Điều gì làm "bùng nổ" thanh toán số ở châu Á?
Châu Á đang giảm giao dịch bằng tiền mặt khi các quốc gia thúc đẩy thanh toán kỹ thuật số.

Giao dịch tiền mặt đang nhanh chóng suy giảm trong các giao dịch tiêu dùng trên khắp châu Á, thay thế bằng mã QR và các công nghệ khác dựa trên điện thoại thông minh. Theo Worldpay, một công ty xử lý giao dịch có trụ sở tại Mỹ, tiền mặt được dự báo sẽ chỉ chiếm 14% tổng số giao dịch vào năm 2027, giảm so với mức khoảng 47% vào năm 2019.
Sự chuyển dịch sang thanh toán không dùng tiền mặt cũng được thúc đẩy bởi những nỗ lực từ Ấn Độ và các quốc gia khác nhằm đẩy mạnh các hệ thống thanh toán số trong nước và giảm phụ thuộc vào các thương hiệu thẻ tín dụng phương Tây.
Tại Mumbai, những người giao hàng bằng xe máy hiện giao thực phẩm và nhu yếu phẩm hàng ngày một cách nhanh chóng, thường chỉ trong vòng 10 phút, khi toàn bộ giao dịch được hoàn thành qua điện thoại thông minh. Nhiều dịch vụ hiện không chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt.
Năm 2016, chính phủ Ấn Độ đã hợp tác với các tổ chức tài chính để giới thiệu Giao diện thanh toán hợp nhất (UPI), một hệ thống thanh toán di động cho phép người dùng thực hiện giao dịch thời gian thực. Hệ thống này hỗ trợ các dịch vụ giao hàng qua ứng dụng. Theo PwC Ấn Độ, hơn 131 tỷ giao dịch đã được thực hiện thông qua UPI trong năm tài chính 2023.
Trong khi đó, tại Trung Quốc đại lục, nơi có hơn 1 tỷ người đã sử dụng Alipay và các ứng dụng thanh toán kỹ thuật số khác, tỷ lệ giao dịch tiền mặt dự kiến sẽ giảm xuống chỉ còn 3% vào năm 2027.
Ông Douglas Feagin, Chủ tịch của Ant International, đơn vị điều hành dịch vụ Alipay bên ngoài Trung Quốc, cho biết công ty có kế hoạch mở rộng mạng lưới thương nhân của mình tại Châu Á và các thị trường khác. Số lượng cửa hàng ở nước ngoài chấp nhận Alipay hiện đã vượt quá 10 triệu.
Xu hướng không dùng tiền mặt đang phát triển nhanh chóng ở Châu Á. Tỷ lệ trung bình các giao dịch tiền mặt tại 14 quốc gia và khu vực dự kiến sẽ giảm 33 điểm phần trăm so với mức năm 2019 xuống còn 14% vào năm 2027, chỉ cao hơn một chút so với mức 12% của châu Âu.

Trên toàn thế giới, tỷ lệ thanh toán trung bình trên điện thoại thông minh tại các cửa hàng dự kiến sẽ đạt 46% vào năm 2027, cao hơn gấp đôi so với con số 22% của thanh toán bằng thẻ tín dụng.
Hiện Chính phủ Ấn Độ và Trung Quốc đang thúc đẩy mạng lưới thanh toán của riêng họ để cạnh tranh với các thương hiệu thẻ tín dụng quốc tế như Visa và MasterCard, khi các thương hiệu này vốn thu phí vài phần trăm trên mỗi giao dịch và thu thập lượng lớn dữ liệu từ cả chủ thẻ lẫn người bán.
Ở Đông Nam Á, các quốc gia đang tìm cách hợp tác trong thanh toán kỹ thuật số dựa trên mã QR. Người dùng PromptPay của Thái Lan và PayNow của Singapore có thể chuyển tiền giữa hai quốc gia. Các nghiên cứu đang được tiến hành để tạo ra một hệ thống thanh toán thời gian thực xuyên biên giới trong khu vực.
"Các quốc gia Đông Nam Á đang nỗ lực thiết lập một khối thanh toán châu Á bằng cách tạo ra một hệ thống độc lập với các mạng lưới thanh toán nước ngoài", ông Akira Yamagami, nghiên cứu viên tại Viện tư vấn quản lý dữ liệu NTT ở Tokyo cho biết.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, nhiều sáng kiến trong số này do chính phủ lãnh đạo và nhằm mục đích giữ phí người dùng ở mức thấp thông qua quy định. Do đó, để đảm bảo tính bền vững của hệ thống thanh toán, ông Yamagami khuyến nghị, các nhà vận hành phải có đủ doanh thu để đổi mới, đồng thời duy trì mức phí phù hợp với cả người tiêu dùng và nhà bán lẻ.