5 nghìn tỷ đồng và là quý thứ 4 giảm liên tiếp. Trong khi đó, margin lại đạt đỉnh cao mới với 245 ngìn tỷ đồng, tạo ra khoảng chênh lệch lớn giữa 2 chỉ số này. Vay nợ tăng lên, tiền mặt giảm xuống và câu chuyện về dòng tiền này sẽ khó cho thấy TTCK có thể tăng mạnh vào lúc này.

Mặc dù vậy, một số cổ phiếu có câu chuyện riêng vẫn tạo ra sức tăng khá mạnh, như nhóm cảng biển, logistics hay khoáng sản. Những cổ phiếu đơn lẻ như MML, KSV, PHP, VTP, TRC… vẫn tạo ra bước tăng khá mạnh nếu NĐT lựa chọn đúng thời điểm mua vào. Tuy vậy, NĐT không nên mạo hiểm bởi vì những rủi ro cực lớn có thể xuất hiện bất ngờ trong bối cảnh như hiện nay, đặc biệt trong kịch bản tồi tệ nhất là Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách áp thuế.

Nguyễn Hữu Bình- Chuyên gia chứng khoán