Ông Trump áp thuế nhập khẩu ô tô, ai “chịu trận”?
Ông Trump dự kiến áp thuế ô tô vào tháng 4 tới, đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động mạnh đến nhiều nhà sản xuất ô tô trên thế giới.

“Chúng tôi sẽ thực hiện điều đó vào khoảng ngày 2 tháng 4 năm 2025”, ông Trump nói với các phóng viên tại Mỹ về thuế quan cho ngành ô tô nhập khẩu tại Nhà Trắng, khi ông ký một sắc lệnh hành pháp về chính sách năng lượng ngày 14/2.
Động thái này nếu trở thành hiện thực sẽ là bước đi mới nhất trong cuộc chiến thương mại ngày càng mở rộng, diễn ra chỉ một ngày sau khi ông Trump công bố biện pháp thuế đối ứng gây tranh cãi.
Mối đe dọa về thuế quan đối với ô tô có thể đặt một số thương hiệu xe hơi lớn nhất thế giới từ Nhật Bản, Đức và Hàn Quốc vào tầm ngắm.
Năm ngoái, nhập khẩu chiếm khoảng một nửa thị trường ô tô Mỹ. Khoảng 80% doanh số bán hàng tại Mỹ của Volkswagen AG là từ nhập khẩu, trong khi con số này đối với Hyundai-Kia là 65%, theo số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Global Data.
Ngành công nghiệp ô tô của Mexico đã tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024, giữ vị trí nhà xuất khẩu xe hơi lớn thứ tư thế giới. Mexico đã thu hút nhiều tập đoàn tới đầu tư nhằm tận dụng thuế quan ưu đãi từ hiệp định thương mại USMCA. Song với tuyên bố mới nhất của ông Trump, ngành sản xuất lắp ráp ô tô và linh kiện trị giá khoảng 120 tỷ USD của nước này đứng trước bờ vực.
Bên cạnh tuyên bố mơ hồ vào thứ Sáu tuần này, Tổng thống Mỹ không cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào về phạm vi hoặc mức thuế có thể áp dụng đối với ô tô.
Chuỗi cung ứng sản xuất ô tô tại Bắc Mỹ hiện nay rất gắn kết theo thỏa thuận thương mại tự do Mỹ, Canada và Mexico, và một mức thuế mới có thể phá vỡ sự ổn định của ngành công nghiệp tại Mỹ. Mexico và Canada hiện vẫn được ông Trump tạm ngưng lệnh áp thuế 25% lên hàng hóa của họ xuất sang Mỹ.
Giám đốc điều hành của Ford, Jim Farley, hồi đầu tuần này đã cảnh báo rằng những mức thuế ngành kiểu này sẽ tạo ra một cú sốc chưa từng thấy đối với ngành công nghiệp ô tô Mỹ.

Ông Trump đã sử dụng thuế quan như một công cụ để buộc các quốc gia khác phải nhượng bộ về chính sách nhập cư và kiểm soát dòng chảy ma túy bất hợp pháp. Ông cũng nhấn mạnh thuế quan là một công cụ có thể thuyết phục các công ty chuyển sản xuất về Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng bày tỏ mong muốn các công ty ô tô Đức trở thành công ty Mỹ, một mục tiêu đầy tham vọng nhưng khó có thể đạt được do các rào cản thương mại.
Đức hiện là nước xuất khẩu ô tô chở khách lớn nhất châu Âu sang Mỹ, với tổng giá trị xuất khẩu lên tới 24,2 tỷ USD vào 2023. Đe dọa áp thuế mới của ông Trump tiếp tục làm buồn lòng các tập đoàn lớn như Volkswagen, BMW và Mercedes-Benz – vốn đang xoay xở trước suy giảm lợi nhuận từ Trung Quốc và suy yếu của nền kinh tế toàn cầu.
Chính quyền Trump cũng đang chuẩn bị bãi bỏ một ngoại lệ của bang Calinfornia nhằm thúc đẩy xe xanh từ thời ông Biden. Quốc hội Mỹ sắp xem xét quyền miễn trừ theo Đạo luật Không khí Sạch, cho phép bang California áp dụng các quy định riêng yêu cầu bán xe không phát thải, hướng tới việc cấm hoàn toàn xe chạy bằng xăng vào năm 2035.