Thái Bình: Thúc đẩy mạnh mẽ từ cuộc đua DDCI
Nỗ lực cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đã thúc đẩy từ cuộc đua DDCI của các cấp, ngành địa phương ở tỉnh Thái Bình.
Nỗ lực dẫn đầu
Năm 2024 là năm thứ ba liên tiếp thành phố Thái Bình dẫn đầu các huyện, thành phố trong bảng xếp hạng bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI).
Kết quả này thể hiện nỗ lực của cấp ủy, chính quyền thành phố Thái Bình trong đổi mới, nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Sự quan tâm nắm bắt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền phục vụ người dân, doanh nghiệp.
.jpg)
Theo ông Vũ Mạnh Hoàn - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp thành phố Thái Bình chia sẻ: Thời gian qua, địa phương đã tăng cường đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với doanh nghiệp trên địa bàn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp. Từ đó khai thác hiệu quả nguồn lực và hiến kế của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, địa phương đã chỉ đạo các phòng, ban, phường, xã đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp về chuyển đổi số và dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến trong thực hiện thủ tục hành chính. Trong đó, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, kinh doanh. Thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để triển khai thực hiện dự án.
DDCI là thước đo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp đối với các sở, ngành và địa phương. Để giữ vững và nâng cao các chỉ số này trong những năm tiếp theo, thành phố xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Bảo đảm nhất quán trong thực hiện chủ trương, chính sách. Phát huy tính năng động, sáng tạo của lãnh đạo các cấp nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Đức - Phó Chủ tịch UBND thành phố Thái Bình cho biết: Để giữ vững được vị trí trên, ngay từ đầu năm, căn cứ chỉ đạo của tỉnh, thành phố đã triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp.
Trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành, giải quyết thủ tục hành chính với nhà đầu tư, doanh nghiệp để giảm thiểu tối đa chi phí phát sinh về thời gian, tài chính của nhà đầu tư, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị. Trong đó, cải cách chế độ công vụ, công chức.
Đặc biệt, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, công vụ. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa, văn minh công sở đối với cán bộ, công chức.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phường, xã. Từng bước hiện đại hóa nền hành chính, hoàn thiện thể chế, cải cách tổ chức bộ máy. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo môi trường thông thoáng, minh bạch, bình đẳng cho các doanh nghiệp.
Đặc biệt, thành phố quan tâm đến chỉ số thành phần tính năng động và tiên phong của chính quyền địa phương, đã yêu cầu lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các phường, xã chủ động giải quyết theo thẩm quyền, không đùn đẩy trách nhiệm. Phát huy tính năng động, sáng tạo của lãnh đạo các cấp trong thực thi các chính sách.
Theo ông Đức: Trên cơ sở kết quả của năm 2024, địa phương đã chỉ đạo tiếp tục duy trì và phát huy các chỉ số thành phần đã đạt điểm số cao. Đồng thời rà soát, đánh giá nghiêm túc để cải thiện các chỉ số thành phần chưa đạt yêu cầu.
Mục tiêu cuối cùng của DDCI là người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước đồng hành, cùng nhau xây dựng, kiến tạo môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi; giúp các thành phần kinh tế phát triển và đưa kinh tế - xã hội thành phố bứt phá trong thời gian tới.
Khắc phục “điểm nghẽn”
Ông Lương Văn Thuận - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Thuận Cường cho biết: Năm 2024 là năm nhiều khó khăn với các doanh nghiệp do ảnh hưởng của bão số 3, suy thoái kinh tế... nắm bắt những khó khăn, lãnh đạo thành phố đã đồng hành với doanh nghiệp, luôn có sự quan tâm, động viên, khích lệ. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn, tạo niềm tin, động lực cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Trường thì để cải thiện và nâng cao chỉ số DDCI, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thành lập nhóm zalo do Giám đốc Sở làm trưởng nhóm nhằm nâng cao khả năng tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp.

Theo đó, các doanh nghiệp có thể phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường thông qua nhóm zalo, từ đó lãnh đạo sở nắm bắt và trực tiếp giao nhiệm vụ cho trưởng các phòng, đơn vị liên quan để kịp thời giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp. Cùng với đó, Sở thực hiện minh bạch hóa và tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong tiếp cận thông tin để các doanh nghiệp an tâm đầu tư vào các dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Còn ông Nguyễn Ngọc Toàn - PCT thường trực huyện Đông Hưng cho biết: Nếu như năm 2023, DDCI của huyện đạt điểm tương đối thấp, xếp thứ 8/8 huyện, thành phố thì đến năm 2024 chỉ số DDCI của huyện đã có sự bứt phá với tổng điểm bình quân 85,44 điểm, xếp thứ 3/8 huyện, thành phố. Để có được kết quả đó, năm 2024, huyện đã có nhiều giải pháp khắc phục điểm nghẽn, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số DDCI.
Theo ông Toàn, xác định chỉ số DDCI là khâu đột phá có tính quyết định trong thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển, trên cơ sở kết quả của năm 2023, UBND huyện đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại, hạn chế. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao thứ hạng từng chỉ số thành phần.
Bên cạnh đó, địa phương còn tăng cường quảng bá, giới thiệu thông tin về tiềm năng, thế mạnh, quy hoạch các cụm công nghiệp, các ngành nghề thu hút đầu tư và các cơ chế ưu đãi đầu tư đến mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện.
Ông Mai Ngọc Tinh - Giám đốc Công ty TNHH Minh Danh cho biết: Trong quá trình hoạt động, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Công ty. Đặc biệt là đã có nhiều cải cách hành chính, chú trọng ứng dụng chuyển đổi số, chuyên môn và thái độ phục vụ của cán bộ khi tiếp xúc với doanh nghiệp cũng đã có sự chuyển biến tích cực, từ đó giải quyết kịp thời, nhanh chóng các thủ tục hành chính phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh của Công ty.
Đặc biệt, địa phương đã tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa Thường trực Huyện ủy với giám đốc các doanh nghiệp, HTX, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện. Thời gian qua, một số điễm nghẽn được tháo gỡ như: Công tác cải cách hành chính được thực hiện nhanh gọn. Đặc biệt địa phương đã tăng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 nhằm giảm bớt số lượng, thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Ông Đỗ Văn Vẻ - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Thải Bình cho biết: Cộng đồng doanh nghiệp Thái Bình đánh giá cao tính năng động, tiên phong của chính quyền địa phương cũng như việc chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, chủ động thực hiện các biện pháp hợp lý và hiệu quả, từ đó góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn các cấp, ngành, địa phương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh. Cải cách hơn nữa thủ tục hành chính, từ đó giảm bớt chi phí về thời gian cũng như các chi phí không chính thức cho doanh nghiệp.